Nhiều người nghiễm nhiên cho rằng, thành phần của Q là thủ phạm của các vụ tử vong mà quên mất, việc bảo quản hay tiêm không đúng cách cũng có thể khiến vắc xin biến chất, có khả năng dẫn đến tử vong cho dù đó là Q, P, hay bất kỳ loại vắc xin nào khác.
Vào cuối tháng 5/2013, khi hàng loạt ca tử vong xảy ra sau khi tiêm Q tại Việt Nam, Bộ Y Tế đã yêu cầu thanh tra y tế tại các tỉnh thành báo cáo về các cơ sở tiêm chủng. Kết quả cho thấy vẫn còn những nơi sai sót trong việc bảo quản và sử dụng vắc xin, điển hình như nhiệt kế bị hỏng mà chưa được thay, tủ lạnh bảo quản vắc xin có trục trặc, hay kỹ thuật tiêm của nhân viên y tế còn sai sót, và không nắm vững cách cấp cứu khi xảy ra sốc phản vệ.
Bảo quản vắc xin
Phần lớn vắc xin, trong đó có Q và P, phải được bảo quản nghiêm ngặt ở 2 đến 8 độ C trong tủ lạnh, và phải có nhiệt kế đã được hiệu chuẩn để theo dõi nhiệt độ tủ lạnh. Ngoài ra, cần có người ghi lại nhiệt độ của tủ lạnh bảo quản nhất 2 lần mỗi ngày, thường là đầu ngày và cuối ngày để có thể phát hiện kịp thời khi nhiệt độ dao động ngoài vùng nhiệt độ an toàn cho loại vắc xin đó. Những sự cố thường gặp là do mất điện, không ăn điện do dây cắm không chắc, hay là do ai đó đóng cửa tủ lạnh không kín.
Khi bị mất nguồn điện, cần có kế hoạch bảo quản vắc xin dự phòng để chuyển thuốc ngay đến chỗ có nhiệt độ an toàn hay sử dụng máy phát điện để tránh nhiệt độ bảo quản bị tăng quá cao. Sau đó, nhân viên y tế cần gọi điện thoại trực tiếp đến nơi tiếp khách hàng của công ty cung cấp vắc xin để trình bày chi tiết sự cố, tuỳ theo lời khuyên của họ để có nên tiếp tục sử dụng những liều vắc xin đó hay không mà không tự ý mang ra tiêm chủng.
Ngoài ra, cả Q và P đều không được để đông cứng lại dưới 0 độ C và tránh tiếp xúc với ánh sáng.
Sử dụng vắc xin
Năm 2013, đã có 3 trẻ em tử vong do tiêm nhầm vắc xin ở Quảng Trị. Việc tiêm nhầm hay tiêm quá hạn là không phải không có trên thế giới. Nếu nhẹ, có thể khiến bé không có đủ kháng thể để bảo vệ chống lại bệnh cần phòng, còn nặng có thể dẫn đến tử vong. Do đó, trước khi tiêm bất kỳ loại vắc xin nào cho ai, người tiêm cần phải kiểm tra lại nhãn thuốc 3 lần. Các cha mẹ khi đi tiêm chủng cũng có thể xin người tiêm cho xem vỏ thuốc trước khi tiêm cho bé để hạn chế sai lầm do tiêm sai thuốc và tiêm thuốc đã quá hạn.
Khi lấy ra khỏi lọ, phần lớn vắc xin cần được tiêm ngay. Trong trường hợp tiêm Q hay P, nếu vì lý do nào đó không được tiêm ngay sau khi rút ra khỏi lọ thì cần bị bỏ để hạn chế trường hợp vắc xin bị hư hại khi ở nhiệt độ không chuẩn hay đầu kim tiêm bị nhiễm trùng.
Mỗi loại vắc xin có yêu cầu tiêm khác nhau. Trong trường hợp Q hay P, vắc xin được khuyến cáo nên tiêm ở đùi trên, không nên tiêm ở mông vì có thể làm ảnh hưởng dây thần kinh. Với vắc xin ngừa tiêu chảy hay bại liệt, cần được uống theo đường miệng. Nếu làm sai chỉ định thì hoặc là vắc xin sẽ giảm hiệu lực, hoặc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Ngoài ra, cả Q và P đều yêu cầu phải được tiêm thẳng vào cơ bên trong. Do đó, nếu nhân viên y tế chỉ đưa mũi kim tiêm dưới da thì cũng sẽ làm giảm hiệu lực của vắc xin và có thể gây dị ứng mạnh ở vùng da vừa tiêm.
Không chỉ vậy, khi tiêm Q hay P cùng lúc với những mũi tiêm vắc xin khác thì cũng cần phải tiêm ở vị trí khác nhau. Ví dụ nếu tiêm Q hay P ở đùi trên bên trái, thì sẽ phải tiêm phế cầu ở đùi trên bên phải, chứ không được tiêm cùng một bên đùi.
Lịch tiêm
Cả Q và P đều dành cho bé từ 6 tuần tuổi đến trước 5 tuổi. Do đó, nếu vì lý do nào đó, bạn chưa thể tiêm chủng cho bé ngay từ khi bé 2 tháng tuổi, thì bất kỳ khi nào bé sẵn sàng, bạn hãy cho con đi tiêm Q hay P càng sớm càng tốt trước khi bé 5 tuổi là được.
Khi tiêm Q hay P, tốt nhất, bạn nên tiêm 3 mũi đầu tiên trước 1 tuổi, với mũi đầu tiên có thể tiêm khi bé phải được ít nhất 6 tuần tuổi, và mỗi mũi tiếp theo phải cách nhau ít nhất 1 tháng. Như thế, bạn có thể tiêm 3 mũi đầu tiên, dù Q hay P, khi bé 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi, và 4 tháng tuổi. Ở Mỹ, khi tiêm P, các bé được tiêm 3 mũi lúc 2 tháng, 4 tháng, và 6 tháng tuổi.
Mũi thứ 4 của Q hay P được gọi là mũi “booster”, nghĩa là mũi làm cho kháng thể chống lại các bệnh tương ứng đã có của bé mạnh hơn. Mũi này nên tiêm sau khi bé 1 tuổi, hay từ tháng thứ 13, cần được tiêm cách mũi thứ 3 ít nhất là 6 tháng.
Vì lý do P trở nên khan hiếm, nên một số cha mẹ sau khi tiêm 2 mũi P đầu tiên cho con sau đó đã ngưng tiêm để chờ có thuốc. Điều này có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của bé vì nếu bị nhiễm bệnh, thì kháng thể sẽ chưa đủ mạnh để chống lại bệnh do chưa tiêm đủ liều vắc xin. Nên cho dù là tiêm P hay Q, thì tốt nhất bạn nên cho bé tiêm chủng đủ 3 liều trước 1 tuổi theo đúng lịch tiêm chủng.
Trong trường hợp vì bé bị yếu trong người liên miên, không đủ sức khoẻ để tiêm mũi thứ 2 hoặc thứ 3, ngay khi con khoẻ mạnh lại, bạn nên đưa đi tiêm vắc xin tiếp mũi thứ 2, và 1 tháng sau đó, tiêm mũi thứ 3, miễn sao khi đó bé vẫn nhỏ hơn 5 tuổi.
Dù là Q hay P, thì 6 bệnh mà hai loại vắc xin này giúp phòng chống (yết hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B, và nhiễm khuẩn Hib) đều là những bệnh nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhỏ nếu lỡ mắc phải và đều nằm trong chương trình tiêm chủng bắt buộc của đa số các nước trên thế giới. Đừng để phải hối hận khi quá trễ.
Tác giả Nguyễn Thị Thanh Minh (32 tuổi) tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học tại Đại học Y Albert Einstein, Bronx, New York, Mỹ năm 2014. Với kinh nghiệm và kiến thức y học sẵn có, chị sẽ đưa ra lời khuyên cho độc giả Zing.vn cách chăm sóc sức khỏe hợp lý, tư vấn cho các bà mẹ kiến thức nuôi con hợp dinh dưỡng và thông minh.