Cụ thể, theo quy chế mới được ban hành, Bộ GD&ĐT sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) căn cứ trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác thông tin theo quy định, mỗi trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Trong dự thảo được công bố trước đó, Bộ GD&ĐT tính bỏ điểm sàn trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017.
Theo quy chế mới, năm nay, Bộ GD&ĐT tổ chức 5 bài thi, bao gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Hai bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT).
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2016. Ảnh: Phước Tuần. |
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
Thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
Để tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo quy định của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành, thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ.
Năm 2017, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12 THPT. Năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT. Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT.
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là tỉnh) tổ chức một cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì, dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Bộ GD&ĐT điều động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ đến các cụm thi để phối hợp tổ chức thi.
Bộ thống nhất sử dụng phần mềm quản lý thi do Bộ GD&ĐT cung cấp; thiết lập hệ thống trao đổi thông tin về kỳ thi chính xác, cập nhật giữa trường phổ thông với sở GD&ĐT, giữa sở GD&ĐT với Bộ GD&ĐT; thực hiện đúng quy trình, cấu trúc, thời hạn xử lý dữ liệu và chế độ báo cáo theo quy định trong hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia hàng năm của Bộ GD&ĐT.
Bài thi tự luận được chấm theo hướng dẫn, đáp án, thang điểm của bộ theo thang điểm 10, lấy đến 0,25 và không quy tròn điểm.
Trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi để quán triệt quy chế thi, thảo luận hướng dẫn chấm, chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận mỗi môn để rút kinh nghiệm, thống nhất cách vận dụng hướng dẫn chấm; sau đó, tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt.
Về việc chấm bài trắc nghiệm, khu vực chấm thi có một tổ xử lý bài thi trắc nghiệm do chủ tịch hội đồng thi thành lập và chịu sự điều hành trực tiếp của trưởng ban chấm thi.
Các phiếu TLTN được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD&ĐT cung cấp.
Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm. Thống nhất sử dụng mã môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của bộ.
Thí sinh có quyền được phúc khảo bài thi và nộp đơn phúc khảo tại nơi đăng ký dự thi.
Trường phổ thông, nơi thí sinh đăng ký dự thi, nhận đơn xin phúc khảo của thí sinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh xin phúc khảo bài thi đến hội đồng thi.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, hội đồng thi phải công bố và gửi kết quả phúc khảo cho thí sinh.