Dù là Việt kiều sinh sống ở Canada, chị Lê Trang (33 tuổi) vẫn thường xuyên bay về Việt Nam. Năm nay, chị về Việt Nam để cắt một bên amidan bị viêm dai dẳng.
Đến khi khám, chị Trang bất ngờ khi thấy mình được 3-4 bác sĩ cùng nhau hội chẩn trước phẫu thuật dù trước đó nhiều người nói với chị “cắt amidan chỉ 3 phút là xong”. Lúc này, chị mới biết mình thuộc nhóm máu AB Rh(D) âm, nhóm máu hiếm nhất Việt Nam.
Đến khi là “người trong cuộc’, chị Trang vỡ lẽ việc thuộc nhóm máu hiếm không chỉ xoay quanh câu chuyện hiến máu nhân đạo mà còn đi kèm với những rủi ro.
Thay đổi lối sống
Năm 2019, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 39 hệ nhóm máu hồng cầu với 367 kháng nguyên nhóm máu khác nhau. Trong đó, hai hệ nhóm máu quan trọng nhất là ABO và Rh.
Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, ở hệ nhóm máu ABO, bốn nhóm máu O, B, A và AB có tỷ lệ lần lượt là 45%, 30%, 20% và 5% so với dân số Việt Nam. Còn ở hệ Rh, tỷ lệ người có nhóm máu Rh(D) dương là 99,9% và tỷ lệ Rh(D) âm là 0,1%.
Như vậy, cả nước ta chỉ có khoảng 100.000 người có nhóm máu Rh(D) âm (bao gồm A-, B-, AB-, O-) trong khoảng 100,3 triệu người (số liệu cuối năm 2023 của Tổng cục Thống kê). Những người có nhóm máu Rh(D) âm, chưa tính theo hệ ABO, được xem là người có máu hiếm "nghìn người có một".
Nhiều người hoang mang khi biết bản thân mình thuộc nhóm máu hiếm Rh(D) âm. Ảnh: Hải Nam. |
“Mình vừa biết bản thân thuộc nhóm máu hiếm đầu năm nay nhờ đi cắt amidan thôi. Dù chỉ là tiểu phẫu nhưng phải hội chẩn và ký cam kết rủi ro làm mình cũng sợ lắm. Bác sĩ còn nói đùa là làm nghề mấy chục năm mới gặp một trường hợp như mình”, chị Trang chia sẻ.
Sau đó, chị nhanh chóng xốc lại tinh thần và chấp nhận sự thật bản thân sẽ có nhiều rủi ro hơn so với mọi người.
“Từ khi biết bản thân thuộc nhóm máu AB Rh(D) âm thì mình thay đổi lối sống cho lành mạnh hơn, ăn uống điều độ vì mong giữ gìn sức khỏe, nhanh được hiến máu hỗ trợ mọi người khi cần”, chị Trang nói.
Trong khi đó, Minh Thông (27 tuổi) lại biết bản thân mình thuộc nhóm máu O Rh(D) âm trong một lần khám tổng quát năm 2021. Kể từ đó, lối sống của Minh Thông thay đổi “180 độ”. Thông bỏ hẳn rượu bia, không dám bỏ bữa hay thức khuya như trước.
Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nhóm máu Rh(D) âm là máu hiếm vì chỉ chiếm gần 0,1% dân số Việt Nam. Ảnh: Wisegeekhealth. |
“Sau khi biết mình thuộc nhóm máu O Rh(D) âm thì tôi cũng đọc nhiều tài liệu và nhận ra nhóm máu này chỉ nhận đúng nó thôi. Do vậy, nếu chẳng may gặp tai nạn hay bệnh dẫn đến thiếu máu thì tôi nghĩ mình sẽ khó tìm được nguồn máu hơn so với những người khác. Giờ phải phòng ngừa những yếu tố rủi ro”, Minh Thông nói.
“Nhiều anh em khi vừa biết mình thuộc nhóm máu hiếm thì thường sợ. Bản thân tôi cũng sợ hơn là vui, cứ nghĩ: ‘Tại sao mình lại có một nhóm máu như vậy?’. Nhưng tôi hay khuyên mọi người là cứ bình thường nói, cố sinh hoạt ăn uống hợp lý là được. Giờ đây mạng lưới những người máu hiếm đã mạnh nên việc thiếu máu hiếm ít gặp hơn”, anh Anh Minh, thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Máu hiếm TP.HCM, trưởng nhóm B Rh(D) âm, phân tích.
Đi hơn 400 km để hiến máu
“AB - chào mọi người ạ! Thông tin liên hệ: TP Cao Lãnh, Đồng Tháp. 0985 *** ***. Luôn sẵn lòng tương trợ”. Đó là bài đăng của chị Thu Ngân trong cộng đồng của những người có nhóm máu hiếm trên mạng xã hội Facebook.
Bài đăng trong cộng đồng những người có nhóm máu hiếm của chị Thu Ngân. Ảnh: Tổng hợp Facebook. |
“Khi có thể thì tôi luôn sẵn sàng hiến máu. Trước là để giúp người và sau cũng là tìm kiếm cộng đồng, dự phòng bất trắc cho mình sau này”, chị Ngân chia sẻ với Tri thức - Znews.
Phát hiện mình thuộc nhóm máu AB Rh(D) âm trong một lần hiến máu tình nguyện, chị Ngân bắt đầu có ý thức về sức khỏe và chủ động tham gia cộng đồng những người có nhóm máu hiếm. “Trung bình mỗi năm tôi sẽ đi hiến máu từ 2 đến 3 lần. Cứ giúp được ai thì giúp thôi vì biết đâu một lần hiến máu của mình sẽ cứu được một mạng sống”, chị nói.
Anh Minh, thành viên ban chủ nhiệm CLB Máu hiếm TP.HCM, lại vừa được Nhà nước tuyên dương là Tình nguyện viên hiến máu tiêu biểu Việt Nam 2023 với 63 lần hiến máu nhân đạo.
Tính đến nay, anh Minh đã hiến máu nhân đạo tổng cộng 63 lần. Ảnh: NVCC. |
“Tôi cứ nghĩ đơn giản là mình có nhóm máu đặc thù, hễ ai cần thì cứ hiến thôi. Trước đây, khi mạng xã hội chưa phát triển, tôi và nhiều anh em trong CLB phải đi từ TP.HCM đến các tỉnh để hiến máu. Nhưng giờ cộng đồng những người có máu hiếm đã xuất hiện ở nhiều khu vực nên chỉ cần kết nối thôi”, anh tâm sự.
Anh Minh kể nơi xa nhất anh từng đến hiến máu là Khánh Hòa, cách TP.HCM hơn 400 km. “Lần đó mình đi hiến tiểu cầu cho một em trai 17 tuổi, bị ung thư tủy và phải liên tục truyền tiểu cầu. Không chỉ mình mà các anh em trong CLB cũng bỏ tiền túi để ra Khánh Hòa hiến cho em ấy. Cứ 1-2 tuần là sẽ có một người ra hiến”, anh cho biết.
Theo anh, có thành viên trong CLB TP.HCM còn phải ra đến Hà Nội để hiến máu. Tuy nhiên, đó chỉ là “chuyện trước kia”. Giờ đây, với sự hỗ trợ của mạng xã hội, các cộng đồng người có nhóm máu hiếm đã được thiết lập ở nhiều khu vực như Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, miền Trung, miền Bắc…
Trong năm 2023, CLB Máu hiếm TP.HCM có 254 thành viên với tổng cộng 758 lượt hiến máu nhân đạo. Ảnh: Linh Thùy. |
Tính đến nay, CLB Máu hiếm TP.HCM đã hoạt động được gần 20 năm. Trong năm 2023, CLB có đến 254 thành viên và đã hiến máu nhân đạo tổng cộng 758 lần.
Những người cần máu hiếm dễ dàng kết nối và tìm được nguồn máu phù hợp dù chỉ chiếm 0,1% dân số cả nước. “Tôn chỉ hoạt động của chúng tôi là làm sao để nhóm Rh(D) âm không còn hiếm nữa”, anh Minh dí dỏm chia sẻ.
TP.HCM dự kiến có thêm đường sách Nguyễn Đổng Chi
Đề án đường sách Nguyễn Đổng Chi nằm ở quận 7, dự kiến có chiều dài 120 m, chiều ngang 24 m với 18 ki-ốt các gian hàng triển lãm, gian hàng sách và các sản phẩm văn hóa. Đường sách sau khi được đưa vào hoạt động sẽ là nơi để tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về một chủ đề, thông tin, bình luận về những cuốn sách hay cho người dân, các hoạt động giáo dục, các cuộc triển lãm, đặc biệt là các hoạt động của Không gian sáng tạo, khởi nghiệp.