Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho biết từ đêm qua, bão số 11, tên quốc tế là Khanun, di chuyển chậm lại nhưng đã tăng cấp.
Sáng sớm 14/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660 km về phía đông đông bắc, sức gió ở vùng tâm bão đạt cấp 9 (75-90 km/h), giật cấp 11.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 11. Ảnh: NCHMF |
Ngày và đêm nay, bão di chuyển theo hướng tây chếch bắc, vận tốc 10-15 km/h và tiếp tục mạnh lên. Sáng sớm 15/10, bão cách quần đảo Hoàng Sa chừng 280 km về phía đông bắc. Lúc này, bão đã mạnh tới cấp 11-12 (100-135 km/h), giật cấp 15.
Ảnh hưởng của bão, khu vực bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh dần từ cấp 7 đến cấp 10-12, giật cấp 15.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão vẫn giữ hướng và vận tốc di chuyển. Đến 4h ngày 16/10, vị trí tâm bão nằm trên phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), sức gió ở vùng tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15.
Đổ bộ vào đảo Hải Nam, bão nhiều khả năng đổi hướng và thay đổi cường độ trước khi tiến vào vịnh Bắc Bộ.
Do ảnh hưởng của rìa phía tây nam hoàn lưu bão số 11, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang có mưa rào và dông, trong cơn dông có khả năng gió giật cấp 7-8.
Tại cuộc họp ngày 13/10, Phó tổng giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Lê Thanh Hải cho hay bão kết hợp với đợt không khí lạnh yếu sẽ ảnh hưởng rất rộng từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế. Khi vào vịnh Bắc Bộ, cường độ bão giảm cấp 8-9. Tuy nhiên, mưa lớn sẽ xuất hiện toàn bộ khu vực Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Theo thống kê đến chiều 13/10 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, áp thấp nhiệt đới và mưa lũ mấy ngày vừa qua đã khiến 58 người chết, 38 người mất tích, 31 người bị thương, 189 nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập, 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp.
Lũ lớn đã gây ra 60 sự cố trên các tuyến đê tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định. Nhiều tuyến đường giao thông vẫn chưa thông tuyến. Các xã Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè, huyện Vân Hồ (Sơn La); các xã vùng cao Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng, Đồng Chum, Mường Chiềng, Hưng Thi, An Bình... thuộc huyện Lạc Thủy (Hoà Bình) còn bị cô lập do chưa khắc phục được giao thông.
Về sự cố sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân với 18 người tại xóm Khanh (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình), ttỉnh đã huy động trên 300 người cùng phương tiện, thiết bị để tìm kiếm cứu nạn. 9 thi thể nạn nhân bị vùi lấp đã được tìm thấy.