Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bạo lực gia đình ở châu Á được dung dưỡng trong nền văn hóa 'nam trị'

Tại nhiều nước châu Á, khi "đàn ông là trụ cột của gia đình", nữ giới hầu như không có tiếng nói. Nhiều người là nạn nhân của bạo lực gia đình chấp nhận sống và chịu đựng.

Sáng 27/8, mạng xã hội lan truyền clip dài hơn 2 phút, ghi cảnh "võ sư" Nguyễn Xuân Vinh liên tục tát, đấm đá và ném sỏi vào vợ đang bế con nhỏ. Mâu thuẫn được cho là do người phụ nữ di chuyển tivi trong nhà nhưng không hỏi ý kiến chồng.

Ngày 22/8, ông Nguyễn Việt Lượng (sinh năm 1984, công tác tại Kho bạc Nhà nước Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) bị lên án sau khi lộ clip "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ.

Trước đó, đầu tháng 7, hình ảnh người đàn ông Hàn Quốc đánh đập dã man cô dâu Việt Nam khiến dư luận dậy sóng.

Những vụ bạo hành xảy ra liên tiếp. Tất cả nạn nhân đều là phụ nữ.

Tại nhiều nước châu Á, khi quan niệm "thuyền theo lái, gái theo chồng" hay "đàn ông là trụ cột của gia đình" vẫn còn tồn tại, nữ giới hầu như không có tiếng nói. Nhiều người là nạn nhân của bạo lực gia đình chấp nhận sống và chịu đựng.

Vo su danh vo anh 1
Phần lớn nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Guardian.

Văn hóa "nam trị" - nơi bạo lực gia đình được dung thứ

Khoảnh khắc Wang Yimei bị chồng tát vào mặt và đẩy xuống cầu thang, trong đầu cô chỉ nghĩ đến hai đứa con của mình.

"Chúng sẽ sống sao nếu lần này mình chết thật", Wang tự hỏi.

Cảm giác thương xót, có lỗi với các con tiếp tục dằn vặt cô cho đến khi đặt bút ký vào tờ đơn ly hôn.

“Tôi hy vọng chúng sẽ được lớn lên trong ngôi nhà không có bạo lực, sợ hãi, cảnh cha đánh mẹ mỗi ngày”, Wang nói. 

Wang dọn về nhà mẹ đẻ sau khi để lại lá đơn ly hôn. Tuy nhiên, cha mẹ Wang đã không ngừng chỉ trích hành động này của cô.

Họ thúc giục cô trở lại nhà chồng và cứ lặp đi lặp lại: “Sao không nghĩ cho con cái, ly hôn làm gì?”.

Vo su danh vo anh 2
Ở Hàn Quốc, gần 45% trong số 16.868 vụ án tấn công tại nhà không bị xử lý hình sự. Ảnh: Vector Stock.

“Mẹ tôi mắng mỏ và nói rằng chỉ cần tôi ở lại đó. Cuối cùng anh ta cũng già đi và sẽ không còn đánh đập tôi nữa”, cô kể.

Mẹ Wang muốn cô chịu đựng người chồng vũ phu như cách bà đã làm với cha của cô. Tất cả vì con cái.

Cuối cùng, Wang trở lại nhà chồng.

“Phụ nữ phải biết hy sinh cho chồng, cho con” là điều đã in sâu trong nếp nghĩ của những người như mẹ của Wang.

Vì vậy, bất kỳ sự phản kháng nào của người vợ trong gia đình cũng là điều không hợp "lẽ thường".

Mặc dù luật pháp ở các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã trao quyền cho nữ giới nhiều hơn trước, tư tưởng "trọng nam khinh nữ", nền văn hóa "nam trị" vẫn còn tồn tại.

Các chuẩn mực trong gia đình truyền thống luôn đặt phụ nữ vào vị trí phụ thuộc nam giới. Trong quan niệm "đàn ông là trụ cột của gia đình", nữ giới hầu như không có tiếng nói.

Cuộc khảo sát quốc tế về bạo lực gia đình của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho thấy một nửa số người được hỏi thú nhận rằng họ đã lạm dụng thể xác, tình dục vợ hoặc bạn gái.

Gần như tất cả đều đồng ý rằng phụ nữ nên bình đẳng với đàn ông. Hơn 90% cho biết họ phản đối những người chồng vũ phu, bạo lực.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng phản ánh sự khoan dung mọi người dành cho nam giới.

Vo su danh vo anh 3
24,7% người Trung Quốc trải qua bạo lực gia đình trong đời. Ảnh: SCMP.

Khoảng 72% nam giới và 61% phụ nữ được hỏi cho biết họ tin rằng đàn ông nên có tiếng nói hơn phụ nữ trong các quyết định quan trọng.

73% nam giới và 55% phụ nữ đồng ý rằng đàn ông nên cứng rắn. 50% đàn ông và 20% nữ giới ủng hộ ý tưởng rằng phái mạnh có thể sử dụng bạo lực để bảo vệ danh tiếng của họ.

"Các chuẩn mực về sự nam tính được chấp nhận rộng rãi là một nguyên nhân chính cho sự phổ biến của bạo lực gia đình đối với phụ nữ", Wang Xiangxian, phó giáo sư Xã hội học của ĐH Sư phạm Thiên Tân, Trung Quốc, nói.

“Nữ quyền là một từ dơ bẩn”

Theo Wang Han, phóng viên Global Times, ở Trung Quốc, nạn bạo lực gia đình vẫn bị xem nhẹ.

“Nhiều người nghĩ rằng xung đột giữa một cặp vợ chồng là vấn đề riêng tư, cần ‘đóng cửa bảo nhau’ thay vì nhờ đến cảnh sát và tòa án.

Một người bạn của tôi làm cảnh sát ở Thượng Hải nói rằng nếu ai đó gọi cho họ và báo cáo bạo lực gia đình, phản ứng đầu tiên của hầu hết cảnh sát là đề nghị thiền tĩnh tâm thay vì ngay lập tức giúp đỡ nạn nhân và cách ly hung thủ”, ông Wang cho biết.

Trong những năm qua, phong trào #MeToo, bao gồm các cuộc đấu tranh trực tuyến, biểu tình kêu gọi bình đẳng giới và quyền hợp pháp cho phụ nữ, bùng nổ ở nhiều nước, trong đó có các quốc gia Đông Á.

Các cuộc biểu tình yêu cầu hợp pháp hóa việc phá thai, chống nạn quay lén hay đòi công bằng nơi làm việc, mức thu nhập… ở Nhật Bản, Hàn Quốc phần nào làm lung lay vai trò giới được định hình cứng nhắc bởi chế độ phụ hệ của Nho giáo.

Tuy nhiên, bất chấp điều này, theo Seung-sook Moon, giáo sư xã hội học của ĐH Vassar ở New York, mọi thứ vẫn chỉ đang giậm chân tại chỗ và nữ quyền vẫn là một từ “dơ bẩn” với nhiều người - đặc biệt là nam giới.

Vo su danh vo anh 4
Tại nhiều quốc gia châu Á, nữ quyền không có chỗ đứng. Ảnh: Guardian.

Trong một cuộc khảo sát với 1.018 người được Realmeter thực hiện vào tháng 12/2018, chỉ 14% nam giới Hàn Quốc ở độ tuổi 20 cho biết họ ủng hộ nữ quyền, so với 64% nữ giới cùng độ tuổi.

Đàn ông xứ củ sâm cho rằng phong trào nữ quyền ở đất nước này là đồng nghĩa với những đòi hỏi vô lý và thậm chí là sự căm ghét cực đoan dành cho nam giới.

“Phái mạnh hài lòng với các thỏa thuận truyền thống trong hôn nhân và nơi làm việc. Nhưng bây giờ phụ nữ lại đặt câu hỏi tại sao họ lại phải chịu đựng sự bất bình đẳng này.

Tôi nghĩ đó chính là lý do tại sao xung đột xã hội giữa nam và nữ đang trở nên gay gắt hơn”, giáo sư Moon nói.

'Gặp Xuân Vinh ngoài đời, đứng xa chục mét vẫn thấy không an toàn'

Yến Xuân, phi công Diệu Thúy, MC Đặng Quỳnh Chi cùng cho rằng hành động đánh vợ của "võ sư" Xuân Vinh là không thể chấp nhận với bất cứ lý do nào.

Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm