Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài văn về khát vọng thay đổi giáo dục từ triết lý của Obama

“Thay đổi chẳng bao giờ dễ, nhưng luôn có thể”, câu nói của Tổng thống Barack Obama gợi cảm hứng cho nhiều học sinh khi đề cập vấn đề giáo dục.

Nhân sự kiện Tổng thống Obama đến Việt Nam, thầy Trịnh Quỳnh – giáo viên Ngữ văn, trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định ra đề bài cho học sinh trên một diễn đàn văn học như sau:

Thay đổi chẳng bao giờ dễ, nhưng luôn luôn có thể (Barack Obama).

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm Việt Nam từ 23 đến 25/5. Anh/chị mong muốn Barack Obama quan tâm và đóng góp tiếng nói giúp thay đổi vấn đề nào của Việt Nam hiện nay? Hãy trình bày điều đó trong một bài văn nghị luận ngắn khoảng 600 chữ?".

Đề thi mở, hấp dẫn ngay lập tức nhận được sự quan tâm  của học sinh tại nhiều tỉnh thành.

Thầy Trịnh Quỳnh nhận xét: “Đa số các em đều lựa chọn vấn đề gần gũi và thiết thực đó là giáo dục. Ngoài ra, một vấn đề khác được học sinh rất quan tâm là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường".

Thầy Quỳnh khá ngạc nhiên khi nhiều học sinh ủng hộ việc giáo dục phải không ngừng thay đổi, đặc biệt là chương trình và phương pháp giảng dạy.

Cũng theo thầy Quỳnh, nhiều học sinh gửi khát vọng có một nền giáo dục toàn diện như nước Mỹ. Các em không chỉ muốn tham gia du học ở Mỹ mà trải nghiệm nền giáo dục hiện đại ngay chính nước nhà. Nó có thể lớn lao nhưng không phải không thể - đúng như thông điệp mà Obama muốn truyền cảm hứng.

Thể hiện sự ngưỡng mộ về Tổng thống Obama trong bài văn của mình, Hồ Minh Quý, lớp 12A1, trường THPT Cần Thạnh, TP HCM viết: “Ông Obama là vị tổng thống da màu đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Dẫu biết không thể nào có thể thay đổi và xoá sạch hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc nhưng bằng sự nhiệt thành trong công việc, sự nghiêm túc chỉn chu trong mọi hành động, ông đã thay đổi suy nghĩ lớp công dân Mỹ, phần nào làm xóa nhòa".

Triet ly cua Obama anh 1
Thầy Trịnh Quỳnh - người ra đề văn về câu nói của Tổng thống Obama.

Kỳ vọng thay đổi giáo dục

Vũ Thị Lan Hương, lớp 10A6, trường THPT Nghĩa Dân, Hưng Yên mở đầu bài văn bằng suy nghĩ: “Trong số chúng ta không ít người có ý định cho một trải nghiệm học tập tại vùng đất như Anh, Pháp, Mỹ. Nhiều gia đình miệt mài dốc hết sức lực cho cuộc chạy đua với học bổng du học của con em mình, vì họ muốn có một nền giáo dục tốt hơn? Vậy, chúng ta cần nhìn nhận về sự thay đổi trong hệ thống giáo dục”.

Ngô Thị Ninh, học sinh lớp 11 D1, trường THPT Lương Tài, Bắc Ninh kỳ vọng, Tổng thống Obama sẽ tác động để có những thay đổi cần thiết trong giáo dục, đưa đất nước phát triển.

“Theo tôi, giáo dục nhân cách phải được ưu tiên hàng đầu. Giáo dục không nên quá chú trọng lý thuyết mà cần trang bị kỹ năng mềm, trau dồi đạo đức cho học sinh. Tôi mong muốn học sinh khi đến trường sẽ thấy được niềm vui của tuổi học trò, không  coi trọng điểm số, hạn chế các kỳ thi”, nữ sinh nêu quan điểm.

Cũng theo học sinh lớp 11 này, cuốn sách 7 loại hình thông minh của Thomas Armstrong chỉ ra, mỗi người có bảy loại trí thông minh. Trong khi đó, hầu hết chúng ta chỉ đánh giá hai loại trí thông minh là Ngôn ngữ và Logic toán. Còn lại, các trí thông minh khác như trí khôn vận động, âm nhạc, tư duy hướng nội… rất ít khi được quan tâm.

Vì vậy, thầy cô, cha mẹ, xã hội nên tôn trọng sự phát triển của con em mình, đừng đánh cắp quyền được sai và tuổi thơ của họ.

“Một bi kịch đáng buồn là học chẳng biết mình là ai và cứ sống cuộc đời lặng lẽ như một cái bóng cạnh ánh hào quang của người khác. Tình trạng thất nghiệp, tệ nạn xã hội, các vấn đề nan giải đều từ đó mà ra. Bởi một khi người ta không xác định được đích đến thì rất dễ lạc đường”, học sinh Ngô Thị Ninh viết.

Lê Phương Thảo, học sinh lớp 11D1, trường THPT Lý Nhân, Hà Nam mong muốn giáo dục Việt Nam sẽ tiếp cận nhiều hơn với quốc tế, trong đó có có Mỹ.

Học sinh này viết: “Tôi mong ngài sẽ có tiếng nói giúp học sinh được sống đúng với khả năng sáng tạo, mong muốn của bản thân".

Thảo mong muốn, những thay đổi đúng đắn trong giáo dục sẽ đưa ra những kết quả ngọt ngào. Bởi, giáo dục là cái nôi nâng đỡ cho cả xã hội.

Ngô Thúy Hằng, học sinh lớp 11A6, trường THPT Thanh Oai B, Hà Nội suy ngẫm: "Mỗi chúng ta cần làm một cuộc cải cách trong mỗi bản thân mình, phải nhận thức dù khó khăn đến đâu vẫn luôn có thể thành công. Có như vậy, người trẻ Việt mới có ước mơ, hoài bão để thay đổi chính cuộc sống của mình".

Băn khoăn về biến đổi khí hậu

Ngoài giáo dục, vấn đề về xâm ngập mặn, biến đổi khí hậu cũng được nhiều học sinh quan tâm. 

Bạn Phan Thị Hiền, học sinh trường THPT chuyên Đại Học Vinh mong muốn Tổng thống Obama sẽ tư vấn để Việt Nam có nhiều hơn chiến dịch bảo vệ môi trường, thay đổi thái độ trước nguy cơ ô nhiễm. Việt Nam phải bắt tay với bè bạn thế giới để xây dựng một hành tinh xanh.

"Nếu mọi người không thay đổi cách xử lý rác thải, thay đổi những thói quen dùng những đồ vật có hại cho môi trường thì không biết rồi thế hệ mai sau sẽ phải gánh chịu những hậu quả như thế nào nữa", học sinh này đặt câu hỏi.


Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm