Trong sự nghiệp âm nhạc kéo dài hơn 30 năm, Bảo Yến ghi dấu ấn với khán giả qua nhiều sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương. Chị tự nhận thấy mình hợp những tâm tư ông gửi gắm trong từng câu hát. Đó chính là lý do khiến chị nhận lời quay trở lại sân khấu thủ đô sau 10 năm vắng bóng. Trước đó, nữ ca sĩ phải từ chối rất nhiều lời mời từ phía đơn vị tổ chức hay các nghệ sĩ tên tuổi.
Trong đêm nhạc Thao thức vì em, Bảo Yến hát các ca khúc Lạy trời con được bình yên, Phút cuối, Xin thời gian qua mau, Trăm nhớ ngàn thương... Với chất giọng đặc biệt, đằm thắm, đượm nét buồn man mác cố đô Huế, chắc chắn trong lần trở lại này, Bảo Yến làm lay động trái tim của những người yêu nhạc Lam Phương.
Nữ ca sĩ Bảo Yến trình diễn 5 ca khúc trong đêm nhạc riêng của nhạc sĩ Lam Phương. Ảnh: BTC cung cấp |
Đứng cạnh Bảo Yến trên sân khấu đêm nhạc Thao thức vì em là ca sĩ Tùng Dương. Giọng ca được coi là divo của làng nhạc Việt thể hiện các sáng tác của Lam Phương theo phong cách blues/jazz. Trước đó, nam ca sĩ từng trình diễn ca khúc Một mình của người nhạc sĩ tài hoa trong live show Tùng Dương hát tình ca.
Theo giọng ca sinh năm 1983, Một mình là ca khúc mang đến cho anh những cảm xúc đặc biệt. Nó mang một nỗi buồn da diết, buồn tới tận đáy tim, đến hoang hoải, cô liêu. Tuy nhiên, anh sẽ thể hiện ca khúc ấy với tâm thế của một người trẻ, dù có cô đơn, bất lực tới đâu vẫn vẫn không bỏ cuộc mà mạnh mẽ vươn lên.
Ngoài Tùng Dương, đêm nhạc còn có sự tham gia của các ca sĩ gồm Mỹ Dung, Tuấn Hiệp, Bách Nguyễn…
Tùng Dương sẽ hát các sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương theo phong cách blues/jazz. Ảnh: Tuấn Đào |
Nhạc sĩ Lam Phương sinh ngày 20/3/1937. Ông là một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc miền Nam Việt Nam với khoảng hơn 200 tác phẩm. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 15 tuổi và nhanh chóng gặt hái được thành công.
Trái ngược với thuận lợi trong sự nghiệp, cuộc sống riêng của nhạc sĩ Lam Phương trải qua nhiều thăng trầm. Từng có cuộc sống khá dư giả tại Việt Nam nhưng khi sang Mỹ định cư, ông phải làm việc cực nhọc để kiếm sống. Thêm vào đó, cuộc sống gia đình đổ vỡ khiến ông nhiều lần rơi vào trạng thái buồn bã, cô đơn. Sau cơn tai biến vào năm 1999, tác giả Thành phố buồn bị liệt nửa người. Hiện tại, sức khỏe của ông ổn định hơn nhưng việc đi lại vẫn gặp nhiều khó khăn.