Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bali ngăn du khách khỏa thân, bảo vệ linh thiêng cho các ngọn núi

Những cân nhắc hạn chế tiếp cận các ngọn núi thiêng trên hòn đảo nghỉ dưỡng được đưa ra sau các vụ du khách quay clip khỏa thân và một số tai nạn chết người.

Người đàn ông Canada quay cảnh chính mình khỏa thân khiêu vũ trên núi Batur. Ảnh: @mind_body_healer, Galyna Andrushko

Ngắm cảnh mặt trời mọc từ một ngọn núi hùng vĩ ở Bali (Indonesia) là trải nghiệm tuyệt vời đối với những vị khách du lịch. Tuy nhiên, chính quyền của hòn đảo nghỉ dưỡng đang bàn luận về việc hạn chế du khách tiếp cận các đỉnh núi cao nhằm “giữ gìn linh thiêng” của chúng, SCMP đưa tin.

Sự cân nhắc được đưa ra sau hàng loạt sự cố tai nạn chết người hay khách nước ngoài tự ý quay video nhảy múa, khỏa thân, quan hệ tình dục trên đỉnh núi Batur - nơi được xem là linh thiêng của hòn đảo.

Những người theo đạo Hindu ở Bali, chiếm 90% dân số hòn đảo, tôn sùng những ngọn núi ở đây và coi chúng là nơi ở của các vị thần, tổ tiên. Họ lo sợ một “lời nguyền” sẽ giáng xuống nếu các vị khách có hành vi thiếu tôn trọng.

Bảo vệ sự linh thiêng

Tháng 1, thống đốc Bali Wayan Koster đã công bố một dự thảo mới, nhằm xác định lại những ngọn núi trên đảo là “khu vực linh thiêng”, đặc biệt trước tình trạng du khách có hành vi “thiếu kiểm soát” trên núi Batur.

“Tôi nghĩ điều này đã đi quá xa”, ông nói với các nhà lập pháp vào ngày 30/1, đồng thời cho biết thêm các nhà lãnh đạo tôn giáo đã kêu gọi thay đổi sau khi quyết định rằng những ngọn núi của hòn đảo “cần được giữ linh thiêng”.

Bali, nơi thường được gọi là “hòn đảo của các vị thần”, đã trục xuất một người Canada tự xưng “chuyên gia chăm sóc sức khỏe” vào năm 2022, sau khi anh ta quay cảnh chính mình khỏa thân khiêu vũ trên núi Batur.

du lich bali anh 1

Núi Batur được xem là địa điểm linh thiêng - nơi ở của thần linh và tổ tiên người Bali. Ảnh: Baliislandtrekking.

Trước đó, năm 2021, một diễn viên phim khiêu dâm người Nga đã gây bão khi đăng một đoạn video quay cảnh cô quan hệ tình dục trên ngọn núi này.

Một số khách đi bộ đường dài nước ngoài đã thiệt mạng khi cố gắng leo lên những ngọn núi của hòn đảo, vụ việc gần đây nhất là vào tháng 11/2022 khi một du khách người Mỹ bị ngã khi leo núi Agung, nơi có ngôi đền linh thiêng nhất trong Ấn Độ giáo của người Bali.

Một du khách Mỹ khác đã chết vào tháng 5/2022 vì trượt chân xuống dốc trong chuyến đi bộ đường dài theo nhóm trên núi Batur.

Koster cho biết dân làng sống gần núi phải thực hiện nghi lễ dọn dẹp được gọi là mencaru bất cứ khi nào “có thảm họa và cái chết”. Họ so sánh những trường hợp tử vong gần đây với lời cảnh báo từ các vị thần.

Cái khó của ngành du lịch

Nhiều công ty du lịch và hướng dẫn viên địa phương thường xuyên cung cấp các tour lên núi của Bali, với chuyến đi bộ ngắm bình minh trên núi Batur thường có giá 350.000 rupiah (tương đương 23 USD), bao gồm phương tiện di chuyển, bữa sáng.

Putu Ariana, người điều hành một công ty du lịch ở Ubud, phản đối kế hoạch hạn chế lượng khách du lịch đến thăm vùng núi. “Đó là nguồn thu nhập của chúng tôi, có nhiều lao động địa phương ở đó làm hướng dẫn viên du lịch”, ông nói.

Đại lý du lịch Sri Mano, thành viên của Ubud, cũng muốn chính quyền xem xét lại vì các tour du lịch có hướng dẫn hàng đầu “thuê nhiều người ở gần núi Batur”.

“Tôi đồng ý với việc cấm khách du lịch leo núi Agung, nhưng không nên cấm Batur”, cô nói.

du lich bali anh 2

Các quy định được đưa ra khiến những người làm du lịch lo ngại sẽ hạn chế lượng khách của mình. Ảnh: Handout.

Agung Suryawan Wiranatha, người đứng đầu trung tâm về du lịch tại Đại học Udayana ở Bali, cho biết đã có “nhiều vụ du khách làm những điều không đứng đắn” trên núi tại hòn đảo và chia sẻ video về hành vi của họ trên mạng xã hội.

Ông cho rằng điều này “sẽ gây ra đau khổ cho những người theo đạo Hindu ở Bali, khi các vị thần giáng lời nguyền vì không hài lòng trước hành vi của khách du lịch làm ô uế nơi ở của họ”.

Nhiều ngọn núi của Bali thực ra là núi lửa và các linh mục người địa phương vẫn thường xuyên cầu nguyện, cúng dường tại các ngôi đền trên sườn núi, ngay cả khi có núi lửa hoạt động.

Trong văn hóa của người Bali, việc chửi thề hoặc sử dụng ngôn ngữ thô tục trên núi, cũng như leo núi với ý định xấu đều bị cấm. Ăn thịt bò cũng bị cấm, vì bò được coi là linh thiêng trong Ấn Độ giáo.

Ông cho biết các hướng dẫn viên đi bộ đường dài thường sẽ tuyên truyền cho khách du lịch về những quy tắc bất thành văn này, nhưng không phải ai leo núi cũng sẽ có hướng dẫn viên.

Agung nói: “Chúng tôi cần thực hiện quản lý du khách, đây là một thông lệ hiếm khi được thực hiện ở Bali”.

Agung đề xuất rằng những người đi bộ đường dài nên thuê một hướng dẫn viên và đăng ký tên của họ với chính quyền trước khi được phép lên núi của hòn đảo, cũng như đóng góp cho các làng xung quanh.

Ông cho biết chính quyền của hòn đảo cũng nên gặp gỡ các bên liên quan để tạo ra một quy trình vận hành tiêu chuẩn, bao gồm bộ quy tắc an toàn và yêu cầu người tham gia phải mua bảo hiểm.

'Giải oan' cho Gen Z

Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.

Trò chơi tử thần lan truyền trên TikTok

Môn thể thao mạo hiểm có nguồn gốc từ Na Uy có tên “lặn tử thần” đang lan truyền chóng mặt trên TikTok, Insider đưa tin.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm