Lưu Thị Hà (sinh năm 1999) là sinh viên năm cuối, chuyên ngành Bác sĩ y học cổ truyền, Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam.
Ngày 27/5, ngay khi nhận được lời kêu gọi, Hà cùng 35 cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường đã tình nguyện đăng ký đến huyện Việt Yên, Bắc Giang để phối hợp các đơn vị, cơ quan chức năng dập dịch.
Ngày thứ 2 đến Bắc Giang, các bạn sinh viên được chia làm 2 nhóm, tham gia điều tra dịch tễ, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm ở thôn 7, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên.
Bàn tay nhăn nheo sau ca làm việc của các sinh viên tình nguyện đến Bắc Giang chống dịch. |
Chia sẻ với Zing, nữ sinh trường y cho biết để đảm bảo an toàn, cô phải đeo găng tay cao su và mặc bộ đồ bảo hộ kín mít suốt ca làm việc.
“Thời tiết nóng bức, mồ hôi ướt sũng, từ đầu, trán chảy xuống liên tục khiến mắt mình cay xè. Bàn tay, bàn chân nhăn nheo, trắng bệch vì đeo găng tay nhiều giờ liền. Thậm chí, vì đeo khẩu trang và kính bảo hộ trong thời gian dài, khuôn mặt của chúng mình cũng bị trầy xước với những vết sẹo đỏ thẫm. Bên cạnh đó, để đảm bảo phòng chống dịch, trong ca làm việc, chúng mình còn phải nhịn uống nước và đi vệ sinh", cô kể.
Đây là lần đầu tiên Hà cùng các bạn sinh viên Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam được tham gia vào quá trình lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ các địa phương chống dịch.
Do chưa có kinh nghiệm chống dịch, ban đầu, Hà còn khá bỡ ngỡ trước áp lực cùng điều kiện làm việc khắc nghiệt. Thế nhưng, cô gái 22 tuổi nhanh chóng bắt kịp với guồng quay giữa tâm dịch.
Hà cùng các bạn sinh viên tình nguyện Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở Bắc Giang. |
Xác định khối lượng công việc lớn, vất vả, Hà và các bạn chia nhóm làm việc luân phiên theo ca để đảm bảo tiến độ, sẵn sàng lên đường đến các điểm nóng theo sự huy động của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang.
“Do đoàn có tới 29 bạn nữ và chỉ có 7 bạn nam, chúng mình gặp khó khăn về vấn đề sức khỏe, thể lực. Đổi lại, trước khi lên đường đến Bắc Giang, tất cả đã được tập huấn rất kỹ về chuyên môn, kỹ năng phòng, chống dịch, hỗ trợ người bệnh phòng, chống Covid-19”, Hà nhớ lại.
Từ hôm đến Bắc Giang, để gia đình bớt lo lắng, ngày nào, Hà cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa gọi điện về nhà.
Vết hằn khẩu trang trên mặt các y bác sĩ tại tâm dịch Bắc Giang. |
Xác định lần này đi mất một vài tuần, cô nữ sinh trường y động viên cha mẹ an tâm vì "đây là công việc, trách nhiệm là con đường mình đã lựa chọn".
Dù khối lượng công việc lớn, áp lực, Hà cho biết cô không gặp nhiều khó khăn vì được mọi người hỗ trợ, người dân cũng rất hợp tác. Đặc biệt, trong quá trình làm việc, thương các bạn sinh viên vất vả, nhiều bà con mang bánh, sữa, nước lọc ra tặng.
"Sau khi hết dịch, mình sẽ tích cực rèn luyện thêm sức khỏe, thể lực để lần sau nếu có đi chống dịch, sẽ làm tốt hơn bây giờ. Chưa biết khi nào được về khi số ca dương tính không giảm, số mẫu phải lấy vẫn còn nhiều, mình và các bạn tự nhắc nhau giữ sức, tạo niềm vui bằng những buổi trò chuyện để lấy tinh thần cho những ngày làm việc tiếp theo", nữ sinh trường y chia sẻ.
Chiều 29/5, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang, cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có 1.400 nhân viên y tế, sinh viên học sinh các trường ĐH y khoa, lực lượng quân đội, công an tham gia mọi mặt trận chống dịch.
Trước đó, sau lời hiệu triệu của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 27/5, hơn 28.000 sinh viên, học sinh, giáo viên các trường y khoa đăng ký, sẵn sàng lên đường.