Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết vào lúc 16h ngày 24/7, tâm bão số 4 (tên quốc tế là Sơn Ca) cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 140 km về phía nam đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 9-10.
Đổi hướng di chuyển
Đêm nay và ngày mai, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 16h ngày 25/7, tâm bão cách đất liền các tỉnh Nghệ An - Quảng Bình khoảng 130 km về phía đông với sức gió không đổi.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Sau đó, áp thấp nhiệt đới này tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng thấp trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/h), giật cấp 7.
Dự kiến bão số 4 sẽ độ bộ vào các tỉnh Nghệ An - Quảng Bình. Ảnh: NCHMF. |
Cơ quan khí tượng cũng cho hay do ảnh hưởng của bão số 4, từ sáng mai (25/7), ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh dần lên cấp 6, khu vực nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7. Vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10, sóng biển cao từ 3-5 m.
Từ chiều 25/7, vùng biển khu vực nam Thanh Hóa và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, sóng biển cao 2-3 m.
Ngày 25-27/7, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to (phổ biến 100-250 mm cả đợt). Ở đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và khu vực bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (phổ biến 50-150 mm cả đợt).
Ngoài ra, các tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở miền núi, ngập úng cục bộ tại các khu đô thị.
Khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có mưa rào và dông, gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3.
Khu vực Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh cấp 6-8.
400 tàu đang di chuyển khỏi vùng nguy hiểm
Ngày 24/7, tại cuộc họp ứng phó với bão số 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đại tá Lê Thanh Sơn, Phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, hiện còn khoảng 400 tàu đang vận động di chuyển khỏi vùng nguy hiểm, trong đó có 4 tàu của Bình Định đã phải trú tránh tại đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp ứng phó với cơn bão số 4. Ảnh: Bảo Lâm. |
Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài lo ngại bão số 4 đổ bộ đúng khu vực bão số 2 vừa đi qua nhưng dự báo có cấp gió nhẹ hơn. Nhiều địa phương sẽ chủ quan, nhất là việc neo đậu tàu thuyền.
“Chúng ta phải rút kinh nghiệm vụ chìm tàu VTB26 vừa qua. Chúng tôi từng đi kiểm tra bão mạnh cấp 10-11 nhưng dân vẫn dưới tàu. Giờ phải làm quyết liệt, tránh hô hào”, ông Hoài nói và yêu cầu các tàu nhỏ phải được kéo lên bờ.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng lưu ý rút kinh nghiệm một số vấn đề sau bão số 2, đặc biệt vấn đề neo đậu, tránh để xảy ra những vụ chìm tàu, va đập tàu không đáng có.
“Tình trạng người dân di chuyển qua ngầm tràn vẫn còn, gây thiệt hại rất lớn cho con người trong 2-3 năm nay, nhưng vẫn chưa được khuyến cáo triệt để”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn hồ đập khi chỉ tính riêng 3 tỉnh Bắc Trung Bộ đã có hơn 1.300 hồ chứa, khi mưa to thì nguy cơ cao mất an toàn. Như hồ thuỷ điện Hố Hô, dung tích không lớn nên mưa nhỏ cũng có thể bị ảnh hưởng...