Ở ngôi làng Lalanglinggah (Indonesia), bà mẹ 3 con Ni Nyoman Ayu Sutaryani có cuộc sống ổn định trong 2 thập kỷ với công việc làm nhân viên massage và huấn luyện viên yoga tại các khách sạn và spa sang trọng của Bali. Giờ đây, ở tuổi 37, cô phải trở lại nông trại tại ngôi làng thời thơ ấu, hàng ngày đứng chênh vênh trên chiếc thang tre cao để thu hoạch đinh hương.
Đó không phải là cuộc sống mà Ayu tưởng tượng cho chính mình. Tuy nhiên, ở Bali, nơi phụ thuộc nhiều vào du lịch, cô là một trong số hàng nghìn nhân công bị mất việc do đại dịch Covid-19 và buộc phải trở về làng, kiếm sống theo cách truyền thống.
"Đây là lần đầu tiên tôi thất nghiệp và đôi khi tôi muốn khóc. Mọi thứ đang trở lại thời xưa. Tôi phải làm những điều này hơn là chịu chết đói", cô Ayu nói.
Giống Ayu, nhiều người đã trở về trang trại của gia đình, giúp trồng trọt và thu hoạch mùa màng. Những người khác nuôi sống gia đình bằng công việc đào nghêu ở vịnh Benoa cạn hoặc bằng đánh bắt cá từ những bãi biển hoang vắng của Bali.
Tìm kiếm hải sản khi thủy triều thấp tại vịnh Benoa (Bali,Indonesia) tháng trước. Ảnh: Nyimas Laula. |
Hơn một nửa nền kinh tế Bali phụ thuộc vào du lịch
Bali, với dân số 4,4 triệu và diện tích gấp 8 lần kích thước của Singapore, là công cụ du lịch của Indonesia, thu hút khách với những bãi biển ngoạn mục, ruộng lúa bậc thang, các ngôi đền tuyệt đẹp và thời tiết lý tưởng.
Ở một quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo, phần lớn người dân đạo Hindu, Bali thể hiện bản sắc riêng của một điểm đến du lịch hàng đầu từ nhiều thập kỷ trước. Với hy vọng tận dụng cái tên Bali, chính phủ trung ương Indonesia đã bắt đầu một chiến dịch vào năm ngoái để tạo ra 10 điểm đến mới của Bali.
Một con đường vắng vẻ ở Seminyak (Bali, Indonesia) vào đầu tháng 7. Khu vực này thường chật cứng khách du lịch. Ảnh: Nyimas Laula. |
Hơn một nửa nền kinh tế của Bali phụ thuộc trực tiếp vào du lịch và một phần tư tham gia vào các hoạt động liên quan đến du lịch, như vận chuyển khách và cung cấp thực phẩm cho khách sạn, nhà hàng. Năm ngoái, Bali thu hút hơn 6 triệu khách du lịch từ nước ngoài và 10 triệu người từ Indonesia.
Số lượng khách sạn tiếp tục tăng, một số chuỗi quốc tế hoạt động hơn 20 cơ sở. Tổng thống Trump cũng tham gia vào thị trường này. Ông hợp tác với một tỷ phú khác xây dựng một khách sạn và khu nghỉ dưỡng chơi golf mang thương hiệu Trump ở Bali.
Trước sự phát triển bùng nổ, nền kinh tế của hòn đảo phải chịu đựng những thảm họa như vụ đánh bom năm 2002, dịch SARS năm 2003 và vụ phun trào núi lửa Agung năm 2017. Tuy nhiên, hơn cả, sự bùng phát virus corona là thảm họa tàn phá nền kinh tế Bali nặng nề nhất.
Cú đánh sập ngành du lịch Bali
Vào tháng 3, Indonesia cấm du khách nước ngoài từ các quốc gia bị thiệt hại nặng nhất vì Covid-19, vài tuần sau đó, mở rộng lệnh cấm đối với tất cả khách du lịch nước ngoài. Vào tháng 5, chính phủ cấm khách du lịch nội địa đến du lịch Bali.
Bất chấp các chính sách này, Indonesia vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Đông Á, với hơn 88.000 trường hợp nhiễm Covid-19 và 4.200 trường hợp tử vong tính đến 21/7. Tại Bali, số ca mắc bệnh đã tăng gấp đôi, lên tới 2.781 và số ca tử vong tăng gấp 4 lần, lên con số 44 chỉ sau hơn 3 tuần.
Các hạn chế du lịch đã đánh sập ngành công nghiệp không khói của Bali. Trong nửa đầu năm, hòn đảo đón 1,1 triệu khách du lịch nước ngoài, gần như tất cả đều đến hòn đảo trước khi xảy ra đại dịch. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, Bali đón gần 2,9 triệu khách.
Một túp lều du lịch bị bỏ hoang ở Bali, nơi đã chứng kiến sự suy yếu của nền kinh tế chỉ tập trung hướng đến khách du lịch. Ảnh: Nyimas Laula. |
Mất kiên nhẫn để vực dậy nền kinh tế, thống đốc của Bali, I Wayan Koster, bắt đầu mở cửa đón khách đến hòn đảo trong tháng này, bao gồm các nhà hàng và bãi biển nổi tiếng. Ông hy vọng sẽ đưa khách du lịch nội địa trở lại Bali bắt đầu vào tuần tới và thu hút khách du lịch nước ngoài bắt đầu từ ngày 11/9.
Sự mất cân bằng trong cơ cấu kinh tế
Một thế hệ trưởng thành tại hòn đảo này, những người trẻ tuổi được lôi kéo từ các ngôi làng ở phía bắc Bali đến làm việc trong các trung tâm du lịch, chủ yếu ở miền Nam. Nhiều người theo học các trường dạy nghề du lịch trước khi nhận việc trong các khách sạn, nhà hàng và công ty du lịch.
"Du lịch đã trở thành công việc cốt yếu đối với hầu hết mọi người", ông Ricky Putra, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Bali cho biết.
Đại dịch đã buộc các khách sạn và các cơ sở du lịch phải sa thải một số nhân công và cắt giảm lương cũng như giờ làm của những người khác.
"Hầu hết những người này sẽ quay trở lại làng. Một vài người trong số họ có thể sử dụng thời gian rất khó khăn này để giúp đỡ cha mẹ và quay trở lại làm nông nghiệp hoặc đánh bắt cá", ông Ricky, người cũng là tổng giám đốc tập đoàn khách sạn Santrian Resort and Villas, cho biết.
Một chợ cá ở Kuta (Bali, Indonesia). Ảnh: Nyimas Laula. |
Trong khi du lịch ảm đạm, các vùng quê ở Bali lại nhận tín hiệu tích cực. Một lãnh đạo địa phương ở làng Tembok ở phía bắc Bali, Dewa Komang Yudi, cho biết ông hoan nghênh sự trở lại của những người làm du lịch với cộng đồng mình.
Ông nói rằng khoảng 400 người thất nghiệp, từng làm bồi bàn, nhân viên spa, tài xế và người giúp việc nấu ăn, đã trở về ngôi làng 7.000 người. Giờ đây, họ đang trồng lương thực trên vùng đất bị bỏ hoang vì thiếu nhân công trước đó. Ông hy vọng nhiều người sẽ ở lại hẳn.
"Sự di dân từ đô thị về nông thôn bất ngờ xảy ra vì đại dịch. Hiện tại có nhiều người ở phía bắc Bali hơn ở phía nam vì nhiều người trở về làng. Đây là những gì chúng tôi hy vọng", ông Dewa nói.
Ông Yudi, 33 tuổi, người đã theo học tại một học viện du lịch và từng làm quản gia khách sạn, cho biết: "Bali nên dành nhiều nguồn lực cho nông nghiệp, một hướng đi bền vững hơn, thay vì trở nên quá phụ thuộc vào du lịch. Người dân phụ thuộc vào du lịch như thuốc phiện trong khi ngành này quá rất mong manh. Chúng ta đã từ bỏ những điều cơ bản để huy động cho nền kinh tế".
Mưu sinh trong thời Covid-19
Trên khắp hòn đảo, một số hội đoàn cung cấp viện trợ lương thực cho người thất nghiệp, chẳng hạn gạo, mì ăn liền, dầu ăn và đường. Tuy nhiên, những người nhận nói rằng viện trợ không đủ sống. Nhiều người trong số họ còn có các khoản nợ, như thanh toán trả góp cho xe máy, phương thức vận chuyển phổ biến trên đảo.
Hàng hóa gồm chuối, đinh hương, dừa và đu đủ ở phía sau một chiếc xe tải ở Mundeh (Bali, Indonesia). Ảnh: Nyimas Laula. |
Tại vịnh Benoa, khu vực cuối phía nam hòn đảo, thủy triều thấp thu hút hàng chục người từ các ngôi làng gần đó đến đào nghêu, sử dụng cào làm từ gỗ phế liệu, thậm chí là tay chân trần. Vào một ngày đẹp trời, người ta có thể thu hoạch hơn nửa kilogram nghêu. Một số người cũng săn cua nhỏ bằng thanh gỗ có hai móc sắt uốn cong như ngón tay. Nếu gia đình họ may mắn có những chiếc thuyền truyền thống Jukung, họ có thể ra biển bắt tôm.
Kadek Merta, 34 tuổi, người đang đào nghêu ở khu vực này, cho biết anh là quản lý khách sạn nhưng không làm việc kể từ tháng 3: "Tôi cảm thấy trống rỗng. Không có việc làm. Tôi chỉ có thể sống sót bằng cách phụ thuộc vào biển".
Cô Ayu có chị gái, anh trai, chú bác, cháu trai và anh em họ đều làm việc trong ngành du lịch. Cô thích làm nhân viên massage, vì kiếm được thu nhập khá và dễ dàng hơn so với công việc thu hoạch đinh hương từ ngọn cây cao hơn 18 m có thể gây nguy hiểm ở làng Lalanglinggah. Tuy nhiên, việc sống tại ngôi làng bên bờ biển phía tây nam của Bali có một vài ưu điểm.
Ni Nyoman Ayu Sutaryani thu hoạch đinh hương ở làng Lalanglinggah vào tháng trước. Ảnh: Nyimas Laula. |
Từ đỉnh của chiếc thang tự chế, Ayu có thể nhìn thấy bãi biển và khu rừng, cảm thấy làn gió nhẹ thổi từ eo biển Bali. "Tôi cảm thấy thanh thản. Ở thành phố, sầm uất. Điều này sẽ làm dịu tâm trí của tôi", cô ấy nói.
Quan trọng hơn, sự trở lại với cuộc sống làng quê giúp các gia đình đoàn tụ vì thông thường họ chỉ gặp nhau vào những ngày lễ quan trọng.
"Tôi kiếm được nhiều tiền hơn khi làm việc trong ngành du lịch. Tuy nhiên, về mặt tích cực, Chúa đã cho chúng ta tình trạng này để có thể ở bên gia đình", cô Ayu nói.