Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Báo động học sinh Mỹ lạm dụng thuốc trị tăng động giảm chú ý

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra cứ 4 trẻ trong độ tuổi vị thành niên tại Mỹ lại có một người lạm dụng thuốc điều trị ADHD (chứng tăng động giảm chú ý).

Tại một số trường ở Mỹ, cứ 4 học sinh thì một người cho biết đã lạm dụng thuốc chống ADHD trong suốt một năm trước đó. Ảnh: Daily Bruin.

Được công bố vào ngày 18/4 trên tạp chí JAMA Network Open, nghiên cứu mới đã phân tích dữ liệu được thu thập từ năm 2005 đến năm 2020 do tổ chức Monitoring the Future thực hiện. Cuộc khảo sát liên bang này đã đo lường việc sử dụng chất kích thích và rượu ở học sinh trung học trên toàn nước Mỹ hàng năm kể từ năm 1975.

Trong bộ dữ liệu được sử dụng cho nghiên cứu này, hơn 230.000 thanh thiếu niên ở các lớp 8, 10 và 12 tại 3.284 trường trung học khắp nước Mỹ đã tham gia khảo sát.

Hồi chuông cảnh báo

Theo CNN, kết quả khảo sát cho thấy trong bối cảnh trẻ em Mỹ mắc ADHD ngày càng tăng, số lượng học sinh lạm dụng thuốc điều trị bệnh này ngày càng nhiều.

Tại một số trường, cứ 4 học sinh thì một người cho biết đã lạm dụng thuốc điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý trong suốt một năm trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc các em sử dụng thuốc mà không có đơn của bác sĩ hoặc sử dụng phi y tế.

Nghiên cứu cũng cho thấy các trường có tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc điều trị ADHD theo toa cao nhất có khả năng học sinh lạm dụng loại thuốc này cao hơn khoảng 36% so với các trường khác.

TS Sean Esteban McCabe - tác giả chính của nghiên cứu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Chất kích thích, Rượu, Thuốc lá và Sức khỏe tại ĐH Michigan - cho biết những trường có ít hoặc không có học sinh đang sử dụng các phương pháp điều trị như vậy ít gặp vấn đề hơn, nhưng việc lạm dụng thuốc vẫn tồn tại.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra các trường học ở vùng ngoại ô Mỹ, ngoại trừ vùng Đông Bắc, có tỷ lệ thanh thiếu niên lạm dụng thuốc điều trị ADHD cao hơn.

Những trường có nhiều học sinh da trắng và những trường có học sinh uống rượu ở mức trung bình cũng có nhiều khả năng xuất hiện thanh thiếu niên lạm dụng thuốc ADHD.

Theo phân tích ở cấp độ cá nhân, những học sinh sử dụng cần sa trong 30 ngày có khả năng lạm dụng thuốc điều trị ADHD cao gấp 4 lần so với những người không sử dụng cần sa.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên đã sử dụng thuốc điều trị ADHD hiện tại hoặc trước đây có khả năng lạm dụng thuốc cao hơn khoảng 2,5% so với những bạn cùng trang lứa chưa bao giờ sử dụng.

Quá trình thu thập dữ liệu cho nghiên cứu kéo dài đến năm 2020. Kể từ đó, số liệu thống kê mới cho thấy đơn thuốc có chứa thành phần trị ADHD đã tăng 10% trong năm 2021 ở hầu hết nhóm tuổi.

Đồng thời, Mỹ xuất hiện tình trạng thiếu Adderall (một trong những loại thuốc điều trị ADHD phổ biến nhất) trên toàn quốc, khiến nhiều bệnh nhân không thể mua thuốc theo đơn bác sĩ.

Với những số liệu trên, TS McCabe nhận định đây là một hồi chuông cảnh báo đối với nước Mỹ.

"Đây là nghiên cứu cấp quốc gia đầu tiên xem xét việc sử dụng ADHD của học sinh cấp 2 và cấp 3. Chúng tôi đã phát hiện ra rất nhiều trường hợp lạm dụng. Ở một số trường, rất ít hoặc không có sự lạm dụng thuốc ADHD, trong khi ở các trường khác, hơn 25% số học sinh được hỏi đã sử dụng chúng theo cách phi y tế", TS McCabe nói.

su dung thuoc ADHD anh 1

Quan niệm sai lầm rằng thuốc chống ADHD có thể giúp cơ thể tỉnh táo, cải thiện thành tích học tập, trí nhớ hoặc sức chịu đựng. Ảnh: Scratch Paper.

Sự nguy hiểm của việc lạm dụng thuốc điều trị ADHD

Các nghiên cứu trước đây chỉ ra việc lạm dụng thuốc điều trị ADHD bao gồm hành vi uống nhiều hơn liều lượng bình thường, dùng thuốc cùng với rượu hoặc các loại thuốc khác… nhằm có khoái cảm cao.

"Do căng thẳng về học hành, học sinh cũng lạm dụng thuốc để cố gắng thức khuya và hoàn thành bài vở", BS.TS Deepa Camenga, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết.

Đồng quan điểm, TS Robert Bassett, Phó giám đốc y tế của Trung tâm Kiểm soát Chất độc, Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (Mỹ), nhận định có một quan niệm sai lầm rằng thuốc trị ADHD có thể giúp cơ thể tỉnh táo, cải thiện thành tích học tập, trí nhớ hoặc sức chịu đựng.

“Về lâu dài, chúng có nhiều tác động tới cơ thể, nhẹ nhất là các vấn đề về tim mạch như tăng nhịp tim hoặc huyết áp, tăng nguy cơ biến chứng tâm thần”, TS Bassett nói với NBC News.

Trao đổi với CNN, các chuyên gia cho biết việc dùng thuốc có thành phần chống ADHD không đúng cách trong thời gian dài có thể dẫn đến rối loạn sử dụng thuốc, gây cảm giác lo lắng, trầm cảm, rối loạn tâm thần hay co giật.

Nếu lạm dụng hoặc kết hợp với rượu hoặc các loại thuốc khác, nó có thể gây ra những biến chứng như hoang tưởng, nhiệt độ cơ thể cao đến mức nguy hiểm và nhịp tim không đều, nhất là khi sử dụng thuốc với liều lượng lớn hoặc sử dụng cách khác ngoài việc nuốt viên uống.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy những người lạm dụng thuốc điều trị ADHD có khả năng cao mắc chứng rối loạn sử dụng nhiều chất gây nghiện.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.

Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.

TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.

Du học sinh Việt tại Đức gặp rắc rối khi quay TikTok

Quay và đăng tải video lên TikTok cá nhân, một du học sinh Việt tại Đức gặp rắc rối khi video chứa hình ảnh của viện dưỡng lão cùng người già sống tại viện.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm