Cảnh sát Australia cho biết 8 vụ "bắt cóc ảo" diễn ra trong năm 2020. Trong đó, một vụ đòi tiền chuộc lên đến 1,43 triệu USD, theo BBC. Lực lượng chức năng kêu gọi sinh viên cần báo cáo ngay nếu nhận được những cuộc gọi đe dọa.
Nạn nhân của nạn "bắt cóc ảo" thường là du học sinh khá giả. Ảnh: BBC. |
Lật tẩy chiêu trò lừa đảo
Nhà chức trách địa phương cho biết những kẻ lừa đảo thường hướng đến du học sinh Trung Quốc khá giả, sống một mình tại thành phố lớn. Một trong 2 "chiêu" là chúng mạo danh cơ quan chức năng để lừa tiền.
Những kẻ lừa đảo đóng giả là nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc hoặc người của các cơ quan, tổ chức, gọi điện cho sinh viên, thông báo dính líu vụ án ở Trung Quốc, có nguy cơ bị bắt giữ. Chúng thường nói tiếng địa phương, sau đó yêu cầu sinh viên phải trả một loạt phí để tránh bị bắt hoặc trục xuất khỏi Australia. Trong một số trường hợp khác, các sinh viên bị lừa đã cung cấp thông tin cá nhân cho kẻ xấu.
ABC News dẫn lại lời kể của một du học sinh 21 tuổi về việc em bị lừa vào đầu năm nay. Nữ sinh được người tự xưng là nhân viên của Đại sứ quán Trung Quốc, cho biết em đang liên quan vụ án ở quê nhà. Do sơ suất, em đã cung cấp thông tin cá nhân của mình cho kẻ lừa đảo. Rất may, cha mẹ của cô được cơ quan chức năng tại Trung Quốc cảnh báo kịp thời.
Một mánh khóe "bắt cóc ảo" khác tinh vi hơn là chúng thuyết phục sinh viên ngừng liên lạc với gia đình và bạn bè. Sau đó, chúng thuê phòng khách sạn, tạo vụ bắt cóc giả, chụp ảnh, quay clip, buộc người thân phải gửi tiền chuộc. Với cách này, những kẻ "tống tiền ảo" phải có sự hợp tác của sinh viên.
Theo thống kê của cảnh sát, những kẻ lừa đảo kiếm được hơn 1,6 triệu USD nhờ những phi vụ này. BCC cho hay một người cha ở Trung Quốc đã gửi 1,43 triệu USD tiền chuộc khi nhận được video quay cảnh con gái bị trói, bịt miệng tại địa điểm không xác định.
Lo lắng cho con, ông đã liên lạc với cảnh sát Sydney nhờ tìm kiếm. Một giờ sau, lực lượng cảnh sát tìm thấy nữ sinh tại khách sạn trong thành phố. Cô gái vẫn bình an và không có dấu hiệu bị đánh đập, bạo hành.
Một trường hợp khác cũng phải trả hơn 214.000 USD sau khi nhận được tin báo con gái bị bắt cóc. Cảnh sát Australia cho biết chỉ sau một ngày báo tin, các nạn nhân thường được tìm thấy trong tình trạng an toàn. Hầu hết nạn nhân cảm thấy xấu hổ vì chính các em đã tiếp tay cho những vụ việc này.
“Các em cho rằng bản thân đã tự đặt mình và người thân vào tình trạng nguy hiểm thực sự”, cảnh sát tiểu bang New South Wales cho biết.
Cảnh sát Sydney ghi nhận 8 vụ bắt cóc giả trong năm 2020. Ảnh: MyGC. |
Sinh viên cần cảnh giác, đề phòng
Gần đây, những vụ “bắt cóc ảo” tương tự xảy ra tại nhiều quốc gia khác như New Zealand và Mỹ. Những tổ chức lừa đảo nhỏ lẻ dần phát triển thành tổ chức xuyên quốc gia. Chúng hướng tới đối tượng du học sinh khá giả, dễ bị tổn thương.
Ông Darren Bennett, người đứng đầu sở cảnh sát tiểu bang New South Wales, cho biết, ông đã liên hệ với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc và nhận được thông tin đảm bảo về việc chính quyền Trung Quốc không hề liên lạc với sinh viên qua điện thoại.
Theo SCMP, trong năm 2019, hơn 1.000 vụ lừa đảo mạo danh chính quyền Trung Quốc xảy ra tại Australia. Các cơ quan chức năng đang nỗ lực đưa ra cảnh báo đến các trường đại học, nơi có nhiều sinh viên quốc tế học tập, nhằm tránh tình trạng “bắt cóc ảo” tái diễn.
“Có hai điều quan trọng sinh viên cần làm để bảo vệ bản thân trước loại tội phạm này. Thứ nhất, các em cần biết về loại tội phạm này đang tồn tại. Thứ hai, hãy nhanh chóng kêu gọi giúp đỡ nếu bản thân hoặc người khác bị lừa đảo”, cảnh sát tiểu bang New South Wales nhấn mạnh.