Tại Ninh Bình vào sáng nay 7/8, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này đã triển khai phương án đối phó với bão số 6 ở huyện Kim Sơn.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình yêu cầu các đơn vị trong tỉnh nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi, thông báo cho các chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động ngoài khơi vào nơi tránh, trú bão an toàn xong trước 14h ngày 7/8, triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh II và di dân ra khỏi vùng thấp trũng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú bão an toàn xong trước ngày 14h ngày 7/8.
Trong khi đó, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) phối hợp với Đồn biên phòng tổ chức thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão, hướng dẫn các phương tiện vào nơi tránh, trú bão an toàn, quản lý chặt chẽ không cho tàu thuyền ra khơi.
Lực lượng quân đội sử dụng xe lưu động phát thông báo kêu gọi người dân chủ động tránh trú bão - Ảnh: Báo Ninh Bình. |
Tính đến 10h30 sáng nay 7/8, Ninh Bình đã kêu gọi được 90 tàu thuyền với 281 ngư dân về nơi neo đậu tránh trú bão an toàn.
Tại Nam Định, theo thông báo đến nay có 2.089 tàu thuyền và 11.196 ngư dân đã về nơi tránh trú an toàn, trong đó 2.072 tàu thuyền với 11.102 ngư dân đã neo đậu tại các bến của tỉnh.
Tàu thuyền và ngư dân Nam Định về neo đậu trú bão- Ảnh: Báo Nam Định. |
Ngoài ra 1.500 người ở 700 lều, chòi canh coi nuôi hải sản trên đầm bãi trong tỉnh cũng được lực lượng biên phòng kêu gọi và về đến nơi tránh trú an toàn.
Tỉnh Nam Định cũng yêu cầu ngừng hoạt động du lịch, tắm biển và sơ tán người tại các khu du lịch đến nơi an toàn.
Từ chiều tối ngày 6/8 và sáng ngày 7/8, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã xuống các địa bàn được phân công kiểm tra, tổ chức phòng, chống bão.
Để phòng, chống cơn bão số 6, tỉnh Thái Bình cũng đã nghiêm cấm tất cả các tàu, thuyền ra khơi từ sáng nay 7/8, đồng thời thực hiện di chuyển toàn bộ số lao động tại các vùng nuôi trồng thuỷ sản ngoài đê chính, trên các tàu thuyền ở khu neo đậu, sinh sống ở vùng vùng xung yếu, trong các nhà yếu đến nơi an toàn. Việc di dời được lãnh đạo tỉnh Thái Bình yêu cầu các đơn vị hoàn thành trước 17h ngày 7/8.
Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 5, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Giang... đã có mưa to đến rất to, gió giật mạnh gây thiệt hại về người và tài sản.
Mưa bão đã làm 4 người chết tại Hòa Bình và Bắc Kạn; 7 người bị thương tại Điện Biên, Quảng Ninh và Bắc Giang; hơn 1.000 ngôi nhà bị sập đổ, tốc mái và ngập úng; hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập úng, hư hại; nhiều cột điện, cột ăng ten viễn thông bị đổ; một số lồng bè nuôi trồng thủy sản bị vỡ; nhiều tuyến đường giao thông bị ách tắc.