Sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do Sở GD &ĐT Phú Yên tổ chức ngày 9 và 10/6, một cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi trên mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều xung quanh câu số 2 (3 điểm) trong đề thi Ngữ Văn. Đề ra một câu ngắn ngủi: “Điều kỳ diệu của trái tim”.
Đa số ý kiến đều thống nhất rằng vấn đề đặt ra trong đề văn hay, mang đậm tinh thần nhân văn. Nhưng nhiều người tỏ ra nghi ngại, băn khoăn về cách hỏi. Sao chỉ là một câu cộc lốc như thế?
Theo đúng cấu trúc tiếng Việt đây không phải câu hỏi, cũng không phải một câu thể hiện yêu cầu. Đáng ra, đề bài phải có đầy đủ lời dẫn, thể hiện rõ yêu cầu để học sinh dựa vào để làm bài như: “Suy nghĩ của em về điều kỳ diệu của trái tim”, “Bình luận về câu nói: Trái tim có điều kỳ diệu”…
Đây là đề văn dạng mở, cả về nội dung lẫn hình thức. Về nội dung, học sinh có thể tự do trình bày suy nghĩ về “Điều kỳ diệu của trái tim” mà không phụ thuộc khuôn mẫu hay hệ thống ý cố định nào được đặt ra sẵn. Mỗi em có một lối đi, một hướng nghĩ cho riêng mình. Có em nghĩ về trái tim yêu thương, đồng cảm, sẻ chia. Có bạn đề cập trái tim cháy bỏng nhiệt huyết, đam mê. Có thí sinh bàn về trái tim nồng nàn của tình yêu đôi lứa.
Về hình thức, mỗi em có thể tự chọn cho mình hình thức thể hiện khác nhau: Viết một bài luận thông thường gồm ba phần mở bài - thân bài - kết bài, hay chọn hình thức một bức thư.
Đây là cách ra đề rất tốt, nên khuyến khích vì nó giúp phát huy sức nghĩ, sức viết, phát huy được khả năng tư duy độc lập của học sinh. Thực hiện một phép so sánh nhỏ với cách ra đề thông thường như lâu nay, ta sẽ thấy rất rõ ưu điểm của hướng này.
Một đề văn nếu ra ở dạng thông thường, ngay trong đề đã thể hiện rất rõ 3 yêu cầu: Yêu cầu về nội dung (vấn đề cần bàn luận là gì?), yêu cầu hình thức (sử dụng hình thức nào? Thao tác lập luận gì?), yêu cầu tư liệu (lấy dẫn chứng từ đâu?).
Câu hỏi số 2, đề thi Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 của Phú Yên chỉ có 6 chữ. |
Với cách ra đề như thế, đặc biệt là với cách làm đáp án theo kiểu bắt buộc học sinh phải thể hiện đầy đủ những ý theo yêu cầu, học sinh sẽ bị gò ép trong những khuôn khổ nhất định. Các thầy cô giáo muốn học sinh đạt điểm cao, sẽ ôn thi theo khuôn mẫu, dẫn đến hàng trăm, nghìn bài văn giống nhau. Sẽ rất khó để tìm thấy dấu ấn cá tính của từng học sinh trong những bài văn.
Ngược lại, với cách ra đề mở như đã nói trên, chỉ duy nhất chủ đề được nêu ra, học sinh có thể tự do thể hiện suy tư của mình bằng những hình thức khác nhau. Sự sáng tạo, dấu ấn cá tính được thể hiện rất rõ.
Mỗi bài văn các em viết ra (dù ngô nghê) sẽ là sản phẩm của riêng mình, xuất phát từ quá trình tư duy độc lập, chứ không phải sự sao chép máy móc từ sách mẫu hay bài giảng của thầy cô.
Thực tế, cách ra đề kiểu này đã được áp dụng nhiều. Chúng ta từng gặp những đề văn như: Một trải nghiệm sâu sắc trong cuộc đời bạn; Phải chăng im lặng là vàng; Nếu cuộc sống không có Văn học; Nghĩ về những nếp nhăn trên trán mẹ…
Nhiều bạn băn khoăn với đề văn như thế, đáp án sẽ ra sao, giáo viên chấm như thế nào khi mỗi em viết một kiểu, thậm chí suy diễn vô bờ bến. Tôi cho rằng đã là đề mở thì đáp án cũng phải mở, tôn trọng cá tính sáng tạo của mỗi em, không được gò bó các em vào ý này, ý nọ.
Tuy nhiên, tự do sáng tạo không có nghĩa có thể nói nhăng cuội, suy nghĩ lung tung mà những suy nghĩ ấy phải hợp lý và có sức thuyết phục. Điều kỳ diệu của trái tim có thể là yêu thương, san sẻ; nhiệt huyết, hoài bão nhưng không thể là những đam mê xa xỉ, không lành mạnh. Tùy năng lực suy tưởng, cũng như cách viết của từng em mà giáo viên chấm điểm, sẽ không đến nỗi quá khó khăn.
Tôi bỗng nhớ đến những câu thơ rất tâm đắc của Quảng Nghiêm - một thiền sư Việt Nam thời Lý: “Nam nhi tự hữu xung thiên chí/ Hưu hướng Như Lai hành xứ hành” (Làm trai phải tự mình có chí xông lên trời thẳm/ Đừng đi theo con đường mà Như Lai đã đi)
Robert Frost – một nhà thơ người Mỹ từng viết: “Trong rừng có nhiều lối đi/ Và tôi chọn lối đi không có dấu chân người”.
Quảng Nghiêm gặp gỡ Robert Frost ở chỗ hai ông đều đề cao sự tự do sáng tạo và độc lập tư duy, kêu gọi mỗi người nên tự tìm cho mình một con đường đi riêng, thể hiện rõ dấu ấn cá tính; tránh lối sống dựa dẫm, phụ thuộc, đánh mất chính mình.
Ngay từ những đề văn nhỏ trong nhà trường THPT, chúng ta hãy tạo cơ hội để học sinh được đi con đường của riêng mình. Đừng bắt các em phải chen chúc trên những lối mòn định sẵn.
Thầy giáo Hồ Tấn Nguyên Minh cho biết: “Trong hơn 10 năm làm việc trong ngành giáo dục, ông có một số đề văn mở cho học sinh như “Suy nghĩ về lá rơi”, “Suy nghĩ về ngọn lửa”. Tuy nhiên, những đề thi này đều dành cho học sinh giỏi.
Đề thi “Điều kỳ diệu của trái tim” có thể khó so với mặt bằng học sinh nông thôn, nhưng với kỳ tuyển sinh vào lớp 10, đề thi nên có những câu tương tự nhằm phân hóa học sinh.
* Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả.