Túi không khí Đà Lạt tạo nên xu hướng trên mạng xã hội, thu hút nhiều người trẻ mua về trải nghiệm. Ảnh: @hongnhung020997. |
Các túi không khí Đà Lạt được sản xuất bởi cửa hàng nông sản Minh Tiến Farm, liên kết cùng Nông Sản Trên Mây - chi nhánh lẻ của cửa hàng này. Túi không khí đang được bán trực tiếp tại cửa hàng trên đường Trần Đại Nghĩa (phường 8, TP Đà Lạt) và TikTok Shop với giá 10.000 đồng/túi.
Trên mạng xã hội, các video trải nghiệm mùi hương của sản phẩm này được quan tâm, khiến người xem bật cười. Thậm chí, một số video cán mốc 17 triệu lượt xem, tính đến ngày 13/7.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Minh Tiến, chủ cửa hàng, cho biết túi không khí Đà Lạt vốn dùng để chống sốc khi giao nông sản đi xa. Lấy cảm hứng từ câu nói đùa "đi Đà Lạt nhớ mang không khí về" của nhiều người, cửa hàng in nhãn dán với nhiều loại không khí khác nhau như hồ Xuân Hương, dốc Nhà Bò, đồi chè Cấu Đất, hồ Tuyền Lâm, nhà ma Đà Lạt, thung lũng tình yêu…
Phần nhãn dán với nhiều thông tin về điểm đến là điểm thu hút của túi không khí Đà Lạt. Ảnh: Minh Tiến Farm. |
"Cái hay của sản phẩm là những câu từ được in trên nhãn. Ví dụ như thành phần của không khí hồ Xuân Hương gồm 0,5% nước hồ, 98,5% không khí ẩm và 1% sự mệt mỏi khi đạp vịt ra giữa hồ. Khách hàng có thể mua làm kỷ niệm sau chuyến đi hoặc mang tặng bạn bè và người thân. Khi nhận được món quà, người ở nhà sẽ thấy rất vui", chủ cửa hàng nói.
Để tăng độ tin cậy, cửa hàng còn ghi hình lại quá trình thu thập không khí từ dốc Nhà Bò, hồ Xuân Hương hay thung lung tình yêu, kèm theo quy trình đóng gói tỉ mỉ.
Cách sử dụng túi không khí Đà Lạt là cắt một góc nhỏ, đưa lên mũi, hít sâu và nhắm mắt để cảm nhận. Ngoài ra, trên nhãn dán còn chỉ ra những đối tượng phù hợp cho từng loại không khí. Chẳng hạn như không khí đồ nướng dành tặng "những người ở nhà không được đi Đà Lạt" hay không khí đồi chè Cầu Đất dành tặng "những người muốn săn mây nhưng không dậy nổi".
Theo Minh Tiến, túi không khí này không bán với mục đích thương mại. Đây chỉ là món quà kỷ niệm từ Đà Lạt, mang đến niềm vui cho người mua lẫn người được tặng và quảng bá tên tuổi của cửa hàng. Tổng tiền của túi khí, máy bơm hơi và nhãn dán rơi vào khoảng 5.000-6.000 đồng/túi, chưa kể tiền đóng hàng. Khi bán ra, cửa hàng chỉ lãi tiếng cười của khách hàng.
"Lượng túi bán ra nhiều đến mức tôi không thể thống kê chính xác, khoảng gần một nghìn túi trong vài tuần. Lượt bán online là nhiều nhất. Thậm chí, nhiều khách hàng sáng sớm đã ghé cửa hàng mua. Tuy nhiên, túi khí cần bỏ vào thùng rác sau khi sử dụng để tránh ảnh hưởng môi trường", chủ cửa hàng bày tỏ.
Túi không khí Đà Lạt được cho là vô tri nhưng lại mang tính giải trí cao. Ảnh: Phạm Ngọc Dung, @reviewxaloo. |
Không ngần ngại ấn nút đặt hàng trên TikTok Shop để sở hữu chiếc túi không khí Đà Lạt, Phạm Ngọc Dung (21 tuổi, sống tại TP.HCM) cho biết cô không cảm nhận được "mùi vị" của thành phố ngàn hoa khi hít vào. Mùi duy nhất đọng lại là nylon.
"Tôi bỏ 10.000 đồng chủ yếu mua sự giải trí nên trải nghiệm cũng xứng đáng. Dòng chữ trên nhãn dán khá thú vị, làm tôi giảm căng thẳng. Xét về tâm lý, túi không khí này giúp tôi bớt nhớ Đà Lạt", Dung bộc bạch.
Đầu tháng 7, khi Đà Lạt vào mùa mưa, cửa hàng nông sản này tiếp tục mở bán nước mưa đóng trong chai thủy tinh với giá 20.000 đồng/chai. Theo lời giới thiệu, thành phần gồm 100% nước mưa Đà Lạt nguyên chất, không pha trộn. Công dụng làm sạch tay và mặt để giảm thiểu tiền nước.
Sau túi không khí, cửa hàng này cho ra mắt thêm chai nước mưa Đà Lạt. Ảnh: Minh Tiến Farm. |
So với túi không khí, chai thủy tinh thân thiện với môi trường, đặc biệt là có thể tái sử dụng để cắm hoa, trang trí và đựng nước.
Đây không phải lần đầu không khí Đà Lạt được mở bán. Hồi đầu năm, một cửa hàng bánh ngọt nằm trên đường Tăng Bạt Hổ (phường 1, TP Đà Lạt) cũng từng gây xôn xao khi bán không khí đựng trong chai thủy tinh với giá 29.000 đồng. Mục đích sản phẩm vẫn là trêu vui với bạn bè hoặc "hít hà" không khí mỗi khi nhớ Đà Lạt.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.