Thật tuyệt vời khi thưởng thức món bánh đa cua ở Hà Nội vào mùa thu. Hải Phòng có nhiều đặc sản, như nem, bánh mì cay, sủi dìn..., nhưng có lẽ bánh đa cua là món ăn khiến nhiều người nhớ nhất. Bánh đa cua đòi hỏi chế biến qua nhiều công đoạn, phải chú ý từng chi tiết, nếu không sẽ bị giảm vị ngọt của nước dùng sánh đậm, sợi bánh cứng, chả lá lốt khô và thiếu mùi vị thơm đặc trưng của biển khơi như tôm, cua.
Bánh đa cua Hải Phòng đặc biệt với sợi bánh đa đỏ bản lớn, ăn cùng chả lá lốt, chả cá... Ảnh: Hoàng Nhi. |
Đầu bếp khéo léo thái miếng thịt đều nhau, ướp cùng chút nước mắm, tiêu và hành tỏi băm nhỏ, với mộc nhĩ, sau đó dùng lá lốt quấn thành chả hình chữ nhật, rồi rán. Tôm luộc, bóc sạch vỏ, xào qua cùng chút hành phi. Tóp mỡ rán giòn, thơm ngậy. Những viên chả thịt bé xinh như hòn bi được viên nhỏ bỏ vào nồi nước dùng bánh đa cua.
Chả cá là một trong những yếu tố không thể thiếu tạo nên thành công của món ăn. Cá để làm chả phải là cá tươi, được xay nhuyễn cùng gia vị và hành lá, thìa là. Khi rán, chả cá tạo nên một mùi thơm quyến rũ và màu sắc bắt mắt.
Nước dùng nấu được ninh kỹ từ xương, hòa quyện cùng hương vị tôm, cua. Đầu bếp tinh tế sẽ tạo hương vị chua nhẹ cho nước dùng, cùng sắc màu sinh động cho món ăn bằng cà chua thái nhỏ, phi lên với một chút dầu ăn. Bánh đa đỏ cho vào trần qua với nước sôi.
Hương vị của các loại chả cá, thịt, lá lốt cùng hành ngò hòa quyện, kết hợp lẫn sợi bánh đa cua làm nên một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng đất biển. Bánh đa cua của người dân Hải Phòng được lòng thực khách bởi vị ngon lạ, phù hợp thời tiết các mùa. Hơn nữa, món ăn còn giàu chất dinh dưỡng, rất lành, thích hợp với mọi lứa tuổi.
Với giá 35.000-60.000 đồng, ở Hà Nội, bạn có thể thưởng thức bánh đa cua tại đường Triệu Việt Vương (quận Hai Bà Trưng), đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy), hoặc gần trường Nghĩa Tân.