Bão số 15 chưa vào bờ sóng biển đã đánh hỏng nhiều tuyến đê
Thứ tư, 20/12/2017 16:10 (GMT+7)
16:10 20/12/2017
Bão số 15 kết hợp với gió mùa Đông Bắc và triều cường đã gây nên những con sóng cao 5-6 m, gây sạt lở nhiều tuyến đê biển và hư hại lồng bè nuôi cá của người dân.
Ngày 20/12, Chi cục thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết do ảnh hưởng của bão số 15 kết hợp với gió mùa Đông Bắc và triều cường đã tạo những đợt sóng lớn, làm sạt lở nghiêm trọng một số vị trí đê, kè ven biển, gây mất an toàn cho công trình.
Theo báo cáo, đoạn đê phường Đông Hải (TP Phan Rang - Tháp Chàm) bị sạt mái đê khoảng 60 m2. Đê biển bảo vệ tại thôn Phú Thọ (phường Đông Hải) bị sạt mái 5 điểm trên 300 m2. Sóng biển đã ăn sâu vào bên trong đê ở những điểm sạt, tạo ra hàm ếch gây mất an toàn cho tuyến đê và có hiện tượng tiếp tục sạt lở.
Anh Bùi Văn Leo, người dân thôn Phú Thọ (phường Đông Hải), cho hay 3-4 ngày nay biển có sóng cao 4-5 m, tràn qua cả đê và vào nhà dân ở ven biển. "Từ 18h đến sáng sóng cao khoảng 4-5 m, vỗ ầm ầm vào thân đê rồi tràn vào nhà", anh Leo kể.
Ông Nguyễn Thuấn Chung, Chủ tịch phường Đông Hải, cho hay 8 hộ dân thôn Phú Thọ ở ven biển đã được di dời đến nơi an toàn. Một số hộ dân ở khu phố 10 cũng tự di chuyển đến nơi an toàn.
Theo ông Chung, chính quyền đang theo dõi tình hình sạt lở để sẵn sàng sơ tán người dân đến những nơi an toàn. "Buổi tối sóng biển rất lớn, chúng tôi phải túc trực 24/24 để sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra sự cố", Chủ tịch phường Đông Hải nói.
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đang khẩn trương khắc phục những điểm sạt lở. Hàng trăm khối đá hộc được đổ vào những điểm sạt lở để gia cố đê.
Ông Trần Văn Quang, Trưởng thôn Phú Thọ, cho hay 8 hộ dân với 48 nhân khẩu ở ven biển đã được đưa đến nơi an toàn, chỉ những người khỏe mạnh mới được ở lại giữ tài sản. Người dân trong thôn rất lo lắng trước tình hình biển động ngày càng mạnh, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Tại đảo huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), những người dân đảo cho hay từ rạng sáng có gió giật rất mạnh, sóng biển cao 5-6 m. Cảng vụ tỉnh Bình Thuận cũng đã ra lệnh cấm tàu chậm tuyến đường biển Phan Thiết - Phú Quý. Ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch huyện Phú Quý, cho biết sóng lớn đã đánh nhiều lồng bè nuôi cá của người dân dạt vào bờ. Một số bị sóng làm hư hại, rách lồng cá thoát ra ngoài. Ảnh: CTV.
"Biển đang động rất mạnh nên chưa thể thống kê hết thiệt hại của người dân. Hiện tại chúng tôi chỉ cho người dân ra lồng bè vào ban ngày để chằng buộc tài sản, chiều tối sẽ kêu gọi người dân vào bờ", ông Linh nói.Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công điện khẩn gửi các địa phương chủ động ứng phó với bão số 15 đang hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: CTV.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có trên 7.000 tàu thuyền với hơn 38.000 lao động. Gần 6.000 tàu thuyền đã vào neo đậu an toàn tại các bến trong tỉnh. Trong hình là các lồng bè của người dân đảo Phú Quý bị sóng đánh dạt vào bờ hư hỏng. Ảnh: CTV.
Thời tiết tại đảo Phú Quý đang diễn biến rất phức tạp, huyện đã cử lực lượng hỗ trợ người dân khẩn trương chằng buộc tài sản. Theo thống kê, huyện Phú Quý có khoảng 70 hộ nuôi cá với hơn 1.000 lồng nuôi. Ảnh: Google Maps.
Triều cường là một trong 4 giai đoạn biến đổi của hiện tượng thủy triều (nước lớn - triều cường - nước ròng - triều thấp), là lúc nước dâng lên đến điểm cao nhất của nó do sự thay đổi lực hấp dẫn từ mặt trăng (chủ yếu) và mặt trời tại một điểm bất kỳ trên bề mặt trái đất khi trái đất quay. Triều cường xảy ra khi mặt trăng, mặt trời và trái đất nằm thẳng hàng nhau, tức vào ngày 30-1 và 15-16 âm lịch hàng tháng.
Bão là trạng thái nhiễu động của khí quyển và là một loại hình thời tiết cực đoan. Bão có nhiều loại, nhưng ở Việt Nam, thuật ngữ "bão" thường được hiểu là bão nhiệt đới. Bão nhiệt đới là một trong các phân loại của xoáy thuận nhiệt đới, đặc trưng bởi một trung tâm có áp suất thấp, gió mạnh và cấu trúc mây dông xoắn ốc tạo ra mưa lớn. Các thành phần chính của bão bao gồm các dải mưa ở rìa ngoài, mắt bão nằm ở chính giữa và thành mắt bão nằm ngay sát mắt bão. Ở nước ta, mùa bão thường bắt đầu từ miền Bắc vào tháng 5,6 và di chuyển vào miền Nam cho đến hết tháng 12. Ba tháng 9,10 và 11 thường có nhiều cơn bão nhất. Trung bình, hàng năm có từ 4 đến 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới vào bờ biển nước ta.
Bạn có biết: Trên thế giới, bão thường mang tên phụ nữ và sau này cả tên nam giới, xoay vòng theo chu kỳ 6 năm (khi một cơn bão gây thiệt hại lớn, tên của nó sẽ được loại bỏ ra khỏi hệ thống đặt tên). Khu vực tây bắc Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam), bão có nhiều tên mới lạ của hoa lá, động vật, chim, thậm chí cả món ăn như Trami, Halong, Damrey (Con voi), Saola...
Trước diễn biến phức tạp của bão số 15, Bình Định gửi văn bản tới Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để đề nghị Malaysia cho phép 39 tàu cá với gần 300 ngư dân tránh trú.