Theo nhà báo Edward Wong (tờ The New York Times), những phát triển về kinh tế đã biến thành phố cổ kính của Việt Nam thành một địa điểm du lịch nổi tiếng với dân số lên tới 340.000 người. Ngày nay, Huế đã có nhiều thay đổi: một xa lộ chạy qua các ngọn đồi dẫn tới lăng Khải Định, một khu nghỉ dưỡng mới cạnh bờ sông Hương, và đang có dự án xây dựng các tòa nhà chung cư trong thành phố.
Các thợ mộc làm dầm đỡ cho lối vào chính điện. Ảnh: Justin Mott. |
Tuy phát triển là điều đáng mừng, các nhà bảo tồn lại đang gặp khó khăn trong việc bảo vệ di sản văn hóa. Ông Trương Đình Luật, hướng dẫn viên du lịch ở Huế, cho biết: “Độ ẩm không khí cao khiến việc tu sửa không dễ dàng”. Khi trời mưa, ở Huế, ta có thể thấy những vũng nước đọng trên nền nhà trước ngai vàng của vua. Ngoài ra còn có nhiều vũng nước trên hành lang ốp gỗ.
Một con ngựa chở khách du lịch thảnh thơi gặm cỏ sau một ngày vất vả. Ảnh: Justin Mott. |
William Logan, giảng viên di sản và bảo tồn của Đại học Deakin, Australia, lo ngại trước những thách thức trong công việc bảo tồn các công trình gỗ ở đây. Ông cho biết Huế có nguy cơ để mất danh hiệu Di sản Thế giới do UNESCO trao tặng: “Nếu chính quyền không giám sát và quản lý tốt hơn việc bảo tồn các công trình, giá trị tổng thể của khu di tích sẽ bị giảm đi rất nhiều”. Ông còn nói thêm rằng nếu các vấn đề không sớm được xử lý, Hội đồng Di sản Thế giới có thể sẽ xem xét đưa khu di tích vào Danh sách các di sản thế giới đang bị đe dọa. Điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt tới du lịch.
Tượng lính canh ở lăng Khải Định. Ảnh: Justin Mott. |
Du lịch Huế phát triển mạnh từ năm 1993 sau khi các khu di tích lớn được nhận danh hiệu Di sản Thế giới. Giáo sư Logan cho biết ông lo rằng các nhà phát triển sẽ xây dựng các tòa nhà cao tầng quanh thành cổ và các khu di tích khác. Ông cho rằng không nên xây dựng các tòa nhà cao quá các ngọn cây để đảm bảo mỹ quan và sự hài hòa.
Ông cho rằng nên đề nghị UNESCO công nhận Huế là Vùng văn hóa, để biến toàn bộ khu vực có các di sản thành địa điểm được bảo vệ. Khu vực nên bao trùm một khoảng đất nhiều cây xanh chạy về phía tây nam thành cổ, một phần sông Hương và các đền đài ở phía Nam.