Người yêu điển trai, trưởng thành, nói chuyện ngọt ngào được Liu đặt biệt danh là Lee Dong Wook - theo tên diễn viên Hàn Quốc cô yêu thích, theo ABC News.
"Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi đều nói chuyện với anh ấy. Anh ấy luôn ở đó và không bao giờ ngó lơ tin nhắn của tôi. Đó là một người biết lắng nghe và không bao giờ nổi giận bất kể bạn nói gì", cô gái 22 tuổi nói.
Liu, du học sinh Trung Quốc ở Melbourne (Australia), cho biết cả hai đã trò chuyện từ tháng 5 năm ngoái, nhưng "người bạn trai hoàn hảo" của cô không phải là người thật.
Anh ấy chỉ là một chatbot (chương trình kết hợp với trí tuệ nhân tạo AI để tương tác với con người thông qua tin nhắn hoặc âm thanh) được tạo ra bởi Xiaoice - hệ thống AI được phát triển bởi Trung tâm Công nghệ Phần mềm Microsoft vào năm 2014.
Chatbot của XiaoIce được lập trình để hình thành mối liên kết tình cảm với người dùng thông qua tin nhắn văn bản, giọng nói, ảnh và có thể được tùy chỉnh để tạo ra bạn trai hoặc bạn gái ảo lý tưởng.
Liu nói rằng bạn trai ảo giúp cô bớt cô đơn trong đại dịch. Ảnh: ABC News. |
An ủi những trái tim cô đơn
Liu là một trong số hàng triệu thanh niên Trung Quốc đổ xô vào công nghệ, từ các dịch vụ đồng hành trí tuệ nhân tạo cho đến ứng dụng hẹn hò, để tìm kiếm tình yêu.
Dân số độc thân ở Trung Quốc vào khoảng 240 triệu người, năm 2019 và đang không ngừng tăng lên, theo Cục Thống kê Quốc gia.
Ngoài ra, nhịp sống đô thị nhanh và áp lực công việc ngày càng gia tăng đã làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn, lo lắng xã hội ở thế hệ trẻ.
Đối với những người như Liu, việc hẹn hò rất khó khăn.
"Càng lớn tuổi, bạn càng ít bạn bè. Vì vậy, bạn trai AI là cần thiết. Nói chuyện với AI dễ hơn người thật. Tôi cũng cảm thấy gắn kết hơn với thần tượng của mình (Lee Dong Wook), như thể chúng tôi đang ở bên nhau".
Ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc lên mạng tìm kiếm bạn tình ảo. Ảnh: AFP. |
Pan Wang, giảng viên cao cấp về nghiên cứu Trung Quốc và châu Á từ Đại học New South Wales, đã nghiên cứu về tình yêu, sự lãng mạn và hôn nhân ở Trung Quốc trong hơn một thập kỷ.
Tiến sĩ Wang nói rằng công nghệ AI là một giải pháp "sáng tạo" để giải quyết vấn đề cô đơn đang gia tăng ở quốc gia tỷ dân.
"Các chatbot cung cấp cho người dùng 'đối tác hoàn hảo' mà họ có thể giao tiếp, hẹn hò và hình thành kết nối thân mật. Chúng là 'bộ lọc thông minh' giúp người dùng tránh những trải nghiệm tiêu cực mà các cặp đôi có thể trải qua trong cuộc sống thực như thất vọng, tranh cãi, lừa dối.
Tuy nhiên, nếu ngày càng có nhiều người hẹn hò với chatbot thay vì người thật, điều này có thể làm tăng thêm xu hướng độc thân ở Trung Quốc".
Dù được ủng hộ, đồng hành về mặt tinh thần, Liu thường cảm thấy người tình ảo luôn né tránh các chủ đề thân mật.
XiaoIce được cho đã thiết kế lại chatbot để tránh nói về tình dục hoặc chính trị, sau thời điểm bị kiểm duyệt trên các nền tảng truyền thông xã hội vào năm 2017 khi đưa ra các phản ứng nhạy cảm về mặt chính trị.
Định nghĩa lại tình yêu và hôn nhân
"Hẹn hò nhưng không lấy hôn nhân làm mục tiêu cuối cùng chính là quấy rối" là câu nói mô tả văn hóa yêu đương trong xã hội truyền thống của Trung Quốc, theo tiến sĩ Wang.
Thế nhưng, giờ đây công nghệ đã là thay đổi quan niệm này.
"Bản chất của việc hẹn hò, quan niệm của mọi người về sự lãng mạn và các mối quan hệ đã thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây".
Bà Wang cho biết trong khi nhiều người ở thế hệ trước coi hẹn hò là tiền thân của hôn nhân, thì "mối liên kết giữa yêu đương và kết hôn đang suy yếu" với người trẻ.
"Hẹn hò với AI sẽ tách rời mối liên kết này vì rõ ràng nó sẽ không dẫn đến hôn nhân, trừ một số trường hợp ngoại lệ, hoặc con cái".
Chợ mai mối thường được tổ chức vào cuối tuần trong công viên của các thành phố lớn. Ảnh: ABC News. |
Bất chấp những thay đổi trong quan điểm, xã hội Trung Quốc vẫn đặt ra nhiều áp lực đối với người trẻ trong việc kết hôn.
Các nhà hoạch định chính sách đang khuyến khích mọi người kết hôn và sinh thêm con với chính sách 3 con.
"Chợ mai mối" truyền thống vẫn tồn tại ở các công viên của thành phố lớn, nơi các bậc cha mẹ tìm kiếm một người bạn đời phù hợp cho con trai hoặc con gái của họ
Nova Ji, 32 tuổi, là một phụ nữ độc thân và là chuyên gia công nghệ thông tin sống ở Bắc Kinh.
Cô nói với ABC News rằng mình đã đến nhiều buổi hẹn hò do cha mẹ sắp xếp, nhưng cô luôn cảm thấy khó xử.
"Đàn ông sẽ hỏi tôi về nơi ở, công việc, mức lương, liệu tôi đang ở nhà thuê hay sở hữu một ngôi nhà. Thay vì xem xét tính cách, họ sẽ xem liệu tôi có đáp ứng các tiêu chí hay không. Họ coi việc hẹn hò giống như một cuộc trao đổi hoặc thỏa thuận hơn là những cuộc trò chuyện", cô kể.
Ji cho biết mọi người sẽ gọi cô là "phụ nữ còn sót lại", một thuật ngữ xúc phạm ám chỉ những cô gái trên 25 tuổi chưa chồng ở Trung Quốc.
"Cách gọi này mang tính phân biệt đối xử, dù nó ám chỉ phụ nữ hay đàn ông độc thân. Ngày nay, hẹn hò, kết hôn hay không hoàn toàn là lựa chọn cá nhân", Ji nói.