Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bạo lực nhuộm đen tuổi thơ học trò

Không chỉ dùng nắm đấm để tống tiền bạn học, nhiều học sinh còn chủ động tổ chức đánh nhau rồi quay phim tung lên mạng để khoe chiến tích.

Khẳng định đẳng cấp… đại ca

Đã xuất viện và đi học trở lại hơn 10 ngày nay, nhưng Nguyễn Minh Tâm (sinh năm 2000) - học sinh lớp 9A4 Trường THCS Vĩnh Thới (huyện Lai Vung - Đồng Tháp) - vẫn như chưa thoát khỏi tâm lý lo sợ. Nhờ cha, mẹ và ông nội động viên em mới chịu trò chuyện.

Tại ngôi nhà lá lụp xụp nằm sát cổng trường THCS Vĩnh Thới, Tâm cho biết, khoảng tháng trước, Trần Hoài Phong - học cùng lớp - dùng dao bấm đe doạ để buộc nhiều bạn trong lớp đóng 3.000 đồng/ngày cho mình tiêu xài. Theo lời kể của Tâm thì việc tống tiền này sặc màu sắc... giang hồ.

Cha, mẹ Tâm rất tự hào về thành tích học tập cũng như đạo đức của con mình.
Cha, mẹ Tâm rất tự hào về thành tích học tập cũng như đạo đức của con mình.

Khi Tâm lên tiếng thắc mắc thì lập tức bị Phong đánh ngay trên lớp. Sau màn dằn mặt này, Tâm và nhiều học sinh khác “ngoan ngoãn” chấp hành. Do nhà nghèo, chỉ được mẹ cho 5.000 đồng/ngày, nhưng hôm có, hôm không, nên Tâm phải chạy đôn chạy đáo xin tiền ông nội, cô, chú… để “cống nạp”. Nhưng chỉ kéo dài được nửa tháng thì hết chỗ để xin, Tâm báo lại với gia đình.

Sáng 20/10, gia đình báo lên nhà trường, thì ngay giờ học buổi chiều, Hoài Phong đã chủ động đánh Tâm ngất xỉu ngay trước lớp. Gia đình phải chở vào BVĐK Sa Đéc điều trị 4 ngày. Không dừng lại ở đó, đến ngày 31/10, Tâm tiếp tục bị Nguyễn Hoàng Minh - học sinh lớp 9A3 cùng trường, bạn chơi chung nhóm với Hoài Phong - đe doạ: “Tao mà biết đứa nào méc với nhà trường vụ nộp tiền cho thằng Phong, thì tụi bây chuẩn bị tinh thần nghỉ học đi”.

Đây không phải là trường hợp cá biệt, ngày 31/10, TAND huyện Lai Vung đã mở phiên xét xử nhiều học sinh tại Trường THCS Tân Thành can tội: “Cường đoạt tài sản”.

Theo Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Lai Vung Bùi Việt Hùng, chuyện xảy ra vào năm học 2013-2014, sau nhiều lần dùng nắm đấm khống chế, Nguyễn Hoàng Chiến, Nguyễn Cao Thắng và Nguyễn Tuấn Minh không chỉ trực tiếp buộc Quang Thành Công (cùng sinh năm 2000) - là bạn học cùng trường - 35 lần nộp tiền để tiêu xài cá nhân (mỗi lần từ 15.000-300.000 đồng), mà còn dẫn đường cho nhóm thanh thiếu niên lêu lổng bên ngoài, gồm: Nguyễn Thanh Hào (sinh năm 1998), Nguyễn Tường Sang (1997) và Nguyễn Văn Tuấn (1996) buộc Công cống nạp tiền khoảng 20 lần (mỗi lần từ 80.000-200.000 đồng).


Cũng với lối hành xử “đánh trước, ói tiền sau”, nhóm này còn buộc Nguyễn Văn Hiếu (học cùng trường với Công) nộp tiền hàng chục lần (mỗi lần từ 70.000- 100.000 đồng).

Không chỉ có vậy, nhiều học sinh ở Đồng Tháp còn tự giải quyết những mâu thuẫn cá nhân theo màu sắc “giang hồ”. Điển hình là vụ học sinh trường THCS Bình Tấn (huyện Thanh Bình).

Theo Hiệu trưởng nhà trường Phạm Hùng Cường, chuyện xuất phát từ mâu thuẫn trong quá tình chat, em Dung - học sinh trường THCS Hội An (Chợ Mới - An Giang) - đã kêu Lê Thị Ngọc Huyền (học sinh lớp 9A3 của trường) ra lộ làng gần trường rồi dùng tay đánh tới tấp vào mặt rồi dùng chân đạp nhiều lần lên người Huyền, sau khi vật ngã xuống đất.

Điều đáng nói là, sau đó người bạn cùng đi chung với Dung còn chủ động dùng máy quay lại rồi tung lên mạng như để khẳng định đẳng cấp…


Giận mà thương

Hành động tống tiền hay “xử” theo màu sắc… “giang hồ” của các nhân vật chính không xuất phát từ sự thiếu thốn vật chất, mà chủ yếu là thiếu hụt về tinh thần. Điển hình là trường hợp của Hoài Phong.

Theo nhiều người láng giềng, gia đình có mức thu nhập khá, lại được sự hậu thuẫn của bà ngoại sống bằng nghề buôn bán nên Phong có mức sống cao hơn nhiều bạn học, nhất là so với gia đình của Tâm chủ yếu trông cậy vào nghề chở nông sản thuê của cha với mức thu nhập bình quân 70.000 đồng/ngày.


Nhưng có lẽ do lâu ngày được cưng chiều của “con trai một” nên Phong dễ nhiễm vào các trò quậy phá. Tương tự trường hợp của Dung, do không có cha, mẹ lại làm ăn xa nhà, sống với bà ngoại lớn tuổi nên thiếu sự quan tâm, chỉ dạy thường xuyên…

“Vì vậy, hành động sai trái của các em đáng giận, nhưng cũng đáng thương, vì xét đến cùng, các em là nạn nhân của những bất cập từ người lớn, như gia đình, nhà trường...” - Thạc sĩ Trần Văn Thọ - giảng viên bộ môn Tâm lý - Giáo dục (ĐH Đồng Tháp) - nói. Bởi đây là lứa tuổi muốn khẳng định mình, trong khi đó những tác động tiêu cực từ kinh tế thị trường ngày một lớn mạnh, nhưng các em lại thiếu sự hướng dẫn, chỉ dạy thật đầy đủ để chọn lọc cái hay, loại bỏ cái dở… nên nhiều em có hành động sai lệch.

“Một nghiên cứu khoa học mới đây cho thấy, chỉ có 17,4% các bậc cha mẹ giáo dục con một cách có văn hoá, trong khi đó sự bất cập từ nội dung chương trình dạy học đã chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em có thể tìm thấy chỗ dựa thứ 2, sau gia đình” - Thạc sĩ Thọ nhấn mạnh thêm - “Nhiều chương trình đã quá đặt nặng kiến thức hàn lâm, nên ít chú trọng đến việc dạy làm người với những kiến thức thiết thực.

Thí dụ như ở lớp 7, lại đưa nội dung nghĩa vụ đóng thuế vào chương trình giáo dục công dân. Đây là điều xa lạ với các em, trong khi đó các nội dung liên quan đến kỹ năng quan hệ bạn bè lại không được đề cập”. Vì vậy theo Thạc sĩ Thọ, để trả lại màu trong trắng của tuổi học trò, bên cạnh kêu gọi các bậc phụ huynh thay đổi cách nuôi dạy con em, bản thân ngành giáo dục cũng cần điều chỉnh nội dung theo hướng thiết thực, sát với nhu cầu đời sống.

http://laodong.com.vn/giao-duc/bao-luc-nhuom-den-tuoi-tho-hoc-tro-265934.bld

Theo Lục Tùng/Báo Lao động

Bạn có thể quan tâm