Loét dạ dày tá tràng (DDTT) là bệnh tương đối không thường gặp nhưng có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng trong các bệnh đường tiêu hóa của trẻ em. Ths.BS. Nguyễn Phúc Thịnh - Khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, cho biết: tại phòng nội soi khoa Tiêu Hóa trong 2 năm qua, bệnh DDTT ngày càng nhiều, Điều trị thành công với tỉ lệ ngày càng thấp dù đúng phác đồ.
Đau bụng kéo dài là biểu hiện điển hình
Trong vòng 7 tháng Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phát hiện 56 trường hợp loét DDTT trong 396 trẻ nội soi tiêu hóa. Số bệnh nhân nam mắc bệnh chiếm 85%, nữ 15% với độ tuổi trung bình là 11 tuổi, trẻ nhỏ nhất là 6 tuổi và lớn nhất là 16 tuổi. Bệnh nhi nhập viện vì xuất huyết tiêu hóa trên chiếm tới 71,7%, trong đó, tiêu phân đen là 45,3% và ói ra máu 26,4%. Triệu chứng thường gặp còn lại là đau bụng kéo dài trên 3 tháng chiếm 26,4%. Đa số các bệnh nhân đều có các tiền sử trước khi được chẩn đoán xác định là đau bụng kéo dài (56,4%) và thiếu máu mạn tính (20,8%) mà chưa được nội soi. Tỉ lệ phát hiện ra loét DDTT trong tất cả bệnh nhân nội soi tiêu hóa trên là 13,38% (56 trên 396 trường hợp). Tất cả bệnh nhi đều là loét DDTT nguyên phát. ThS. Nguyễn Phúc Thịnh cho biết, đây là một con số có ý nghĩa vì những nghiên cứu khác kéo dài nhiều năm mà số bệnh nhi loét ít hơn.
Năm 2009, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong 9 tháng chỉ có 10 trường loét DDTT trong hơn 200 trường hợp viêm DDTT đã được chẩn đoán qua nội soi. Điều này có thể do kỹ thuật nội soi ở trẻ em ngày càng tiến bộ, an toàn hơn và chỉ định nội soi ngày càng rộng rãi, số lượng nội soi ngày càng nhiều. Trong khi đó, nghiên cứu ở Đài Loan của Shu Ching Hang kéo dài trong 9 năm từ 1999 - 2008 chỉ có 67 trường hợp loét DDTT trong 1234 trường hợp nội soi trong đó chỉ có 32 (47,7%) loét DDTT nguyên phát do Helicobacter pylori.
Bệnh không thường gặp nhưng nguy hiểm
Theo BS. Nguyễn Phúc Thịnh, có khoảng 15% các bệnh nhi đã được điều trị tiệt trừ Helicobacter pylori ít nhất 1 lần cách thời điểm nội soi lần này cách đây hơn 1 năm. Đây là số bệnh nhi cần theo dõi vì thật sự chưa biết bệnh nhi đã điều trị đã lành tái phát hay điều trị thất bại mà không được theo dõi. Có 2 trường hợp (3,8%) có tiền căn gia đình trực hệ bị ung thư dạ dày trước khi loét DDTT. Có 2 trường hợp sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng, chiếm 3,8% trong 4 trường hợp thiếu máu mức độ nặng phải nhập viện cấp cứu.
Tỉ lệ phát hiện Helicobacter pylori trên giải phẫu bệnh là rất cao. |
Biến chứng của loét DDTT có thể dẫn đến sốc mất máu, thiếu máu rất nặng, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời. Đại đa số các trường hợp được truyền dưới 10ml/kg hồng cầu lắng (49,1%), có hơn 20% các trường hợp phải truyền hơn 10 ml/kg hồng cầu lắng trước nội soi. Điều này cho thấy, loét DDTT không phải là bệnh thường gặp nhưng nguy hiểm bởi có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Giải phẫu bệnh tìm Helicobacter pylori có tỉ lệ dương tính (98,1%). Tỉ lệ phát hiện Helicobacter pylori trên giải phẫu bệnh là rất cao. Kết quả nội soi hầu hết là loét tá tràng (96,1%), chỉ có 2 trẻ loét dạ dày (3,8%). BS. Thịnh cho biết, đây là một dấu hiệu cần phải xem xét và theo dõi thêm, vì theo các nghiên cứu trước đây không có một nghiên cứu nào có tỉ lệ bệnh loét DDTT lớn đến như vậy. Theo nghiên cứu của El Mouzan MI tại Ả rập Saudi, trên 24 trẻ loét thì có 92% là loét tá tràng.
Đáng lo ngại điều trị tiệt trừ với phác đồ đầu tiên ở các trẻ bị loét DDTT có tỉ lệ thất bại rất cao lên tới 51,5%.
Dù các bệnh nhân này dùng đúng liều, đúng thời gian và đúng giờ, chiếm tới 96,3%. Vấn đề điều trị tiệt trừ Helicobacter pylori thất bại đã được rất nhiều nghiên cứu đề cập đến với tỉ lệ khác nhau. Sự đề kháng với kháng sinh với tỉ lệ rất cao có thể góp phần là một trong những nguyên nhân gây thất bại với điều trị tiệt trừ Helicobacter pylori. Trong đó đáng chú ý với tỉ lệ đề kháng với Clarithromycin cao đến 87,5%, kháng Metronidazole đến 66,7% và kháng Amoxicillin đến 20,8%.