Tạo cầu nối để học sinh bày tỏ tình cảm với Bác Hồ, cô Đặng Nguyệt Anh, giáo viên dạy Ngữ văn trường Hà Nội - Amsterdam, ra đề bài cho học sinh CLB bồi dưỡng năng khiếu Trí Đức.
Theo đó, học sinh được chọn lựa một trong hai đề sau: “Kể lại giấc mơ em được gặp Bác Hồ” hoặc “Viết thư gửi Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 125 của Bác”.
Bằng những hiểu biết về Bác Hồ qua những trải nghiệm thực tế, sách vở, lời kể của cô giáo…, cùng tình cảm ngây thơ, chân thật, trẻ tiểu học đã có những bài viết xúc động.
Cô giáo Đặng Nguyệt Anh cùng học trò. Ảnh: Quyên Quyên. |
Một số bài viết của học sinh lớp 5 như sau:
“Như thường lệ, vào một ngày đẹp trời, tôi ăn trưa xong lên giường đi ngủ. Trong giấc mơ, tôi thấy một căn nhà sàn đơn sơ, mộc mạc, được dựng khá đơn giản tại Phủ Chủ tịch. Xung quanh ngôi nhà, một rừng hoa bát ngát. Các loài hoa đua nhau khoe sắc thắm.
Lúc đó, Bác Hồ bước ra từ căn nhà. Bác mặc chiếc áo kaki, đi đôi dép cao su đã sờn cũ, cầm bình chăm sóc cho các loài hoa trồng trong vườn. Dù rất bận việc nước, nhưng trong những lúc thế này, niềm vui khiến Bác như trẻ lại vài tuổi. Vừa nhìn thấy tôi, với giọng ân cần, dịu dàng, Bác nói:
- Mời cháu vào nhà! À mà cháu tên là gì?
Tôi giới thiệu liền một mạch. Nghe xong Bác trìu mến:
- Cháu à! Bác rất yêu quý thiếu nhi. Cháu còn sung sướng hơn nhiều…
Nghe Bác nói vậy, tôi đâm tò mò. Tôi không hiểu ý Bác là gì?
Bác Hồ - một con người rất vĩ đại. Bác từ tốn, giọng nói chậm rãi, khúc triết:
- Bác cháu ta còn sung sướng hơn nhiều đồng bào miền Nam khổ cực, đói nghèo. Đế quốc Mỹ đã phá hoại nền độc lập của nước nhà. Vì vậy, các cháu cần cố gắng chăm ngoan, học giỏi để tiếp bước cha anh, gây dựng một ngày mai tươi sáng.
Tôi thấm thía những lời Bác răn dạy. Bữa cơm của Bác cũng rất giản dị, chỉ có cà dầm tương, khúc cá, ít canh rau muống. Bác đã hy sinh cả đời vì dân, vì nước. Là Chủ tịch nước, vị lãnh tụ kính yêu luôn yêu quý, lo nghĩ đến đồng bào. Khi tôi rời khỏi nhà Bác cũng là lúc tiếng trống vang lên, kết thúc giờ nghỉ trưa.
“Thì ra là mơ” – tôi choàng tỉnh dậy. Tuy chỉ là giấc mơ nhưng qua đó tôi đã thấu hiểu lòng biết ơn và kính trọng của mọi người đối với Bác. Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh vẫn luôn in đậm trong trái tim mỗi người dân nước Việt:
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Học sinh Trần Bình Minh
“Thăm vườn xong, Bác dẫn tôi lên ngôi nhà sàn đơn sơ, giản dị. Trong nhà chỉ có một tủ sách cũ kỹ, bàn làm việc và giường ngủ. Không chỉ sống giản dị, Bác còn hòa mình cùng thiên nhiên.
Hai bác cháu vừa đi vừa trò chuyện. Lúc ra về, Bác khen ngợi những thành tích của tôi và thơm lên má một cái rất kêu. Bác còn thưởng cho tôi một viên kẹo. Tôi cảm ơn Bác. Bác cứ nhìn mãi cho đến khi bóng tôi khuất hẳn mới thôi. Tôi nhảy chân sáo tung tăng về nhà, tay vẫn cầm chắc viên kẹo”.
Học sinh Hồ Diệu Ngân
"Kính gửi Bác Hồ!
Thưa Bác, hôm nay, cháu viết thư này để chúc mừng sinh nhật lần thứ 125 của Bác. Cháu biết thư không đến được tay Bác nhưng hình ảnh Bác trong trái tim mỗi con người Việt Nam sẽ không bao giờ phai.
Bây giờ, Bác đã yên nghỉ. Nếu Bác còn sống, hẳn nhân dân sẽ rất vui mừng để mừng sinh nhật Bác lần thứ 125. Nhưng khi Bác đã ra đi, chúng cháu vẫn hào hứng hướng tới ngày sinh nhật.
Bác ơi, chúng cháu yêu Bác lắm. Người đã khai sinh ra nước Việt Nam. Người đã mang đến nền tự do, đọc lập cho nhân dân Việt Nam. Chúng cháu có thể học hành, vui chơi như ngày hôm nay là nhờ công ơn của Bác. Lời bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” vẫn văng vẳng bên tai cháu trong những năm tháng trẻ thơ".
Học sinh Nguyễn Mai Uyên
“Bác ơi cũng sắp hết năm học rồi, thiếu nhi cả nước sắp được nghỉ hè và đón ngày Tết 1/6. Chắc Bác vui lắm vì mỗi khi nhìn thiếu nhi chơi đùa. Cháu thấy nụ cười trên môi. Nụ cười chan chứa tình yêu vô hạn dù cho khuôn mặt Bác đã có nhiều nếp nhăn của tuổi tác...”.
Học sinh Nguyễn Ngân Giang
Đối với học sinh lớp 4, cô giáo Đặng Nguyệt Anh ra đề như sau: "Em hãy nêu cảm nghĩ của mình về Bác Hồ".
"Em đã nhiều lần được xem những cuốn phim, bức ảnh về Bác Hồ vĩ đại. Khi em sinh ra, Bác đã đi xa mãi mãi. Nhưng mỗi đêm em vẫn thấy như Bác vẫn còn. Bác đi khắp đất nước chăm cho trẻ em được giấc ngủ say. Đối với em, Bác như ông tiên trong truyện cổ tích".
Học sinh Phùng Hà Thu