Một bức tượng gần núi lửa Agung ở Bali. Ảnh: Reuters. |
Thống đốc Bali Wayan Koster tuần trước đã công bố kế hoạch đóng cửa 22 ngọn núi ở Bali với tất cả khách du lịch, bao gồm núi Batur nổi tiếng.
Tuy nhiên, Hiệp hội hướng dẫn leo núi Bali (APGI) hy vọng sẽ có nhiều cuộc thảo luận hơn về lệnh cấm trước khi nó có hiệu lực, hãng thông tấn Antara của Indonesia đưa tin hôm 2/6.
“Cần phải thảo luận công khai để tiếp thu nguyện vọng từ các hiệp hội leo núi, nhà cung cấp dịch vụ hướng dẫn, đại lý du lịch bán tour du lịch mạo hiểm, cũng như các bên liên quan khác", Chủ tịch APGI, Ketut Mudiada, phát biểu.
Mudiada hy vọng các cuộc thảo luận có thể đưa ra các quy định có cấu trúc và rõ ràng để điều chỉnh hoạt động leo núi của khách du lịch nhằm duy trì sự tôn nghiêm của ngọn núi trong khi vẫn đảm bảo sinh kế của người dân dưới chân núi.
"Nhìn vào hiện tại và tương lai, sự quan tâm của cả du khách trong và ngoài nước đối với du lịch thiên nhiên ngày càng tăng, một trong số đó là du lịch leo núi", ông nói.
Quy tắc ứng xử đúng mực
Để ngăn chặn những hành vi du lịch không đúng mực, Thống đốc Bali Wayan Koster hôm 30/5 cũng đã ban hành một bộ quy tắc nêu rõ 12 nghĩa vụ cùng 8 hạn chế mà du khách quốc tế phải tuân theo khi du lịch tại đảo.
Bộ quy tắc bao gồm sự tôn trọng đối với các ngôi đền, tượng, phong tục, nghệ thuật và văn hóa thiêng liêng; ăn mặc giản dị ở những nơi linh thiêng, các điểm du lịch; phải có phép lịch sự; tuân thủ luật giao thông; thực hiện các giao dịch bằng đồng rupiah của Indonesia.
Danh sách những điều không nên xâm phạm tại vùng đất thiêng liêng gồm leo cây thiêng; tham gia vào hành vi làm ô uế những nơi linh thiêng, chẳng hạn như chụp ảnh không đứng đắn hoặc khỏa thân; sử dụng đồ nhựa dùng một lần; thốt ra những lời xúc phạm và hành động hung hăng đối với các quan chức chính quyền, các thành viên của cộng đồng địa phương hoặc khách du lịch; tham gia vào các công việc không được cho phép.
Du khách quốc tế tại Bali. Ảnh: Reuters. |
“Tôi yêu cầu tất cả các bên nghiêm túc hiểu, thực hiện và phổ biến bộ quy tắc này tới tất cả nhân viên và khách du lịch nước ngoài đến thăm Bali”, ông Koster nói với các phóng viên hôm 30/5.
Thống đốc Bali cũng đã kêu gọi người dân địa phương không tạo điều kiện cho khách du lịch nước ngoài thực hiện các hoạt động vi phạm quy định và pháp luật hiện hành.
"Cư dân Bali bị cấm tạo điều kiện cho khách du lịch nước ngoài thực hiện các hoạt động không phù hợp với giấy phép thị thực của họ hoặc các quy định của pháp luật", Koster cho biết.
Người đứng đầu Sở Du lịch Bali, Tjok Bagus Pemayun, cho biết ông đã thảo luận về quy tắc này với một số bên như Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Bali Indonesia (PHRI) và Hiệp hội Ngành Du lịch Indonesia Bali (GIPI) trước khi hoàn thiện.
Du khách “ngổ ngáo”
Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho biết lượng khách du lịch nước ngoài đến Bali đạt mức cao nhất vào năm 2019, với tổng số 6,3 triệu lượt. Lượng khách du lịch nước ngoài đến Bali tăng trở lại vào năm 2022, đạt 2,3 triệu người khi số ca mắc Covid-19 bắt đầu giảm.
Sau khi đại dịch lắng xuống, Chính phủ Indonesia đã quyết định mở cửa lại Bali cho khách du lịch nước ngoài khiến lượng khách trong và ngoài nước đến Bali tăng cao. Tuy nhiên, sự khởi đầu cho đà phục hồi của ngành du lịch Bali đã bị "hoen ố" bởi hành vi của một số khách du lịch quốc tế.
Những quy tắc du lịch mới nhất được đưa ra sau khi thiên đường nghỉ mát của Indonesia gần đây chứng kiến hàng loạt sự cố không được kiểm soát như nhóm người Đức khỏa thân nhảy múa trong đền thờ hay một phụ nữ Nga phơi bày cơ thể trước cây đa linh thiêng 700 tuổi.
Năm ngoái, nam diễn viên người Canada, Jeffrey Douglas Craigen, đã gây phẫn nộ khi một đoạn video quay cảnh anh khỏa thân nhảy múa trên núi Batur lan truyền chóng mặt.
Ngoài ra, cũng xuất hiện một video khác mô tả du khách nước ngoài la hét và lao vào các nhân viên an ninh bên ngoài nghi lễ tôn giáo khiến công chúng Indonesia tức giận. Mới đây nhất là vụ việc một phụ nữ Đan Mạch phải đối mặt với án 10 năm tù sau khi cố tình để lộ thân thể lúc đang lái xe máy ở Seminyak, một điểm nóng về du lịch tại Bali.
Cảnh sát Bali hôm 28/5 đã bắt giữ chủ sở hữu một doanh nghiệp cho thuê ôtô người Indonesia vì chấp nhận tiền điện tử làm phương thức thanh toán. Người đàn ông 33 tuổi này trở thành chủ doanh nghiệp đầu tiên ở nước này bị bắt vì giao dịch bằng tiền kỹ thuật số. Ở Indonesia, tiền điện tử chỉ được phép giao dịch dưới dạng tài sản, trong khi rupiah vẫn là loại tiền duy nhất được công nhận để thanh toán.
Người vi phạm có thể bị trừng phạt
Agung Suryawan Wiryanatha, người đứng đầu trung tâm về du lịch tại ĐH Udayana (Bali) đã hoan nghênh các quy tắc mới và kêu gọi chính quyền hòn đảo “phổ biến chúng rộng rãi bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và dưới dạng tờ rơi để khách du lịch dễ dàng nhìn thấy và hiểu được”.
“Đại sứ quán Australia trước đây đã đưa ra những quy tắc tương tự đối với những người dân nước này đến thăm Bali. Do đó, các quan chức chính phủ Indonesia có liên quan phải quyết đoán và nhất quán hơn trong việc thực hiện các quy tắc. Xin đừng dung thứ cho khách du lịch ngỗ nghịch”, ông nói và hy vọng những quy tắc này sẽ sớm được đưa vào luật để những người vi phạm có thể bị trừng phạt.
Trong khi đó, Azril Azahari, Chủ tịch Hiệp hội Học giả Du lịch Indonesia, khuyến nghị rằng các quy tắc ứng xử đúng mực nên được áp dụng cho tất cả các vùng của Indonesia, không chỉ riêng Bali.
Giới hạn và trục xuất du khách
Bali hiện xem xét các kế hoạch cắt giảm lượng khách du lịch - một động thái tương tự Amsterdam nhằm kiểm soát người Anh và những người vui chơi khác đến thủ đô Hà Lan để tìm kiếm đồ uống và ma túy giá rẻ. Theo đó, chính quyền hòn đảo có khả năng giới hạn 7 triệu khách du lịch mỗi năm và du khách có thể phải chứng minh rằng họ có đủ tài chính để hỗ trợ bản thân trong thời gian lưu trú.
"Cần phải đánh giá toàn diện để điều chỉnh việc nhập cảnh của khách du lịch nước ngoài. Ví dụ, có thể xem xét giới hạn 7 triệu cá nhân dựa trên các tiêu chí nhất định. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tính toán chất lượng du lịch nhằm bảo tồn văn hóa của người Bali”, Thống đốc Bali Wayan Koster cho hay.
Khách du lịch nước ngoài mang theo hành lý đi bộ tại sân bay quốc tế Gusti Ngurah Rai, Bali. Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng Luật pháp và Nhân quyền Indonesia, Yasonna Laoly, tiết lộ hôm 30/5 rằng 132 khách du lịch nước ngoài đã bị trục xuất khỏi Indonesia từ tháng 1 đến tháng 5, đồng thời cho biết thêm rằng chính quyền sẽ tiếp tục “trục xuất và đưa vào danh sách đen” bất kỳ du khách nào ngang ngược”.
Dựa trên hồ sơ nhập cư ở Bali từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, khoảng 101 người nước ngoài đã bị trục xuất khỏi hòn đảo, và khoảng 194 người nước ngoài đã bị trục xuất khỏi lãnh thổ Indonesia trong năm 2022.
Người đứng đầu Cơ quan Nhân quyền và Luật pháp tỉnh Bali, Anggiat Napitupulu, lưu ý rằng những người nước ngoài bị trục xuất chủ yếu vì có hành vi sai trái hoặc bị phát hiện đã sử dụng sai giấy phép cư trú, ở quá thời hạn quy định trong giấy phép cư trú, thực hiện các hành vi phạm tội và vi phạm các quy tắc ở Bali, cùng nhiều hành vi khác.
Hành vi của người nước ngoài đã vi phạm các quy tắc áp dụng ở Indonesia, đặc biệt là phong tục ở Bali, đồng thời gây ra tình trạng bất ổn và trật tự công cộng.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Tri thức Trực tuyến giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.