Trao đổi về điều này, TS Vũ Thị Phương Anh e ngại việc "đặt mục tiêu thật lớn rồi lấy tiền ngân sách thực hiện".
TS Phương Anh cho biết: Tại 10 nước Đông Nam Á, các ví dụ thành công hay được đưa ra là Philippines và Singapore, hoặc ở mức độ thấp hơn một chút là Malaysia.
Vì vậy, mọi người đang rất mong đợi để việc dạy và học tiếng Anh có hiệu quả hơn chứ không ì ạch như hiện nay - điều vừa được chứng minh qua kết quả môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.
Nhưng vấn đề là làm thế nào để biến tiếng Anh đang từ một ngoại ngữ trở thành một ngôn ngữ thứ hai?
Muốn trả lời thì trước hết cần xác định sự khác biệt giữa hai loại ngôn ngữ ấy - cả hai đương nhiên đều không phải là tiếng mẹ đẻ của người học.
Sự khác biệt giữa ngoại ngữ và ngôn ngữ thứ hai là gì? Định nghĩa đơn giản mà đầy đủ sau đây của wikipedia về ngôn ngữ thứ hai như sau: “Ngôn ngữ thứ hai của một người (viết tắt là L2) là ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ nhưng được sử dụng hàng ngày tại nơi người ấy sinh sống. Trái lại, ngoại ngữ là ngôn ngữ được học tại một nơi mà ngôn ngữ ấy không được sử dụng” - (TS Phương Anh dịch - PV).
Nói vắn tắt, bất cứ khi nào một người Việt (có biết tiếng Anh, tất nhiên) được đưa vào một môi trường mà mọi người xung quanh đều sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với nhau thì lúc ấy tiếng Anh đương nhiên trở thành ngôn ngữ thứ hai của người Việt ấy.
Nhưng nếu chúng ta vẫn cứ học tiếng Anh ở Việt Nam, thì cho dù có học với thầy Tây (hoặc thầy ta nhưng nói tiếng Anh như Tây), chỉ vỏn vẹn được vài giờ một tuần (giả định rằng vào lớp buộc phải dùng tiếng Anh), nhưng bước ra khỏi lớp thì tất cả đều là tiếng Việt, thì không rõ Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai như thế nào đây?
- Xét từ những điều kiện như vậy, ở Việt Nam có cơ hội để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai sẽ ra sao, thưa bà?
- Có lẽ đã có một sự nhầm lẫn đâu đó.
Tiếng Anh chỉ trở thành ngôn ngữ thứ hai trong một số trường hợp đặc biệt. Ví dụ với người nhập cư hay du học sinh, tiếng mẹ đẻ là tiếng Thái, tiếng Hàn, tiếng Tây Ban Nha... đến nước Mỹ để học tiếng Anh - lúc đó tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai đối với họ.
Tức là, một người học tiếng Anh trong môi trường tiếng Anh được sử dụng rộng rãi bên ngoài lớp học thì tiếng Anh mới được xem là ngôn ngữ thứ hai.
TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia TP HCM.
|
Cũng vậy, chỉ ở những nước như Ấn Độ, Singapore, Philippines... nơi tiếng Anh được dùng trong giảng dạy, trong tòa án, trong công sở, trong kinh doanh... thì nó mới được xem là ngôn ngữ thứ hai.
Tôi cũng nghĩ có thể ý Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ muốn là Việt Nam đến một lúc nào đó nói tiếng Anh giỏi như mấy nước Đông Nam Á. Nhưng những nước thành công đó, như Singapore, vốn là cựu thuộc địa Anh.
Việt Nam trải qua 100 năm là thuộc địa của Pháp và có một thế hệ nói tiếng Pháp rất giỏi. Nếu ngay sau khi giành độc lập mình có chính sách vẫn tiếp tục sử dụng ngôn ngữ đó thì sẽ có được ngôn ngữ đó. Đất nước Singapore chính là như vậy.
Có những thời điểm chính sách có thể ra được để có thể biến thành ngôn ngữ thứ hai. Nhưng với Việt Nam, điều kiện lịch sử này không tái tạo được nữa.
Hoặc khi chúng ta quan hệ với nước nào đó nói tiếng Anh rất thân thiết và cho phép họ đầu tư từng khu, thì lúc đó chính sách không phải là giáo dục mà từ chính sách về kinh tế, chính trị, tự nhiên… sẽ có ngôn ngữ thứ hai. Nhưng ở Việt Nam, tôi không nhìn thấy cơ hội nào để chúng ta có ngôn ngữ thứ hai kiểu tự nhiên như vậy.
“Ngôn ngữ thứ hai” theo định nghĩa chuyên môn là ngôn ngữ sử dụng trong đời thường, bên ngoài lớp học ngôn ngữ.
Còn nếu sử dụng cụm từ “ngôn ngữ thứ hai” để chỉ một trình độ ngoại ngữ ở bậc cao (người học có thể sử dụng độc lập hoặc thành thạo trong công việc, trong cuộc sống) thì hãy trở lại những mục tiêu không kém tham vọng của Đề án 2020 (đề án dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông giai đoạn 2008 - 2020 - PV).Nói đi thì nói lại, chắc chắn Bộ trưởng cũng biết điều đó, và có thể ý ông là “dùng tiếng Anh tốt” chứ không phải là “ngôn ngữ thứ hai”.
Hãy cứ kiên trì mục tiêu của Đề án 2020
- Vậy hãy trở lại Đề án 2020. Trong Đề án này, Bộ GD&ĐT đã tiếp thu và làm tiếp những điều gì? Có gì trong đề án liên quan đến việc biến tiếng Anh thành thế mạnh, hay thành ngôn ngữ thứ hai không, thưa bà?
- Trong Đề án 2020 đã có yêu cầu, mục tiêu dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh.
Có lẽ, khi tân bộ trưởng nói “đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai” thì thực sự ông muốn nói tới việc sử dụng tiếng như ngôn ngữ giảng dạy trong nhà trường (tương tự các chương trình quốc tế tại Việt Nam).
Trong tiếng Anh có một cụm từ chuyên môn để chỉ điều này: “English as a medium of Instruction” - viết tắt là EMI. Đây là một chính sách được nhiều nước áp dụng như một trong những điều kiện để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong tương lai (có lẽ là một tương lai xa). Và Đề án 2020 cũng đã đưa vào những yếu tố như vậy.
Nếu mục tiêu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là EMI thì tôi ủng hộ việc này.
Với cách làm của Việt Nam, điều tôi thấy điều dở nhất của Đề án 2020 là mục tiêu quá lớn, quá tham vọng lại thực hiện trong thời gian rất ngắn.
Nhưng điều đó vẫn không tệ bằng việc triển khai đề án đồng bộ trên cả nước với 63 tỉnh thành, không xem xét đến việc điều kiện các địa phương là rất khác nhau.
Mục tiêu của Đề án khá tham vọng nhưng vẫn có thể làm được có thể làm được ở một số nơi có điều kiện sẵn.
Nhưng thời gian đầu, chúng ta lại vội vã triển khai trên toàn quốc, và không làm theo sự khác biệt. Đó là lý do tại sao Đề án có lúc đã bị toàn xã hội phản ứng như vậy.
Đề án vấp phải sai lầm ở chỗ đó chứ không phải không có thành tựu. Thành tựu vẫn có ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM...
- Bà có nhắc tới chính sách của những nước muốn đẩy tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong tương lai xa. Vậy nếu như có một lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam trong tương lai xa, theo bà, nói một cách ngắn gọn, lộ trình này gồm những giai đoạn nào, trong vòng bao nhiêu năm và cần những điều kiện gì?
- Nếu đặt câu hỏi này cho tôi và yêu cầu trả lời trong vài phút thì khác nào đánh đố. Muốn biết lộ trình bao nhiêu năm, cần phải nghiên cứu kỹ càng.
Thứ nữa, là tôi sẽ không dùng cụm từ “ngôn ngữ thứ hai” mà sẽ dùng cụm từ “nâng cao trình độ tiếng Anh của Việt Nam”.
Trong Đề án 2020 đã có những thành tựu mà nhiều người không thấy, do bị chìm trong những điểm chưa tốt. Tôi có thể kể một số việc mà Đề án 2020 đã làm được.
Ví dụ việc đưa yêu cầu về đạt chuẩn Châu Âu hay Khung 6 bậc của Việt Nam, tôi cho rằng đây là một thành tựu. Mục tiêu đạt mức B1 - tức bước đầu có năng lực sử dụng độc lập một ngoại ngữ - cho học sinh tốt nghiệp phổ thông là đúng, vì đó là mục tiêu cần cố gắng đạt được.
Theo tôi, Bộ Giáo dục nên tiếp tục bám lấy các mục tiêu của Đề án 2020 và làm tiếp. Tuy nhiên không thể làm cào bằng trong 63 tỉnh thành mà nên khuyến khích, trao quyền và đầu tư thêm cho các địa phương có điều kiện.
Nên cố gắng đẩy được ở những nơi đấy. Với những địa điểm như TP HCM nên cho dạy - học bằng tiếng Anh luôn. Những địa phương chưa có điều kiện thì nâng cao trình độ tiếng Anh ở mức nền.
Nhưng cũng có những nơi chưa cần trình độ tiếng Anh B1 vì học sinh còn quá khó khăn (ví dụ ở những vùng dân tộc thiểu số, nơi học sinh nói tiếng dân tộc ở nhà và đi học bằng tiếng Việt, có nghĩa đối với các em thì tiếng Việt đã là ngôn ngữ thứ hai). Ở những nơi này, mục tiêu cần phải tập trung vào cái khác, ví dụ như trình độ tiếng Việt, chứ không phải là đổ tiền đưa máy móc dạy ngoại ngữ vào, đưa đi đánh giá trình độ tiếng Anh…
Và đó chính là cách sửa Đề án 2020.
Tôi sợ việc đặt mục tiêu thật lớn rồi lấy tiền ngân sách thực hiện
- Theo bà, nếu Bộ GD&ĐT quyết tâm thì có thực hiện được mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai không, dù ở tương lai xa?
- Nếu cứ làm như hiện nay thì tôi cho rằng không bao giờ làm được. Điều tôi sợ nhất là lại đổi mục tiêu của Đề án 2020 thành tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.
Để thực hiện mục tiêu này, rõ ràng là phải dạy các môn học bằng tiếng Anh trong nhà trường, và sẽ cần bỏ một đống tiền để viết sách.
Quay lại Singapore, sau khi dành được độc lập, khi quyết định tiếp tục sử dụng tiếng Anh trong nhà trường thì họ nhập giáo trình để dạy. Một thời gian sau, khi đất nước đã phát triển và có đầy đủ điều kiện rồi thì họ mới viết sách.Nhưng ai viết? Người Việt viết sách giáo khoa để dạy bằng tiếng Anh có ổn không, có viết được không? Khi đó 63 tỉnh thành chia tiền để viết hay là sẽ có những nhóm viết?
Tôi chỉ sợ sau khi chủ trương sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ giảng dạy trong nhà trường rồi thì Bộ sẽ đổ tiền vào viết sách.
Đây sẽ là cơ hội để các nhóm lợi ích xuất hiện. Tôi đã từng tham dự những cuộc họp mà khi có người đề xuất cần phải nhập cái này cái kia thì y như rằng có ý kiến phản đối và đòi hỏi phải để cho Việt Nam làm.
Nhưng ai làm? Rất có thể đó là các nhóm lợi ích, những người tự cho mình là giỏi nhất. Và thường thì họ làm rồi chính họ lại đánh giá, như thế thì rất đáng lo ngại.
Tôi rất sợ đặt mục tiêu thật lớn rồi lấy tiền ngân sách để thực hiện. Ngoại ngữ là nhu cầu có thật và có lợi cho chính người học. Mục tiêu trong trường phổ thông tất nhiên phải đạt và Nhà nước phải chi tiền. Nhưng phải làm những việc có ý nghĩa và thành công mà không cào bằng.
Cứ nhìn thực tế trong vòng 10 năm vừa qua, khi cho các trung tâm nước ngoài vào thì trình độ tiếng Anh của xã hội nâng lên, mặc dù đắt và người dân sẵn sàng móc tiền túi ra học.
Còn Nhà nước không cần lấy ngân sách vào những việc đấy mà chỉ đặt yêu cầu theo luật, giám sát và hậu kiểm.
Ngược lại, hãy dùng ngân sách đầu tư vào vùng sâu, vùng xa để nâng lên trước hết là trình độ tiếng Việt cho người dân tộc chứ chưa cần nói tới tiếng Anh.
Và tất nhiên là không thể cào bằng.