Giặt chăn ga thường xuyên là cách hiệu quả để bảo vệ làn da. Ảnh: Sharp. |
Chia sẻ với trang Cleveland Clinic, tiến sĩ, bác sĩ da liễu Alok Vij cho rằng mọi người nên giặt ga trải giường ít nhất 2 tuần/lần hoặc có thể nhiều hơn. Điều này tùy thuộc vào các yếu tố như người đó sống ở nơi có khí hậu ấm áp hay không và liệu thú cưng của họ có ngủ trên giường hay không.
Dưới đây là những thông tin về da chết, vi khuẩn, ve bụi trên giường và cách giữ an toàn cho làn da khi đi ngủ do tiến sĩ Vij cung cấp.
Da chết, vi khuẩn
Theo tiến sĩ Vij, trung bình một người thải ra 1,5 g tế bào sừng hàng ngày (phần lớn được tạo thành từ protein keratin). Để dễ hình dung, đó là gần nửa thìa cà phê đầy da chết.
"Bất kỳ loại ma sát nào cũng sẽ làm bong tróc lớp tế bào da bên ngoài của bạn. Vì vậy, rất nhiều thứ sẽ bị bong ra khi bạn tiếp xúc với ga trải giường vào ban đêm", ông Vij nói.
Khi các tế bào da chết nằm yên trên ga trải giường, vi khuẩn sẽ phát triển mạnh. Những tế bào này giống như một nơi để vi khuẩn sinh sôi trên ga trải giường, đệm và gối.
"Vi khuẩn yêu làn da đến mức có nhiều vi khuẩn trong cơ thể hơn cả tế bào của chúng ta. Và da là một trong những khu vực vi khuẩn thường trú ngụ nhất", tiến sĩ Vij nói.
Ve bụi
Ve bụi quá nhỏ để có thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng chúng sống ở mọi châu lục trên Trái Đất (trừ Nam Cực). Những sinh vật 8 chân, nhỏ xíu này là họ hàng của nhện và chúng ăn tế bào da chết của con người.
Có tới một triệu con ve bụi đang ăn lớp da chết mà con người tạo ra chỉ trong một ngày. Chúng không cắn, giống như rệp giường (trên thực tế, chúng không có răng hoặc miệng), và chúng không chui dưới da con người giống như ghẻ. Tuy nhiên, ve bụi vẫn có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe không mong muốn cho con người.
Lông thú cưng
Ông Vij lưu ý nếu một người để chó hoặc mèo ngủ trên giường, những người bạn 4 chân này sẽ trở thành nơi ẩn náu của các sinh vật nấm có thể gây ra nhiều vấn đề về da.
Chúng bao gồm các bệnh nhiễm trùng nhẹ như nấm ngoài da hoặc các bệnh nhiễm trùng nặng hơn như ghẻ (do ve gây ra, sống trên chó và lây sang người).
"Một số loại ký sinh trùng có thể truyền từ vật nuôi này sang vật nuôi khác, vì vậy mọi người hãy đảm bảo thường xuyên giặt ga trải giường của bản thân", tiến sĩ Vij khuyên.
Giặt chăn ga bằng nước ấm giúp diệt sạch vi khuẩn. Ảnh: Shutterstock. |
Điều gì sẽ xảy ra nếu không giặt ga giường?
Theo tiến sĩ Vij, khi không giặt ga trải giường, điều đầu tiên xảy ra là các triệu chứng dị ứng trên da sẽ xuất hiện. Cụ thể, đối với những người bị dị ứng với ve bụi, khi ngủ trên giường đầy ve bụi họ có thể bị ngứa, kích hoạt các cơn hen suyễn và dị ứng theo mùa.
Tiến sĩ Vij cho biết thêm việc không giặt ga trải giường còn gây ra các vấn đề về hô hấp. Nếu một người mắc hen suyễn, họ sẽ dễ bị dị ứng với mạt bụi hơn, dẫn đến thở khò khè.
Bên cạnh đó, không giặt ga trải giường cũng khiến cơ thể gặp các vấn đề về da. Mạt bụi lâu ngày trên ga trải giường khi tiếp xúc với cơ thể sẽ khiến cơ thể bị phát ban, đặc biệt là gây ra bệnh chàm - một trong những loại phát ban da phổ biến nhất do sự kết hợp giữa khô da và các loại vi khuẩn hoạt động quá mức trên da.
Khi nằm trên chiếc giường đầy vi khuẩn, mọi người cũng dễ bị viêm nang lông (tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng hoặc kích ứng nang lông).
"Việc cho phép vi khuẩn sống hài hòa trên ga trải giường và bám vào da khi ngủ sẽ làm cho bệnh chàm của mọi người trở nên tồi tệ hơn hoặc cho phép nó bùng phát ngay từ đầu", tiến sĩ Vij nói.
Tiến sĩ Vij khuyên rằng cách tốt nhất để bảo vệ làn da khỏi những căn bệnh nguy hiểm là phải thường xuyên giặt chăn ga, đều đặn 2 tuần/lần. Mọi người nên giặt chúng với nước ấm để đảm bảo diệt khuẩn và sạch sẽ hoàn toàn.
Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Chuyện Trà - Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt do tác giả Trần Quang Đức chấp bút.
Sách viết về trà, có khảo chứng, đối chiếu với sử liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây. Không chỉ mang tính khảo cứu, cuốn sách là sự hài hòa giữa sử liệu và những suy ngẫm của tác giả về chuyện xưa, chuyện nay cùng thế thái nhân tình qua lá trà.
Sách giúp độc giả biết thêm về lịch sử của trà ở Việt Nam thông qua sử liệu. Những câu chuyện về kỹ thuật pha chế cùng cách thưởng trà của cha ông ta cũng được tác giả kể lại.