Phù Nam - tác giả của MV Bánh trôi nước - là đạo diễn mà công chúng có thể không biết tên nhưng được người trong nghề kính nể. Một đạo diễn 8X “chắc tay nghề” - từng thực hiện nhiều MV đậm chất Hà Nội nhận xét: “Phù Nam ở một đẳng cấp khác, tôi thấp hơn nên rất khó nhận xét. Bánh trôi nước có một chút nghệ thuật, một chút sắp đặt. Giống cái gì thì đừng bàn, trước hết đây là một MV đẹp”.
Công bằng nhận xét, không ai có thể phủ nhận MV Bánh trôi nước của Hoàng Thùy Linh. Phù Nam đã làm ra một sản phẩm chất lượng, nếu không muốn nói là đẳng cấp và vượt xa nhiều video ca nhạc hiện nay.
Việc ê-kíp đầu tư trang thiết bị, nhân lực để đi quay ở nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng hay việc đạo diễn phải cặn kẽ thống nhất ý tưởng, chủ đề để hướng đến một nội dung về phụ nữ, trước hết là việc đáng khen ngợi.
Đó là chưa kể đến những trang phục đẹp mà nữ chính MV diện lên người khiến nhiều người trầm trồ. Thế nhưng, đẹp thì đẹp thật, Bánh trôi nước vẫn chưa phải là một MV hoàn hảo.
Thông điệp đa nghĩa nhờ đặt để hình ảnh thông minh
Bánh trôi nước là một trong những MV hiếm hoi trong làng nhạc Việt có thể mở cho người xem nhiều cảnh cửa khác nhau để cảm nhận. Không ít người chỉ ra rằng đây là một MV nữ quyền, khi hình ảnh của nữ giới được thượng tôn từ đầu đến cuối.
Hình ảnh của Hoàng Thùy Linh khi thì duyên dáng, dịu dáng, thùy mị, nết na như cô gái “hương đồng gió nội”, lúc lại sắc sảo, mặn mà, uy lực như một nhân vật siêu nhiên hay một bà hoàng quyền thế.
Động tác múa khi nhanh, khi chậm, biến hóa kỳ ảo tác động trực tiếp vào thị giác của người xem, lại được kết hợp ăn ý với màu sắc của không gian khiến hình ảnh.
Hơn nữa, sự mãnh liệt dần đều của điệu múa còn như diễn đạt lại con đường đã qua của Hoàng Thùy Linh, lúc đan xen như tơ nhện là quãng thời gian đấu tranh đủ hỷ, nộ, ái, ố, còn khi chắp tay là lúc an nhiên, bình ổn.
Bánh trôi nước được tạo nên bởi nhiều lát cát khác nhau nên người xem có thể có nhiều cách hiểu
|
Tính âm trong MV là không thể phủ nhận vì như ê-kíp chia sẻ đây là một sản phẩm âm nhạc được thực hiện để hướng tới phụ nữ Việt nói riêng và thân phận phụ nữ nói chung.
Nhưng không vì thế mà “âm thịnh dương suy”, nhiều hình ảnh trong MV như lửa, núi đá hay mặt trời được đặt để và sắp đặt để bù trừ, hay nói đúng hơn là mang dương tính cho một MV đầy tính nữ.
Sự hòa quyện giữa hình ảnh âm và dương kết hợp với diễn xuất của Hoàng Thùy Linh khiến MV trở nên đa nghĩa, mang lại nhiều thông điệp mới mẻ và xem lần đầu khó có thể cảm hết.
Bánh trôi nước được tạo nên bởi nhiều lát cắt khác nhau nên người xem có thể có nhiều cách hiểu, trong đó có 2 hình ảnh ẩn chứa dụng ý nghệ thuật. Một là con đường sâu hun hút, vừa là biểu tượng cho sự quanh quẩn mà người phụ nữ Việt từng phải trải qua trong nhiều thế kỷ vừa minh họa cho một con đường dài tăm tắp, cái mang lại thay đổi nếu mỗi người mạnh dạn bước đi.
Hai là hình ảnh đàn bướm – những cánh bướm xinh đẹp với màu sắc phong phú biểu đạt cho chính tâm hồn và sắc thái của người phụ nữ. Cánh bướm nhỏ nhoi, tao nhã nhưng cũng đầy nội lực như đúng tinh thần của phụ nữ Việt bao đời này.
Đẹp thì có đẹp nhưng như trăng chưa… tròn
Bên cạnh những ý kiến khen ngợi thì MV Bánh trôi nước của giọng ca sinh năm 1988 cũng nhận nhiều phản hồi trái chiều. Tất nhiên, có khen có chê mới là nghệ thuật và một sản phẩm có tốt đến đâu cũng khó có thể đạt đến tầm hoàn hảo. Và “chóng mặt” chính là trạng thái mà nhiều người cảm nhận được nhất khi xem lần đầu tiên Bánh trôi nước.
Tác phẩm của Phù Nam chuyển cảnh quá nhanh, trong đó người xem chưa kịp hình dung và mường tượng. Điều này khiến không ít người có cảm giác ê-kíp tham chất liệu, muốn MV chứa nhiều hình ảnh nhất có thể, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, chuyển cảnh nhiều để Hoàng Thùy Linh có thể “khoe” hết các bộ trang phục lộng lẫy của mình.
Đạo diễn hoàn toàn có thể tiết chế, chắt lọc và chọn lựa kỹ càng hơn để những khuôn hình nhang nhác, từa tựa nhau không bị lặp đi lặp nhiều lần, dù có thể đây là một chủ ý.
Thêm nữa, chính việc tham hình ảnh, khiến người xem phải cặn kẽ xem đi xem lại mới có thể xác nhận những vùng đất, địa danh thắng cảnh xuất hiện trong MV.
MV của Hoàng Thùy Linh được đầu tư về trang phục, bối cảnh. Ảnh: NVCC |
Ngoài ra, nếu thông điệp của MV hướng đến trước hết là phụ nữ Việt, sau mới là hình ảnh phụ nữ nói chung thì Bánh trôi nước chưa làm được điều này. Áo tứ thân cùng khăn chụp đầu được cho là biểu tượng hình ảnh phụ nữ Việt xuất hiện mờ nhạt giữa MV và không để lại nhiều ấn tượng. Xem xong Bánh trôi nước, điều công chúng ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh mở đầu và kết thúc MV.
Mở đầu Hoàng Thùy Linh xuất hiện như cô gái truyền thống của một nền văn hóa khác, có thể là Thái Lan, Ấn Độ, Lào hoặc Campuchia thì kết thúc tạo hình của nữ ca sĩ lại được cho là đầy tính kiếm hiệp, tựa như Lý Mạc Sầu của phái Cổ Mộ trong truyện của Kim Dung, bên Trung Quốc.
Nếu ê-kíp muốn phác họa hình ảnh cuối cùng của MV như bóng dáng của “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, tác giả bài thơ được nhạc sĩ Hồ Hoài Anh chuyển thế thì tuyệt nhiên không phải.
Phụ nữ Việt thời Hồ Xuân Hương không búi tóc dựng đứng và cài trâm ngang đầy khí chất “giới giang hồ” như vậy. Còn tất nhiên, nét chữ mà Hoàng Thùy Linh phác thảo bằng bút lông thì có căng mắt ra khán giả cũng không thể phân biệt đấy là chữ Nôm hay chữ Hán. Và rõ ràng, đây là chi tiết đáng tiếc mà đạo diễn Phù Nam hoàn toàn có thể xử lý tinh tế hơn, để chất Việt được tôn trọng hơn cả.
Bánh trôi nước là một MV đẹp trong bối cảnh nhiều sản phẩm âm nhạc thiếu sáng tạo, thậm chí còn có sự na na về mặt hình ảnh và bối cảnh. Phù Nam đã làm được điều mà không phải đạo diễn nào cũng làm được, đó là khiến khán giả phải trầm trồ, thích thú, thậm chí muốn xách balo và tìm đến những địa danh xuất hiện trong MV.
Tuy nhiên, đẹp thì có đẹp nhưng Bánh trôi nước vẫn chưa phải là một sản phẩm tròn trịa, hoàn hảo và tinh tế từ đầu đến cuối. Sản phẩm mới của Hoàng Thùy Linh như chiếc bánh đã thành hình, trông xa hấp dẫn nhưng cận cảnh thì còn thiếu bột.