Bài kiểm tra Văn điểm 9 của Nguyễn Thị Hồng Yến (học sinh lớp 10A4, trường THPT Anhxtanh, Hà Nội) với nội dung khuyên Thúy Kiều nên cùng em đi làm thêm để kiếm tiền chuộc cha thay vì bán mình cho Mã Giám Sinh, đã được nhiều độc giả quan tâm và bình luận.
Sai chính tả, không xứng đáng 9 điểm
Nhiều người cho rằng những ý tưởng mới mẻ, hiện đại, táo bạo như vậy cần được phát huy. Dù không phù hợp với hoàn cảnh nhưng điều đó có thể giúp học sinh tập suy nghĩ lạc quan nếu gặp trường hợp cần phải lựa chọn. Hơn nữa, đây là bài viết được quyền bày tỏ quan điểm cá nhân, nên cần tôn trọng ý kiến của học sinh này.
Bên cạnh đó, nhiều độc giả đã chỉ ra một số lỗi chính tả trong bài văn và cho rằng cách trình bày cẩu thả này không xứng đáng để nhận điểm cao.
Gaupool bình luận: "Mình không hiểu thầy giáo này tại sao lại chấm bài lỏng như vậy. Dù ý tứ tốt nhưng trình bày cẩu thả như vậy mà thầy vẫn cho 9 điểm".
Đồng quan điểm, Phương Huệ chia sẻ: "Bạn này trả lời hay nhưng trong bài kiểm tra viết tắt quá nhiều. Thời mình còn đi học mỗi lỗi này sẽ bị trừ một điểm. Phải chăng bây giờ học sinh được phép viết như vậy?".
Beth Novel thẳng thắn: "Nếu là tôi thì dù bài này có tốt đến đâu cũng phải trừ điểm thật nặng để học sinh nhớ. Bởi thói quen viết tắt sẽ làm xấu đi tiếng Việt".
Đồng quan điểm, Lê Huyền Trang cũng cho rằng: "Bài kiểm tra không thể được phép viết tắt như vậy. Tôi đồng ý bài làm tốt nhưng không phải vì thế mà bỏ qua những lỗi này. Có thể thầy giáo không trừ điểm nhưng cũng nên đánh dấu hoặc viết vào phần lời phê".
Một số lỗi chính tả trong bài Văn. |
Bài kiểm tra trong 2-3 phút, chấm điểm dựa vào ý tưởng
Thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên dạy Văn của lớp) lý giải: “Tôi quan niệm điểm số là sự ghi nhận quá trình nỗ lực, tiến bộ của học sinh. Vì vậy, khi cho điểm, giáo viên cần tính đến sự cố gắng trong suốt quá trình học tập chứ không chỉ chấm điểm cho nội dung cụ thể.
Đây là bài kiểm tra đánh giá thường xuyên nên điểm số vừa là sự ghi nhận nỗ lực của học sinh, vừa có tác dụng khuyến khích những sáng tạo của em. Tất nhiên, những lỗi chính tả mà độc giả chỉ ra là điều học sinh cần thiết phải sửa lại”. Vấn đề này được thầy Hùng nhắc nhở nghiêm khắc khi trả bài cho tập thể lớp.
Thầy giáo này cho biết thêm: "Bài kiểm tra này được thực hiện theo cách khác. Tôi đọc từng câu một và yêu cầu các em làm ngay. Mỗi câu học sinh chỉ có 2-3 phút để suy nghĩ và viết nên có sức ép rất lớn về thời gian. Vì vậy, tiêu chí chấm điểm của tôi đó là đánh giá việc nắm kiến thức và ý tưởng của học sinh”.
Thông qua đề thi độc đáo này, thầy Hùng mong muốn học sinh cảm nhận gần gũi với một tác phẩm văn học ra đời cách đây hơn 200 năm. Vì vậy, anh chọn cách đặt những câu hỏi đời thường để các em tự do bày tỏ tư duy, suy nghĩ, quan điểm của bản thân.