Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bạn có thể đang tẩy da chết không đúng cách

Việc lựa chọn loại tẩy tế bào chết cần phù hợp với từng loại da và tình trạng cụ thể ở từng thời điểm.

Dù cơ thể chúng ta có cơ chế đào thải da chết tự nhiên song các chuyên gia da liễu vẫn khuyên nên thực hiện tẩy da chết định kỳ. Thực tế, nhiều người vẫn thắc mắc liệu việc tẩy da chết có thực sự cần thiết trong chu trình chăm sóc da.

Tiến sĩ Lee Hwee Chyen, giám đốc y khoa và bác sĩ tư vấn da liễu tại Phòng khám chuyên khoa da liễu và laser Epi Dermatology (Singapore), nói với CNA: "Da của chúng ta có khả năng tự thải tế bào chết thông qua quá trình thay da kéo dài 28 ngày, nhưng đôi khi quá trình này có thể không hoàn chỉnh hoặc chậm lại khi chúng ta già đi".

Khi thực tế đó diễn ra, chúng ta vẫn cần có sự hỗ trợ cho làn da thông qua bước tẩy da chết. Pamela Chong, bác sĩ thẩm mỹ tại Phòng khám Epion (Singapore), cho biết đây là bước quan trọng trong bất kỳ quy trình skincare nào, vì nó có thể ngăn lỗ chân lông bị tắc nghẽn và mang lại làn da sáng và mịn màng hơn.

Tẩy tế bào chết còn có nhiều tác dụng như giúp tăng cường sản xuất collagen cho làn da rạng rỡ, tươi trẻ và mềm mại. Việc lựa chọn loại tẩy tế bào chết cần phù hợp với từng loại da và tình trạng cụ thể ở từng thời điểm.

Các loại tẩy tế bào chết

Có hai kiểu tẩy tế bào chết, đó là tẩy tế bào chết vật lý và tẩy tế bào chết hóa học.

Tẩy tế bào chết vật lý là phương pháp sử dụng chất tẩy tế bào chết bằng các sản phẩm có hạt (như tinh thể đường, muối, hoặc hạt vi mô) hoặc các dụng cụ cơ học (cọ rửa mặt, thiết bị silicon) hay kỳ cọ tế bào chết bằng tay.

tay da chet cho mat anh 1

Tẩy tế bào chết có tác dụng làm sạch và thúc đẩy quá trình sản xuất tế bào mới, giúp da trẻ trung và sáng hơn.

Ưu điểm lớn nhất của kiểu này là khả năng mang lại kết quả tức thì, giúp da mịn màng và sáng hơn chỉ sau một lần thực hiện. Ngoài ra, bác sĩ Chong cho biết hành động làm sạch da mặt bằng chất tẩy tế bào chết hoặc dụng cụ cũng có thể kích thích vi tuần hoàn, giúp cải thiện độ rạng rỡ và tái tạo da.

Tuy nhiên, nhược điểm là nó có thể dẫn đến tẩy tế bào chết quá mức gây tổn thương bên ngoài. Điều này không chỉ có thể dẫn đến mẩn đỏ mà còn có thể "tạo ra các vết rách nhỏ trên hàng rào bảo vệ da, làm tăng nguy cơ kích ứng, nhạy cảm và thậm chí là nhiễm trùng của da", theo Tiến sĩ Lee.

Tẩy tế bào chết hóa học là phương pháp sử dụng các chất chứa axit và enzyme để hòa tan tế bào da chết và đẩy nhanh quá trình thay đổi tế bào. Các thành phần phổ biến bao gồm axit alpha hydroxy (AHA) như axit glycolic và axit lactic; axit beta hydroxy (BHA) như axit salicylic; và enzyme có nguồn gốc từ các loại trái cây như đu đủ và dứa.

Bác sĩ Chong cho biết thêm, các hoạt chất này có tác dụng giải quyết nhiều vấn đề khác nhau về da, có khả năng thẩm thấu sâu vào da để mang lại kết quả tốt hơn.

Loại tẩy tế bào chết nào phù hợp với da của bạn?

1. Da dầu/dễ bị mụn

Có một quan niệm phổ biến đó là không nên tẩy da chết khi đang bị mụn. Tuy nhiên cả hai chuyên gia là Lee và Chong đều cho rằng nên tẩy tế bào chết ngay cả khi bị mụn, và có thể là tẩy tế bào chết vật lý hoặc hóa học.

"Tẩy tế bào chết có thể giúp giảm sự xuất hiện của mụn trứng cá và sẹo mụn. Nó loại bỏ hiệu quả các tế bào da chết, ngăn ngừa lỗ chân lông bị tắc, làm mờ vết thâm và cải thiện tông màu da tổng thể, do đó làm giảm mụn trứng cá", Tiến sĩ Lee nói.

tay da chet cho mat anh 2

Cần chọn kiểu tẩy tế bào chết phù hợp với loại da và tình trạng hiện tại.

Lee cho biết thêm, da dầu cũng có thể được hưởng lợi khi sử dụng chất tẩy tế bào chết vật lý, giúp loại bỏ lớp dầu thừa tích tụ và ngăn ngừa mụn trứng cá.

Tuy nhiên, với mụn trứng cá đang hoạt động, việc chà xát da có thể gây kích ứng các nốt mụn hiện có và có khả năng lây lan vi khuẩn gây mụn xa hơn, gây ra nhiều mụn hơn. Thay vào đó, nên sử dụng chất tẩy tế bào chết hóa học, như BHA.

"Nó có tác dụng chống viêm, hòa tan trong dầu và có thể tạo điều kiện làm sạch sâu lỗ chân lông", Lee giải thích.

2. Da thường/hỗn hợp

Tương tự như da dầu và da dễ bị mụn, người có da thường hoặc da hỗn hợp có thể lựa chọn tẩy tế bào chết vật lý hoặc hóa học tùy theo tình trạng da hiện tại.

3. Da khô/nhạy cảm

Nếu da khô, nhạy cảm hoặc thậm chí dễ bị chàm, hãy thử tẩy tế bào chết hóa học. "Chúng có xu hướng nhẹ nhàng hơn và ít gây kích ứng hơn so với tẩy tế bào chết vật lý - thứ có thể gây hại hơn cho làn da mỏng manh", Tiến sĩ Lee chia sẻ.

Bạn nên bắt đầu tẩy tế bào chết một lần một tuần, sau đó tăng dần tần suất lên hai lần một tuần. Phải luôn theo dõi phản ứng của da và ngừng lại nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra, chuyên gia nhấn mạnh.

4. Da mất nước

Da mất nước thiếu độ ẩm và có thể làm suy yếu hàng rào bảo vệ da. ​​"Điều này dẫn đến sự tích tụ của da chết, khiến da xỉn màu và bong tróc, gây ra tình trạng lão hóa sớm", Chong cho biết.

Tẩy tế bào chết thường xuyên sẽ giúp loại bỏ các tế bào da chết và giúp các sản phẩm chăm sóc da thẩm thấu sâu hơn vào da, phát huy hiệu quả tối ưu để bổ sung độ ẩm đã mất.

Bác sĩ Chong chia sẻ: "Hãy cân nhắc sử dụng AHA nồng độ thấp hoặc axit polyhydroxy (PHA), giúp tăng cường hydrat hóa đồng thời cung cấp khả năng chống oxy hóa".

Lưu ý quan trọng khi tẩy da chết

Nên thận trọng khi sử dụng các thiết bị tẩy da chết. Mặc dù chúng làm sạch sâu hơn, việc sử dụng quá nhiều có thể dẫn đến tẩy tế bào chết quá mức. Và không nên sử dụng chúng nếu bạn có các tình trạng da như bệnh trứng cá đỏ hoặc bệnh chàm vì chúng có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng này.

tay da chet cho mat anh 3

Cần lưu ý không tẩy da chết quá mức, dẫn đến tổn thương.

Khi tẩy da chết, nên massage theo chuyển động tròn và tác động lực vừa phải. Chú ý đến những vùng da nhiều dầu như vùng chữ T và không tập trung vào một vùng quá lâu.

Nên tẩy tế bào chết vào ban đêm, cho da thời gian phục hồi trong khi bạn ngủ. Nhớ dùng kem chống nắng vào buổi sáng, điều này rất quan trọng vì một số chất tẩy da chết hóa học có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh sáng mặt trời.

Tránh kết hợp cả hai phương pháp tẩy tế bào chết cùng một lúc. Điều này có thể gây ra tình trạng tẩy tế bào chết quá mức và làm hỏng hàng rào bảo vệ da, làm tăng độ nhạy cảm và gây viêm.

Không được tẩy tế bào chết cho vùng da bị kích ứng (bao gồm cả bùng phát bệnh chàm), bị cháy nắng hoặc có vết thương hở. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện có, có thể cản trở quá trình chữa lành và thậm chí gây sẹo.

Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ về thói quen tẩy tế bào chết phù hợp nếu bạn đang dùng thuốc retinoid dạng uống như Accutane hoặc Oratane. Tránh tẩy tế bào chết sau các phương pháp điều trị tại phòng khám như lột da và laser.

Nếu bạn cảm thấy đau, nóng rát hoặc sưng trong hoặc sau khi tẩy tế bào chết, đó có thể là dấu hiệu của việc tẩy tế bào chết quá mức, nên dừng lại lập tức và cho da thời gian phục hồi - thường mất 2 đến 3 tuần.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Cách trị tàn nhang bằng lá tía tô hiệu quả, dễ làm tại nhà

Trong tía tô chứa nhiều vitamin A, vitamin C và các thành phần dưỡng chất khác có khả năng làm mờ các nốt tàn nhang hiệu quả, giúp làm sáng da, giảm sự tích tụ của melanin dưới da.

Đinh Phạm

Ảnh: Pexels

Bạn có thể quan tâm