Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Bạo hành học sinh và những bất an, sợ hãi trong môi trường giáo dục

Qua những câu chuyện bạo hành ở trường, chúng ta thấy rõ nỗi bất an, sợ hãi của người liên quan. Nó nuôi dưỡng tức giận để khi có cơ hội nhiều người lại bạo hành lẫn nhau.

Bao hanh hoc sinh anh 1

Bạo hành học sinh và những bất an, sợ hãi trong môi trường giáo dục

Qua những câu chuyện bạo hành ở trường học, chúng ta thấy rõ nỗi bất an, sợ hãi của người liên quan. Nó nuôi dưỡng sự tức giận để khi có cơ hội nhiều người lại bạo hành lẫn nhau.

Bao hanh hoc sinh anh 2

Bao hanh hoc sinh anh 3

Lê Nguyên Phương

Tiến sĩ

TS Lê Nguyên Phương có 15 năm tư vấn học đường cho lứa tuổi mầm non đến đại học. Ông lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại Đại học Nam California (USC), Mỹ. TS Lê Nguyên Phương cũng là học giả Fulbright, người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường tại Việt Nam. Ông là tác giả của bộ sách "Dạy con trong hoang mang", giành giải Sách hay 2018 về hạng mục sách Giáo dục.

Vụ cô giáo cấp 2 ở Quảng Bình, vì nghi học sinh nói tục, đã cho cả lớp tát bạn tổng cộng 230 cái còn đang xôn xao thì một giáo viên tiểu học tại Hà Nội bị tố bắt trẻ lớp 2 tát bạn 50 cái, cũng vì nói bậy.

Nó khiến chúng ta nhớ đến những nhục hình (sự trừng phạt về thể xác) với học sinh trong các trường học mà báo chí thông tin nhiều năm qua. Từ vụ tát tai học sinh của giáo viên trường Trần Quốc Toản ở Nha Trang (Khánh Hòa) đến giáo viên bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng ở trường An Đồng ở Hải Phòng.

Từ vụ đánh bầm tay em nhỏ mới 3 tuổi tại trường Mầm non Tuệ Tĩnh (Hải Dương), đến vụ cô giáo đánh học sinh vào đầu gây chấn thương sọ não tại trường Diễn Lãm, Nghệ An. Đó là chưa kể những lần bắt học trò liếm ghế, cởi quần áo đứng trước lớp, dán miệng bằng băng keo…

Những hành vi bạo hành trẻ em xem chừng vẫn chưa giảm bớt, không chỉ trong gia đình, mà còn ở nhà trường, nơi đáng lẽ nhân viên phải có kiến thức và tuân thủ luật pháp tốt hơn.

Những hành vi này vẫn diễn ra dù Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em vào năm 2016 với những quy định về xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ mặc trẻ em, cũng như những hành vi bị nghiêm cấm. Có không ít hội thảo về vấn đề này từ nhiều năm trước với những bản tham luận nêu rõ tác hại của bạo lực đối với sự phát triển của trẻ.

Biện pháp kỷ luật lạc hậu

Theo định nghĩa của GS Murray Straus, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học New Hampshire, Mỹ, “nhục hình” (corporal punishment) là việc áp dụng có chủ đích loại hình phạt gây ra những đau đớn cho thể xác như một phương pháp để thay đổi hành vi.

Trong môi trường học đường, người lớn gồm ban giám hiệu, giáo viên, hay giám thị sử dụng hình phạt thể xác như đánh đập học sinh; bắt các em phải giữ nguyên vị trí trong thời gian dài như quỳ gối; hay bắt trẻ không được thực hiện nhu cầu tự nhiên của thể xác như nhịn tiểu.

Bạo hành trẻ em trong nhà trường chắc chắn có một phần xuất phát từ nhận thức ảnh hưởng bởi văn hóa của người Việt Nam. Tập quán giáo dục với hình ảnh ông đồ có chiếc roi mây dài trong lớp đã ăn sâu vào tâm thức của học sinh nhiều thế hệ từ xưa đến nay.

Bạo hành trẻ em trong nhà trường chắc chắn có một phần xuất phát từ nhận thức ảnh hưởng bởi văn hóa của người Việt Nam. “Thương cho roi vọt, ghét cho ngọt bùi” hay “Đòn đau, nhớ lâu” là những câu trẻ em Việt Nam nghe từ cha mẹ lẫn thầy cô.

“Thương cho roi vọt, ghét cho ngọt bùi” hay “Đòn đau, nhớ lâu” là những câu trẻ em Việt Nam nghe từ cha mẹ lẫn thầy cô. Một số cha mẹ thậm chí còn khuyến khích thầy cô đánh con mình để “dạy chúng nên người”.

Thật ra, việc dùng nhục hình đối với học sinh không chỉ là vấn nạn của Việt Nam. Việc bạo hành nhân danh giáo dục vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, bất chấp những nghiên cứu khoa học chỉ rõ giới hạn của biện pháp kỷ luật lạc hậu này.

Theo báo cáo của Trung tâm Kỷ luật Hữu hiệu (Center for Effective Discipline) năm 2015, Mỹ còn 19 tiểu bang (chủ yếu ở miền nam, tây nam và trung nam) tiếp tục duy trì nhục hình với học sinh, từ nhà trẻ đến lớp 12, tại trường công. Cứ 30 giây, một học sinh bị thầy cô đánh trong trường tại Mỹ.

Vì tính chất tự trị và tản quyền của hệ thống giáo dục Mỹ, việc sử dụng nhục hình trong kỷ luật đáng tiếc vẫn được xem là hợp pháp khi cha mẹ và các nhà giáo dục tại một địa phương chấp nhận và cho phép bằng lá phiếu của mình.

Nếu chúng ta chủ trương “cứu cánh biện minh cho phương tiện” để biện hộ hành động bạo hành trẻ, “phương tiện” này cũng không đứng vững trước những phát kiến khoa học nhiều năm qua.

Trong một nghiên cứu tổng hợp về nhục hình, chuyên gia tâm lý Elizabeth Gershoff đã thử tìm xem loại hình phạt có thực đem lại kết quả như cha mẹ và thầy cô mong muốn như phục tùng ngay tức khắc, tiếp thu bài học luân lý, hay quan hệ tốt với cha mẹ.

Kết quả cho thấy nhục hình chỉ làm cho trẻ chấm dứt hành động mà người lớn không muốn ngay lúc đó. Không những chẳng đạt được mục đích, nhục hình trong kỷ luật còn làm tăng sự hiếu chiến, hành vi phản xã hội, thậm chí một số chứng rối loạn tâm thần của trẻ.

TS Murray Straus cho biết nhục hình là trải nghiệm mang tính chấn thương tâm lý của trẻ và trong nhiều trường hợp sẽ làm chúng mất một lượng nhỏ chất xám. Điều này cũng được phát hiện qua nhiều nghiên cứu khác cho thấy trẻ thường xuyên bị đánh sẽ bị giảm chỉ số thông minh (IQ), kể cả thui chột nhiều chức năng trí tuệ khác như khả năng lập kế hoạch hay tư duy trừu tượng.

Nhục hình chỉ làm cho trẻ chấm dứt hành động mà người lớn không muốn ngay lúc đó. Không những chẳng đạt được mục đích, nhục hình trong kỷ luật còn làm tăng sự hiếu chiến, hành vi phản xã hội, và thậm chí một số chứng rối loạn tâm thần của trẻ

Nghiên cứu của tổ chức Đời Trẻ (Young Lives) do Paul Portela và Maria Pells thực hiện tại 4 quốc gia là Ethiopia, India, Peru, và Việt Nam năm 2015 cho thấy những trẻ bị nhục hình học đường lúc 8 tuổi, đến 12 tuổi có thể sẽ bị kém tự tin và điểm số toán, ngữ vựng sẽ kém hơn.

Ngay cả khi chúng ta ôm ấp vỗ về trẻ sau khi dùng nhục hình, điều này chẳng những không giúp gì, mà còn làm hại trẻ thêm. Theo GS Jennifer E. Lansford ở Đại Học Duke, Mỹ, những hành động như thế làm trẻ thêm lo lắng và hoang mang, khi chúng muốn tin cuộc đời của mình vốn an toàn nhưng việc bị đánh có nghĩa mình không xứng đáng và khiếm khuyết.

Về tác động xã hội, trái với suy nghĩ cho rằng nếu giảm việc dùng nhục hình trong nhà trường thì lượng hành vi ngỗ nghịch và vi phạm pháp luật ở trẻ vị thành niên sẽ gia tăng, các nghiên cứu về tội phạm vị thành niên tại các tiểu bang ở Mỹ của TS Elizabeth Gershoff không cho thấy có dấu hiệu gia tăng sau khi ban hành luật cấm nhục hình trong trường.

Lỗi lầm là cơ hội cho học sinh điều chỉnh nhận thức

Mặc dù còn 19 tiểu bang tại Mỹ dùng nhục hình học đường như một di căn của lối suy nghĩ thời trung cổ, các chuyên gia và hệ thống giáo dục Mỹ từ lâu đã nghiên cứu và vận dụng nhiều phương pháp kỷ luật tích cực trong học đường. Theo các chuyên gia tại Đại Học Duke là Jenni Owen, Jane Wettach và Hoffman, các phương pháp kỷ luật tích cực có thể chia ra ba loại.

Đầu tiên là phương pháp cải thiện văn hóa toàn trường, chủ yếu tập trung việc tập huấn gia tăng kỹ năng chuyên môn của giáo viên và nhân viên nhà trường trong việc phối hợp những phương pháp sư phạm và can thiệp hành vi tích cực.

Các chuyên gia tâm lý học đường ở Mỹ cũng như giáo viên lớp đặc biệt tại nước này đều am tường phương pháp soạn Kế hoạch Can thiệp và Hỗ trợ Hành vi Tích cực (Positive Behavioral Interventions and Support - PBIS). Đồng thời, nhiều học khu tại Mỹ cũng sử dụng chương trình Trường học An toàn và Cảm thông (Safe and Responsive Schools - SRS), một chương trình thay đổi văn hóa ứng xử của mọi thành viên trong học đường.

Cách tiếp cận thứ hai là áp dụng những chương trình hướng dẫn giáo viên kỹ năng quản lý hành vi và kỷ luật học sinh tích cực; chẳng hạn chương trình "Bạn giáo viên của tôi" (My Teaching Partner), nhằm giúp giáo viên nâng cao kiến thức về sự phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi thiếu niên và những phương pháp ứng xử tương tác hữu hiệu giữa giáo viên và học sinh. Một số chương trình khác trong hướng tiếp cận này lại tập trung hòa giải mâu thuẫn.

Hướng tiếp cận thứ ba gồm các chương trình thay đổi cách ứng phó của giáo viên và nhà trường với hành vi kỷ luật của học sinh và đôi khi vận dụng sự hỗ trợ của toàn cộng đồng, đặc biệt chương trình Phục hồi Công lý (Restorative Justice).

Bước khởi đầu cần thiết cho việc giải quyết vấn đề kỷ luật học sinh phải là một thái độ cảm thông và hiểu biết, xem những hành động của học sinh như biểu hiện của một nhu cầu tâm sinh lý cần được giải quyết chứ không phải để trừng phạt

Để giải quyết những hành động vi phạm nội quy khi chúng không gây tổn hại tới một thành viên khác trong học đường, giáo viên cần được tập huấn cách xây dựng và áp dụng chương trình Can thiệp và Hỗ trợ Hành vi. Bước khởi đầu cần thiết cho việc giải quyết vấn đề kỷ luật học sinh phải là thái độ cảm thông và hiểu biết, xem những hành động của học sinh như biểu hiện của nhu cầu tâm, sinh lý cần được giải quyết chứ không phải để trừng phạt.

Hơn nữa, giáo viên cũng cần xem mỗi bước lỗi lầm của học sinh là một cơ hội cho các em điều chỉnh nhận thức và hành vi để ngày một hoàn thiện và trưởng thành tâm lý hơn. Việc đào tạo giáo viên các kỹ năng trong chương trình này là bước khởi đầu tích cực cho việc cải thiện văn hóa ứng xử học đường và ở một tầm nhìn rộng lớn hơn, nó là bước căn bản trong một chương trình cải cách giáo dục.

Chương trình Phục hồi Công lý là phương pháp kỷ luật đáng được tham khảo và áp dụng tại Việt Nam trong những ca xung đột, xuất phát từ mâu thuẫn giữa học sinh với nhau. Mục đích của chương trình này nhằm giúp những em phạm lỗi chịu trách nhiệm về hành vi của mình, học hỏi từ sai lầm của mình, xin lỗi và bồi thường cho bị hại, nhận sự hỗ trợ từ cộng đồng để thay đổi hành vi, và phục hồi lại mối quan hệ bị tổn thương vì hành vi phạm lỗi của trẻ.

Có nhiều kỹ thuật sử dụng trong chương trình này, chẳng hạn việc sử dụng hội đồng thẩm phán đồng đẳng (peer jury), bao gồm một tập thể các học sinh đã trưởng thành về nhân cách và được tập huấn những kỹ năng lắng nghe và đặt câu hỏi để quyết định các biện pháp sửa đổi hành vi của người phạm lỗi.

Các trường sử dụng biện pháp này còn dùng hình thức Vòng tròn Phục hồi (Restorative Circles), nơi học sinh phạm lỗi có dịp ngồi chung với nhau dưới sự hướng dẫn của một chuyên viên tâm lý để suy ngẫm về những hành vi của mình, từ động lực đến nhận thức, từ hậu quả đến những biện pháp sửa chữa lẫn chuộc lỗi cho hành vi của mình.

Trong Vòng tròn Phục hồi, học sinh còn có cơ hội đối thoại và hòa giải với những nạn nhân do hành vi mình gây ra, nếu hành vi phạm lỗi bao gồm việc tấn công thể chất hay tinh thần người khác. Những biện pháp này đã cải thiện rõ rệt hành vi của học sinh, kể cả việc đáp ứng tổn thương cảm xúc và sợ hãi bị phục thù. Nạn nhân trong xung đột cũng được chữa lành khi chứng kiến sự hối lỗi chân thành của đối phương.

Đừng để bất an và sợ hãi dung dưỡng sự tức giận

Qua những câu chuyện nhục hình và rộng hơn là bạo hành học sinh trong nhà trường, chúng ta thấy rõ nỗi bất an, sợ hãi, và giận dữ của người liên quan, đặc biệt là giáo viên. Học sinh sợ giáo viên, giáo viên sợ hiệu trưởng, hiệu trưởng sợ quan chức giáo dục… Mọi người sợ lẫn nhau. Nỗi bất an và sợ hãi nuôi dưỡng sự tức giận để mọi người nếu có dịp là bạo hành lẫn nhau.

Học sinh sợ giáo viên, giáo viên sợ hiệu trưởng, hiệu trưởng sợ quan chức giáo dục…Mọi người sợ lẫn nhau. Nỗi bất an và sợ hãi nuôi dưỡng sự tức giận để mọi người nếu có dịp là bạo hành lẫn nhau.

Định hướng giải quyết phải bao gồm việc thay đổi nhận thức về bản chất của con người và giáo dục. Ngày nào chúng ta còn xem học đường như xưởng thợ sản xuất những công cụ cho xã hội và giáo viên là công nhân nhận lương để tạo ra dạng sản phẩm đó, việc cải cách giáo dục cũng chỉ là các biện pháp nửa vời.

Thay đổi nhận thức đòi hỏi mỗi người có liên quan giáo dục nhận diện được ý nghĩa của việc làm người trong mối quan hệ với thiên nhiên, xã hội, và với chính mình. Đây là những vấn đề mang tính triết lý giáo dục mà chúng ta không thể trốn tránh trách nhiệm suy ngẫm bằng cách để cho chính quyền hay một định chế giáo dục nào đó suy nghĩ giùm.

Con đường tiến đến văn minh, nơi trí tuệ và tình thương làm chủ, đòi hỏi chúng ta chịu trách nhiệm như một chủ thể tự do. Chỉ có những con người tự do mới giáo dục được một thế hệ tự do đứng ra gánh vác việc bảo vệ quốc gia và xây dựng xã hội.

Việc này đòi hỏi việc thay đổi hệ thống lẫn sự chuyển hóa ở mỗi cá nhân chúng ta.

Bao hanh hoc sinh anh 4

#VOICES là chuyên mục mới của Zing.vn, quy tụ các bài quan điểm, góc nhìn sâu về chủ đề thời sự nóng. Các bài viết hướng tới sự khác biệt, văn minh, và lập luận dựa trên dữ liệu, chứng cứ.

TS Tâm lý Giáo dục Lê Nguyên Phương

Illustration: Hà My

Bạn có thể quan tâm