Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bartender ở TP.HCM: 'Thèm được đứng sau quầy bar, pha ly cocktail'

Nhớ cảm giác đứng quầy, hồi hộp chờ dịch bệnh qua đi là tâm trạng chung của các bartender ở TP.HCM sau gần 2 tháng tạm dừng công việc vì Covid-19.

Kể từ khi UBND TP.HCM ra chỉ thị yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ bar, pub tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19 từ đầu tháng 5, các nhân viên pha chế trở thành đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Từ chỗ tất bật với lối sống về đêm, pha chế và trò chuyện với khách hàng, nay các bartender phải tạm xa quầy bar, làm quen với việc ở nhà phần lớn thời gian và tìm cách ứng phó khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong câu chuyện với Zing, 4 bartender trẻ, hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM chia sẻ câu chuyện và định hướng cá nhân khi phải tạm dừng công việc vì dịch bệnh.

Nguyễn Hoàng Tú Quyên (24 tuổi)

Do dịch bệnh manh nha từ cuối tháng 4, tôi và các đồng nghiệp không quá bất ngờ khi nhận thông báo yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh từ UBND thành phố. Song, chẳng ai ngờ quán sẽ phải đóng cửa lâu và liên tục như vậy.

Gần 2 tháng qua, những người làm bartender như tôi phải tạm "chia tay" quầy bar, tìm cơ hội kinh doanh hoặc chuyển hướng sang nghề khác. Nhiều đồng nghiệp đùa rằng ở nhà quá lâu khiến họ quên cảm giác đi làm mất rồi.

bartender o tp.hcm tam nghi vi dich anh 1

Tú Quyên coi thời gian giãn cách xã hội như cơ hội để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và tập trung phát triển các dự án cá nhân. Ảnh: Phương Lâm.

Tôi cảm thấy mình khá may mắn khi đã có kinh nghiệm ứng phó từ các đợt dịch trước. Nhân thời gian quán tạm đóng cửa, tôi có thể dành thời gian tự mày mò, học hỏi về nghề bartender, tập trung cho một số dự án cá nhân vốn bị lãng quên khi công việc bận rộn.

Ngoài ra, tôi coi những tuần vừa qua như cơ hội để học cách cân bằng cuộc sống và cảm xúc bằng việc tập thể dục đều đặn, nấu ăn, trồng cây, pha chế tại nhà... Do vậy, tôi có thể giữ tâm trạng tích cực, gắn bó với nghề hơn.

Gần đây, quán bar nơi tôi làm việc cũng có thêm dịch vụ bán cocktail mang về. Lợi nhuận từ việc này không cao, chủ yếu nhằm hỗ trợ thu nhập cho nhân viên, đáp ứng nhu cầu thư giãn tại nhà và hơn hết là xoa dịu nỗi nhớ nghề của bartender.

Tôi chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi, được gặp lại các đồng nghiệp và khách hàng, chia sẻ niềm đam mê với mọi người. Tôi thèm cảm giác được đứng sau quầy bar, pha ly cocktail lắm rồi!

Lê Nguyên Phúc (28 tuổi)

Từ khi vào nghề năm 2014 tới nay, chưa bao giờ tôi có khoảng nghỉ dài như đợt dịch lần này.

Dù lường trước được quán bar mình quản lý có thể phải đóng cửa giữa dịch Covid-19, tôi vẫn cảm thấy bị động trong vài tuần đầu tiên vì chưa quen với việc "quá rảnh".

bartender o tp.hcm tam nghi vi dich anh 2

Nguyên Phúc cảm thấy bị động trong thời gian đầu do chưa quen với việc có nhiều thời gian rảnh hơn. Ảnh: NVCC.

Trước khi dịch bệnh ập đến, tôi sẽ dành buổi sáng cho bản thân, sau đó bắt đầu đi chợ chuẩn bị nguyên vật liệu vào buổi trưa.

Tới chiều muộn, tôi tới quán bar, bắt tay vào công việc chính - quản lý quầy bar.

Do đó, khi TP.HCM yêu cầu giãn cách xã hội, tôi cảm thấy khó thích ứng với cuộc sống bình lặng.

Về sau, tôi dần học được cách tận dụng thời gian rảnh chăm chút cho các dự án cá nhân và thực sự nghỉ ngơi.

Kể từ đầu tháng 5, dịch bệnh khiến nhiều dự án nơi tôi làm việc bị đình trệ, ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập và tiến độ công việc.

May mắn, tôi vẫn còn một số việc kinh doanh ngoài lề, giúp đảm bảo thu nhập trong mùa dịch.

Mỗi khi nhớ nghề, tôi thường tự pha cocktail tại nhà. Cách này vừa giúp rèn luyện tay nghề, bớt nhớ cảm giác đứng quầy và tự chiều chuộng bản thân trong những ngày giãn cách.

Vũ Yến (28 tuổi)

Do dịch bệnh chưa ổn định, ngành night life (đời sống về đêm) chịu ảnh hưởng nặng nề, tôi quyết định tạm dừng làm bartender sau 4 năm gắn bó với nghề.

Tôi đưa ra lựa chọn này sau khoảng một tuần suy nghĩ về những thách thức, khó khăn mà dịch Covid-19 gây ra, đồng thời cân nhắc tới điều kiện cá nhân.

bartender o tp.hcm tam nghi vi dich anh 3

Vũ Yến quyết định tạm dừng làm bartender do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ảnh: NVCC.

Tôi chấp nhận "chia tay" với quầy bar, ly rượu để dành thời gian lo cho gia đình, tập trung cho các dự định khác.

Thú thực, tôi cảm thấy khá lo lắng cho bạn bè, đồng nghiệp cùng nghề khi phải nghỉ quá lâu với đợt dịch ở TP.HCM lần này.

Người chấp nhận ở nhà chờ dịch bệnh qua đi, người tìm cơ hội kinh doanh ngoài, lại có người tạm rời bỏ quầy bar như tôi.

Khi quyết định chuyển hướng nghề nghiệp, điều khiến tôi nhớ nhung nhất chính là những lúc đứng quầy, sáng tạo với các ly cocktail và trò chuyện với khách hàng.

Khi ấy, tôi cảm thấy tự tin, hào hứng vì được làm việc mình yêu thích.

Dù tạm dừng làm bartender, tôi không cảm thấy tiếc nuối, hối hận với quyết định của mình vì biết bản thân vẫn còn cơ hội theo đuổi đam mê, hoặc tiếp tục tìm tòi sâu hơn về ngành F&B.

Trần Trung Thành (22 tuổi)

"Em vẫn ổn, nhưng trong lòng 'dậy sóng' lắm", tôi nửa đùa, nửa thật trả lời tin nhắn từ một vị khách ở quán bar mình làm việc.

Kể từ khi UBND thành phố yêu cầu đóng cửa các quán bar, tôi thường xuyên nhận được tin nhắn từ một vài khách quen. Họ hỏi han tình hình ở quán, bày tỏ nỗi nhớ cảm giác được tới quán bar thưởng thức cocktail và động viên các bartender cố gắng bám nghề, đợi dịch bệnh qua đi.

bartender o tp.hcm tam nghi vi dich anh 4

Nhờ những dòng tin nhắn động viên từ khách quen, Trung Thành có thêm động lực để "bám nghề". Ảnh: NVCC.

Những dòng tin nhắn ấy là niềm vui, nguồn động lực của tôi trong thời gian giãn cách xã hội.

Kể từ khi vào nghề năm 2019, tôi từng trải qua tất cả các đợt dịch. Tháng 2/2020, tôi lần đầu trải qua cảm giác lo lắng khi nghe tin đóng cửa quán bar vì Covid-19.

Từ đó tới nay, tôi và các đồng nghiệp nhiều lần đối mặt với việc đóng - mở cửa quán liên tục, đi từ cảm giác buồn bã tới tràn trề hy vọng, rồi lại thất vọng.

Với đợt dịch lần này, tôi không còn thấy quá bỡ ngỡ do có sự chuẩn bị tâm lý và kinh nghiệm ứng phó trước đó. Không còn được đứng quầy bar, tôi trở về phụ giúp gia đình kinh doanh.

Nhưng những ngày này, thu nhập ít hơn, chất lượng cuộc sống cũng giảm sút đáng kể.

Cứ có thời gian rảnh, tôi học hỏi thêm kiến thức về nghề bartender, tập guitar để giữ tinh thần lạc quan, tích cực.

Đôi lúc, tôi nhớ quầy, nhớ khách, nhớ cảm giác bận rộn lắm, thậm chí có những đêm mất ngủ vì quen với giờ giấc làm việc về đêm.

Giờ, tôi chỉ mong sao mọi người cùng đoàn kết, thực hiện tốt việc giãn cách để dịch Covid-19 mau qua, trả lại nhịp sống thường nhật của thành phố.

'Quán bar đóng cửa, tôi gọi cocktail về để chill tại nhà'

Dịch bệnh tái bùng phát, nhiều bạn trẻ phải gác lại sở thích đi bar, pub. Gọi giao cocktail về nhà trở thành phương án thay thế cho các tín đồ của đồ uống có cồn.

Trang Minh

Bạn có thể quan tâm