Với nhiều bạn trẻ có lối sống năng động, ưa xê dịch và giao tiếp xã hội, lệnh giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng là khoảng thời gian thách thức khi công việc phải tạm dừng, thu nhập giảm hoặc mất hẳn.
Từ chỗ tất bật gần như cả ngày, họ làm quen với việc ở yên trong nhà và tìm cách ứng phó khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
4 bạn trẻ, sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chia sẻ với Zing câu chuyện phải tạm xa công việc và mong sớm được đi làm trở lại khi thành phố nới lỏng giãn cách.
Nhiều bạn trẻ làm việc trong lĩnh vực thời trang, F&B (dịch vụ kinh doanh đồ ăn và thức uống) phải nghỉ việc không lương trong đợt giãn cách. |
Minh Phượng - Stylist
Tôi gắn bó với nghề stylist 7 năm nay. Trước dịch, tôi thường lên lịch hàng năm, đan xen 1 tháng làm việc, 1 tháng đi du lịch cùng nhóm bạn, người mẫu hay chụp hình, làm MV ở địa điểm xa.
Mọi thứ đảo lộn kể từ khi Covid-19 ập đến. Vốn ưa thích dịch chuyển và gặp gỡ nhiều người, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ở nhà tới 2 tháng vì lệnh giãn cách.
Tôi và ê-kíp tạm dừng công việc từ 19/7. Thu nhập là thứ bị ảnh hưởng đầu tiên.
Minh Phượng dành thời gian chăm sóc bản thân và gia đình khi ở nhà tránh dịch. |
Về phần sáng tạo, tôi duy trì làm việc ở nhà để đưa ra những ý tưởng, nội dung, chủ đề chờ sau khi hết giãn cách sẽ bắt tay với các nhãn hàng thực hiện. Còn việc triển khai như mix đồ cho mẫu, chuẩn bị cho buổi chụp ảnh… phải gác lại vì không thể ra ngoài.
Tôi nhận được một số lời mời hợp tác từ các nhãn hàng nên vẫn có khoản thu nhập nho nhỏ. Để không lãng phí thời gian, tôi cố gắng đưa ra ý tưởng duy trì công việc, xây dựng nội dung video liên quan tới mix&match đồ.
Bên cạnh đó, tôi dành thời gian chăm sóc bản thân, ăn uống điều độ hơn. Nhờ ở nhà, tôi cũng nhận ra lâu lắm rồi cả gia đình mới cùng thức dậy, nấu ăn sáng, trồng cây, đọc sách.
Tôi cảm thấy cuộc sống được cân bằng lại, nhẹ nhàng hơn và không vội vàng như trước kia.
Tuy nhiên, nếu nghỉ ở nhà quá lâu, công việc của tôi sẽ bị ảnh hưởng nhiều vì bản thân không được trau dồi kiến thức hàng ngày, xem, tiếp xúc với mọi thứ để bắt kịp thời đại. Bởi vậy, tôi rất mong quay lại guồng công việc.
Khi nghe tin thành phố nới lỏng giãn cách, tôi thấy vui như Tết. Tôi lập tức hỏi các studio mở cửa chưa và sắp xếp lịch để đi chụp, quay MV.
Thời gian này, dịch còn diễn biến phức tạp, tôi dự định chỉ nhận job với ê-kíp 4-5 người, tất cả tuân theo Chỉ thị 15, đi đến đâu đều quét mã QR để công việc đỡ tồn đọng.
Trần Hoàng Phương Lan (23 tuổi) - Mẫu ảnh
Từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16, tôi không thể đi ra ngoài, chụp ảnh. Việc nghỉ dài ngày ảnh hưởng khá nhiều đến tôi khi không còn thu nhập.
Ban đầu, cũng như nhiều người, tôi cảm thấy sốt ruột, trì trệ khi ở nhà quá lâu. Sau đó, tôi học cách thích nghi vì nghĩ việc ở nhà tốt cho mình và mọi người.
Trước dịch, tôi luôn quay cuồng với công việc. Đợt này ở nhà, tôi lại thấy vui vì có 2 tháng nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân.
Phương Lan coi đợt giãn cách là khoảng nghỉ sau nhiều năm bận rộn với công việc. |
Tôi dành thời gian làm việc nhà, nấu ăn, đọc sách để luôn cảm thấy tích cực. Tôi cũng sử dụng mạng xã hội để chia sẻ, tạo các chủ đề về làm đẹp, thời trang... mang lại nguồn thu nhập tạm thời.
Vốn tính cẩn thận, tôi luôn dành ra khoản phòng hờ trong 5 năm làm mẫu ảnh. Nhờ đó, tôi có thể trải qua đợt dịch này mà không gặp nhiều khó khăn.
Khi thành phố cho mở lại một số dịch vụ và chuyển sang áp dụng Chỉ thị 15 từ 21/9, tôi cũng rục rịch trở lại công việc. Tuy nhiên, giờ ra ngoài làm việc còn khó khăn, phải chờ ê-kíp xếp lịch, đảm bảo các thành viên tiêm đầy đủ vaccine và nhiều thủ tục khác, tôi vẫn chưa được đứng trước ống kính.
Tôi nghĩ trong thời gian nghỉ dịch kéo dài, mọi người đều căng thẳng, lo lắng. Nếu biết cách cân bằng, giữ tâm trạng tích cực, làm những việc chăm sóc bản thân và gia đình sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Tôi mong mọi thứ sớm trở lại bình thường.
Nguyễn Thị Thu Phương (21 tuổi) - Bartender
Sau khi quán bar tôi làm việc tạm đóng cửa vì dịch, tôi kịp về quê trước thời điểm Hà Nội phong tỏa.
Cũng giống 3 đợt nghỉ dịch trước, tôi gần như không được hỗ trợ lương.
Trong khoảng thời gian ở nhà, tôi rất nhớ nghề. Nhiều vị khách cũng nhắn tin hỏi thăm bao giờ hết dịch để gặp lại nhau. Lúc đó, tôi nhận ra mình không đơn thuần là nhân viên pha chế nữa mà giống như người bạn, lắng nghe tâm sự của họ.
Thu Phương phải nghỉ việc 4 lần không lương vì dịch. |
Tôi nhớ quầy bar, nhớ mọi người nên ngày nào cũng lên mạng đọc tin tức, chờ thông báo quán bar được phép mở cửa.
Ở quê không có dịch, tôi tạm thời làm việc tại một quán cocktail. Tôi thấy vui vì mọi người ở đây đang dần đón nhận văn hóa này. Với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được sau hơn 2 năm theo nghề, tôi chia sẻ với các nhân viên khác để cùng phát triển.
Tôi cảm thấy mình còn may mắn vì nhiều anh em ngành bar ở thủ đô bị kẹt lại, không về được từ đầu đợt giãn cách.
Hiện tại, tôi chỉ mong đất nước hết dịch, không phải vì lo thất nghiệp mà còn biết bao người bị kẹt lại ở vùng dịch, không thể trở về quê hương.
Phạm Phương (27 tuổi) - Quản lý shop thời trang
Tôi phải nghỉ việc không lương từ 19/7. Hơn 2 tháng nay, tôi gần như ở yên trong nhà, chỉ ra ngoài khi đi mua đồ ăn tại siêu thị cách khoảng 2 km.
Tôi dự định về quê tránh dịch nhưng chưa kịp thực hiện thì xe khách liên tỉnh dừng hoạt động.
Phạm Phương được công ty hỗ trợ 1 triệu đồng trong thời gian nghỉ không lương. |
Trong thời gian này, mất hẳn thu nhập là khó khăn lớn nhất. Ngoài được công ty hỗ trợ 1 triệu đồng, tôi phải lấy tiền tiết kiệm ra trang trải chi phí sinh hoạt.
Để tránh suy nghĩ tiêu cực, tôi dành thời gian tập thể dục, vẽ tranh, xem phim, đọc sách. Tôi cũng có nhiều thời gian gọi video về hỏi thăm gia đình - điều mà trước đây tôi ít làm vì công việc bận rộn.
Khi thành phố chuyển sang áp dụng Chỉ thị 15, tôi vẫn chưa nhận được thông báo shop thời trang được phép mở cửa trở lại.
Tôi mong được đi làm để nối lại thu nhập nhưng cũng có chút tiếc nuối vì như vậy, mình sẽ không còn thời gian tập thể dục. Dù vậy, trong hoàn cảnh nào, tôi cũng cố gắng suy nghĩ tích cực.