Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bản lĩnh của du học sinh hậu Covid-19

Trong bối cảnh nhiều biến động, du học sinh cần bản lĩnh để vượt qua thử thách về tinh thần, tài chính hay sự gián đoạn của lộ trình học tập.

ENZ,  du hoc anh 1

Những cản trở cho ước mơ du học luôn hiện diện, dù vậy khi khó khăn tồn tại, cơ hội sẽ mở ra. Chia sẻ trong chuỗi tọa đàm tuyển sinh “UniPrep - Sắp vào đại học”, chị Bành Phạm Ngọc Vân - Giám đốc thị trường Việt Nam, Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) cho rằng để bắt nhịp cơ hội, thích nghi tốt trước biến động và thành công trong thị trường lao động cạnh tranh, ngoài kiến thức, người trẻ cần xây dựng bản lĩnh khi du học.

Rèn luyện “độ lỳ đòn”

“Dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0, sự dịch chuyển trong nhu cầu thị trường lao động, việc du học chỉ là một lợi thế. Để tận dụng tốt ưu thế này, người trẻ cần có bản lĩnh và ‘độ lỳ đòn’. Cụ thể, bên cạnh chuẩn bị về năng lực học tập và khả năng ngoại ngữ cũng như kỹ năng chuyên môn, sinh viên cần có tâm lý vững vàng, sẵn sàng chấp nhận những việc không như ý khi đưa ra quyết định”, chị Vân cho biết.

Giải thích thêm về vấn đề này, chị Vân cho biết “độ lỳ đòn” (còn gọi là resilience) là khả năng bền bỉ, kiên trì, hòa nhập tốt trong môi trường đa văn hóa. Lựa chọn có thể đúng trong thời điểm này nhưng chưa tối ưu ở thời điểm khác - du học sinh cần hiểu được điều này để không rơi vào trạng thái căng thẳng, hụt hẫng nếu như lộ trình học tập không theo kế hoạch hoặc bị gián đoạn.

Ngoài ra, sinh viên cũng cần rèn luyện những kỹ năng để sẵn sàng đối diện với thử thách, bắt đầu từ việc nhỏ như hoạch định sớm mục tiêu, kiên trì thực hiện, không ngại lựa chọn sai, biết cách điều chỉnh cho phù hợp lộ trình… Dẫn chứng cụ thể, chị Vân cho rằng sinh viên có thể tận dụng thời kỳ “ngủ đông” trong đại dịch để thích nghi xu hướng giáo dục số, cũng như chuẩn bị kỹ cho mục tiêu du học và sự nghiệp tương lai.

“Nếu trước đây, du học thường được hiểu là học 100% ở nước ngoài thì nay đã có nhiều lựa chọn hơn. Với New Zealand, trong một năm qua, nhiều chương trình học chuyển tiếp, du học tại chỗ được các trường đại học New Zealand phối hợp đối tác uy tín triển khai tại Việt Nam. Các trường cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là học bổng”, chị Vân nói thêm.

ENZ,  du hoc anh 2

Chị Bành Phạm Ngọc Vân (bên trái) - Giám đốc thị trường Việt Nam, Cơ quan Giáo dục New Zealand.

Ngoài các chương trình liên kết cho bậc cử nhân và thạc sĩ tại trường đại học ở Việt Nam, sinh viên có thể chọn học trực tuyến trong thời gian chờ đợi chuyển tiếp sang New Zealand. Với người đi làm, các khóa học ngắn hạn hoặc micro-credential (chứng chỉ vi mô) là những lựa chọn lý tưởng để học viên vừa bồi dưỡng chuyên môn, vừa tích lũy tín chỉ cho các bậc học sau đại học.

“Khi tìm hiểu về định hướng nghề nghiệp, sinh viên cần biết cách tổng hợp, xác định thông tin để có lựa chọn phù hợp, nhất là trong giai đoạn có nhiều hướng lựa chọn ngành nghề và loại hình du học”, chị Vân chia sẻ.

Khả năng vượt stress

Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng chia sẻ nhiều vấn đề mà du học sinh phải đối mặt, trong đó có trạng thái tâm lý căng thẳng. Sốc văn hoá, cô đơn, hụt hẫng, khó hòa nhập do khác biệt ngôn ngữ, không theo được chương trình học... là lý do du học sinh rơi vào trạng thái áp lực triền miên.

Chia sẻ về trải nghiệm trên, bạn Vi Kim Chi - du học sinh ngành Khoa học Thực vật tại ĐH Massey - cho biết: “Thời điểm mới sang New Zealand, do chưa kịp thích nghi với cuộc sống mới, tôi gặp nhiều thử thách về mặt học tập và tinh thần. Nhưng nhờ khó khăn nên cuộc sống du học của tôi càng đáng trân trọng. Lúc mệt mỏi và cô đơn, tôi nhận được sự giúp đỡ từ nhà trường, hội sinh viên, thầy cô, cộng đồng người Việt tại thành phố Palmerston North. Sau nhiều khó khăn, tôi nhận ra bản thân có thể làm được những điều mình không ngờ”.

Việc du học vốn đối mặt nhiều áp lực, trong bối cảnh nhiều biến động, du học sinh càng phải vững vàng tinh thần để vượt qua căng thẳng. Nhận thức được thực tế đó, ENZ đã thiết lập cổng thông tin để kịp thời cập nhật các nội dung được quan tâm theo góc nhìn của du học sinh quốc tế tại New Zealand, đồng thời khuyến khích các hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng học sinh quốc tế (peer support) bởi những người bạn đồng trang lứa, cùng hoàn cảnh xa xứ với nhau, sẽ có sự thấu hiểu, thông cảm và hỗ trợ nhau tốt nhất.

ENZ cũng phối hợp các cơ quan chính phủ, đơn vị giáo dục, cộng đồng cư dân nhằm tạo nên hệ sinh thái hỗ trợ du học sinh theo ba tầng. Sinh viên không chỉ nhận hỗ trợ ở trong trường, tại nơi ở, mà còn được sự giúp đỡ, quan tâm từ chính phủ.

"Như vậy, du học sinh không chỉ được hỗ trợ nhu cầu ăn, mặc, ở, học tập hàng ngày mà còn được chăm sóc đời sống tâm lý, tình cảm", Giám đốc Thị trường Việt Nam ENZ nói thêm.

Rèn luyện tinh thần học tập suốt đời

“Du học không có nghĩa là nắm chắc cơ hội thành công nếu người học chỉ làm ‘tròn vai’ trong khuôn khổ học tập, những gì mà mọi người thường rập khuôn mong đợi. Người New Zealand có quan điểm rất đặc biệt là ‘làm đi đã’. Quan điểm này khuyến khích mọi người không ngại chia sẻ, trao đổi, từ đó có thêm kiến thức. Để tận dụng cơ hội, các bạn trẻ cần lăn xả nhiều hơn, không ngại tham gia và thử thách bản thân ở những lĩnh vực mới”, chị Vân chia sẻ thêm trong buổi tọa đàm.

Đồng tình với quan điểm trên, bạn Lê Hồ Như Thủy - du học ngành Nông nghiệp tại ĐH Lincoln - cho biết 3 năm học ở New Zealand là hành trình vượt lên giới hạn bản thân để đạt được mục tiêu dài hạn - thành lập công ty tư vấn về nông nghiệp. Đây là thành quả có được nhờ việc Thủy xác định rõ mục tiêu từ đầu, chủ động nâng cao khả năng ngoại ngữ hay học lái xe để xin việc làm thêm ở nông trại. Quá trình làm thêm tạo điều kiện để bạn học hỏi kinh nghiệm thực tế về quá trình trồng trọt, bảo quản nông sản cũng như cách vận hành, quản lý doanh nghiệp.

“Mình thường xuyên tham dự các hội thảo khoa học để cập nhật xu hướng mới trong lĩnh vực. Gần đây, mình tham gia dự án của giáo sư trong khoa để cải thiện các kỹ năng học thuật, chuẩn bị cho việc học lên cao trong tương lai”, Thủy nói thêm.

ENZ,  du hoc anh 3

Lê Hồ Như Thủy hiện là sinh viên năm cuối ngành Nông nghiệp tại Đại học Lincoln.

Ngoài ra, với những chính sách hội nhập quốc tế ở các nước, du học sinh đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt không chỉ từ bạn bè đồng trang lứa, mà còn đến từ nhóm lao động có cùng kỹ năng ở trong nước và nước ngoài. Để vượt qua áp lực, du học sinh cần học cách chấp nhận thực tế, lập trình lộ trình phát triển cho bản thân và trang bị kỹ năng tự học suốt đời.

“Không ai có thể đoán trước được sự thay đổi tương lai nhưng du học sinh có thể trang bị kỹ năng thích ứng thông qua quá trình tự học. Việc học hỏi không chỉ giúp các bạn làm giàu trải nghiệm mà còn tăng khả năng thích ứng và hòa nhập cộng đồng, cũng như những thay đổi trong tương lai”, chị Vân khẳng định.

Giang Chi Anh

Bình luận

Bạn có thể quan tâm