Đục thủy tinh thể (hay đục nhân mắt, bệnh cườm đá, cườm khô) là căn bệnh phổ biến về mắt. Bệnh kéo dài có thể dẫn đến tình trạng giảm thị lực, nghiêm trọng hơn là gây mù.
Đục thủy tinh thể - căn bệnh nguy hiểm
Thủy tinh thể được cấu tạo từ nước và protein, là một phần cấu trúc trong mắt, có nhiệm vụ hội tụ ánh sáng trên võng mạc cùng tạo ảnh. Các protein cấu tạo nên thủy tinh thể được sắp xếp trật tự để ánh sáng xuyên qua và hội tụ trên võng mạc.
Trong một số trường hợp đặc biệt, protein bị tập trung thành đám làm tán xạ ánh sáng và tạo ra những vùng mờ đục ở thủy tinh thể. Việc này ngăn ánh sáng đến võng mạc và giảm thị lực, hay còn lại là tình trạng đục thủy tinh thể.
Cấu tạo mắt và nguyên nhân gây bệnh đục thủy tinh thể. Ảnh từ website Hội Nhãn khoa Việt Nam. |
Bệnh đục thủy tinh thể thường diễn biến chậm. Ban đầu, người bệnh không cảm thấy khó chịu hoặc không có triệu chứng rõ ràng vì thủy tinh thể chỉ mới đục một phần nhỏ. Tuy nhiên, khi mắc bệnh ở giai đoạn đầu, người bệnh đã mất khoảng 1/10 thị lực. Khi bệnh diễn tiến nhanh hơn, bệnh nhân gặp khó trong các hoạt động thường ngày như đọc sách, lái xe… Đến khi bệnh trở nặng, người bệnh có thể chỉ nhận biết được ánh sáng, nghiêm trọng nhất có thể bị mù.
Cụ thể, khi thủy tinh thể bị đục nặng có thể dẫn đến tăng nhãn áp, gây vỡ bao và phản ứng viêm màng bồ đào. Lúc này, mắt không thể điều tiết dịch khiến người bệnh bị đau nhức dữ dội. Nếu không được phát hiện kịp thời, người bệnh có thể bị teo thần kinh mắt và rất khó phục hồi dù có phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo. Khả năng phục hồi rất kém và nguy cơ dẫn đến mù lòa vĩnh viễn rất cao.
Hiện trạng bệnh đục thủy tinh thể tại Việt Nam
Theo ước tính của WHO, trên thế giới có khoảng hơn 20 triệu người mù do đục thủy tinh thể, chiếm đến 51% tổng số nguyên nhân gây mù. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, 70% trường hợp mù lòa có liên quan đến bệnhđục thủy tinh thể. Đáng nói, có đến 35% người không biết bệnh, đến khi phát hiện đã bước vào giai đoạn nặng. Dù nguyên nhân chính của bệnh là do lão hóa, thường gặp ở người cao tuổi (50 tuổi trở lên), nhưng mức độ trẻ hóa của bệnh ngày càng tăng.
Vì vậy, mỗi người cần chăm sóc và kiểm tra mắt thường xuyên bằng cách đi khám định kỳ ở các trung tâm chuyên khoa về mắt. Thời gian thăm khám tốt nhất là 6 tháng/lần hay ít nhất một năm/lần. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra các bệnh như thoái hóa hoàng điểm ở người cao tuổi, glô-côm (cườm nước), đục thủy tinh thể và các bệnh mắt khác.
Mỗi người nên đi khám mắt định kỳ để phát hiện sớm bệnh đục thủy tinh thể. |
Ngoài ra, chúng ta có thể tìm hiểu thêm kiến thức, thông tin từ nguồn báo đài chính thống, các hội thảo trực tuyến,… để biết cách phòng ngừa và điều trị bệnh.
Sắp tới, Hội Nhãn khoa Việt Nam và Công ty Dược Santen kết hợp cùng 7 bệnh viện triển khai chương trình tầm soát và tư vấn bệnh lý đục thủy tinh thể mang tên “Đôi mắt sáng khỏe - Hành trình hạnh phúc”. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ đến từ Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Mắt Ánh Sáng, Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Phương Nam, Bệnh viện Mắt Răng Hàm Mặt Cần Thơ, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, Bệnh viện Mắt Nghệ An, Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh. Tham gia chương trình, mọi người có cơ hội biết thêm các kiến thức, thông tin bổ ích và được giải đáp các thắc mắc thường gặp về bệnh.
Chương trình được tổ chức từ tháng 12/2021 đến hết tháng 1/2022, hình thức tư vấn trực tuyến và hoàn toàn miễn phí. Độc giả đăng ký tham gia chương trình tư vấn tại đây, hoặc liên hệ fanpage Đôi mắt sáng khỏe - Hành trình hạnh phúc.
Bình luận