Theo cây viết Conor Pope của Irish Times, nhiều du khách không quan tâm đến bảo hiểm du lịch, đặc biệt với các chuyến đi ngắn. Nếu chuyến đi kết thúc êm đẹp như dự tính, bảo hiểm có thể chẳng giúp ích gì. Tuy nhiên, nếu bạn kết thúc chuyến đi trên xe cứu thương, đó sẽ là vấn đề đau đầu.
"Một cơn đau tim nghiêm trọng ở Mỹ có thể tiêu tốn của bạn khoảng 200.000 USD. Trong khi đó, ca phẫu thuật thay khớp háng ở bệnh viện tư nhân tại Anh sẽ tốn khoảng 30.000 USD...", Pope nói.
Tại sao nên có?
Theo Pope, nhiều người có suy nghĩ phụ thuộc vào bảo hiểm y tế. Một số bảo hiểm y tế có bao gồm điều trị ở nước ngoài nhưng sẽ bị giới hạn.
Mặt khác, sức khỏe không phải yếu tố lớn nhất cho một chuyến đi du lịch. Giả sử, chuyến đi của bạn bị hủy, hành lý bị thất lạc hay bạn vô tình trở thành nạn nhân của tội phạm. Khi đó, bảo hiểm sức khỏe hầu như chẳng giúp ích được gì.
"Nếu bạn thường xuyên có khoảng 2 chuyến đi trở lên hàng năm, hãy xem xét các gói bảo hiểm hàng đầu. Khác biệt giữa chính sách của gói 80 USD/năm và 130 USD/năm có thể khá lớn", anh chia sẻ.
Bảo hiểm du lịch có thể hỗ trợ cho du khách nếu chuyến đi gặp sự cố. Ảnh: The Guardian. |
Khi mua các gói bảo hiểm giá rẻ, du khách cần đọc kỹ điều khoản để xem mình sẽ được hỗ trợ những gì. Nhiều gói giá rẻ sẽ không hỗ trợ các sự cố như bị hủy chuyến du lịch. Nếu muốn được quyền lợi bảo hiểm, du khách phải trả thêm tiền.
Thực tế, kể cả gói bảo hiểm đắt tiền cũng có nhiều thứ bị loại trừ. Theo Pope, các điều khoản hợp đồng có thể dài tới 30.000 từ và không phải ai cũng sẵn sàng ngồi đọc từng chữ.
Một mẹo cho bạn là nên đọc với bản mềm và sử dụng công cụ để tìm kiếm những cụm từ như "bị loại trừ", "không được đề cập"... Hãy luôn cẩn trọng khi đặt bút ký bất kỳ loại giấy tờ nào.
Không phải lúc nào cũng cần
Bảo hiểm du lịch sẽ hữu dụng trong nhiều trường hợp nhưng không phải mọi lúc, ví dụ khi đi công tác.
"Thông thường, khi đi công tác, bạn sẽ không tự trả chi phí. Bảo hiểm du lịch bao gồm các chi phí chuyến đi được trả trước và không hoàn lại. Vậy nên, nếu không bỏ tiền ra, bạn cũng chẳng có chi phí gì để bảo hiểm", Bailey Foster, Phó chủ tịch phụ trách mảng bảo hiểm chuyến đi của Trawick International, nói với Forbes.
Nếu chuyến đi quá rẻ, bạn nên cân nhắc bảo hiểm du lịch có thực sự đáng không. Khi bạn xác định sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong chuyến đi với chi phí chấp nhận được, bảo hiểm là không cần thiết.
"Việc bảo hiểm có đáng hay không phụ thuộc vào chi phí bạn bỏ ra cho nó", trích tờ Forbes.
Những chuyến đi rẻ tiền, khoảng cách gần không nhất thiết cần có bảo hiểm du lịch. Ảnh: Agos. |
Theo một cố vấn của Forbes, chi phí bảo hiểm chiếm trung bình khoảng 5-6% chi phí chuyến đi. Ví dụ, đối với chuyến đi có chi phí 1.000 USD, số tiền bạn cần chi cho bảo hiểm khoảng 61 USD.
Với chuyến đi có chi phí 5.000 USD, số tiền bạn cần chi cho bảo hiểm là khoảng 228 USD. Nếu chỉ cần những điều kiện bảo hiểm cơ bản, du khách chỉ tốn khoảng 154 USD. Tuy nhiên, với những người cần chính sách toàn diện hơn, chi phí bảo hiểm sẽ lên tới hơn 430 USD.
Forbes nêu ra một số trường hợp nên mua bảo hiểm du lịch:
- Du lịch quốc tế
- Chi phí chuyến đi cao và rủi ro lớn
- Du lịch tới vùng xa xôi nơi cơ sở y tế hạn chế
- Du lịch đến quốc gia có bão, thời tiết xấu
- Chuyến đi bao gồm nhiều điểm đến hoặc phải bay nối chuyến
- Bạn muốn được bồi thường cho những sự cố liên quan đến Covid-19
- Bạn muốn được hoàn một phần tiền nếu quyết định hủy chuyến đi hoặc phải trở về nhà sớm với bất kỳ lý do nào