Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bất đắc dĩ mới vào trường áp giải học sinh'

Cán bộ trực tiếp áp giải Nam, khi nam sinh này đang học tại trường nói: "Bất đắc dĩ mới làm như vậy".

Sáng 20/4, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, một cán bộ tại Cơ quan thi hành án hình sự Công an TP Buôn Ma Thuột - người trực tiếp áp giải Nam - học sinh lớp 12 Trường THPT Buôn Ma Thuột, khi nam sinh đang học tại trường nói: “Bất đắc dĩ mới làm như vậy”.

Theo cán bộ này, sau khi có bản án phúc thẩm, Công an TP đã hướng dẫn gia đình Nam làm đơn xin hoãn thi hành án để em được tiếp tục học tập theo quy định.

Sau đó, TAND TP Buôn Ma Thuột gửi công văn yêu cầu phải thực hiện quyết định chấp hành án đối với Nam.

Áp giải ở trường vì sợ chạy trốn

Cán bộ này nói thêm: “Chúng tôi đã nhiều lần gửi giấy triệu tập yêu cầu gia đình đưa Nam lên chấp hành án, nhưng ông Thanh (bố của Nam) nói con mình không phạm tội nên không chấp hành. Chúng tôi đến nhà nhiều lần nhưng gia đình cũng chống đối. Ngày 2/4, chúng tôi đến yêu cầu gọi Nam về nhưng ông Thanh từ chối nên mới đến trường. Chúng tôi cũng muốn thực hiện quyết định của tòa đối với Nam nhẹ nhàng, tránh tổn thương cho em nhưng gia đình không chấp nhận bất cứ phương án nào. Trong khi đó việc áp giải không thể thực hiện ngoài giờ hành chính, vào buổi tối”.

Thượng tá Vũ Tiến Thăng - phó trưởng Công an TP Buôn Ma Thuột - lý giải thêm: “Chúng tôi yêu cầu chỉ đưa xe dân sự bốn chỗ vào trường, xe đặc chủng của công an để ở ngoài. Công an mời bị án lên xe dân sự đưa ra khỏi trường và không còng tay nhưng gia đình ông Thanh không đồng ý. Ông Thanh đến yêu cầu phải đưa xe đặc chủng vào làm việc theo đúng pháp luật”.

Về ý kiến cho rằng áp giải bị án trong môi trường giáo dục là không phù hợp, ông Thăng giải thích: “Đúng là cơ quan công an không thiếu gì chỗ áp giải. Có thể là trên đường, cơ quan chứ không phải nhà trường. Nhưng chúng tôi phải chọn cái nào thuận lợi nhất đảm bảo bị án không chống trả, chạy trốn...”.

Luật sư Đàm Quốc Chính - giám đốc Công ty luật Chính Nhân chi nhánh

“Bản án có phần hơi nặng”

Ngày 20/4, ông Nguyễn Duy Hữu - chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk - cho biết bản án đã có hiệu lực pháp luật nên mọi khiếu nại của gia đình ông Thanh đều phải do TAND tối cao giải quyết. “Sau khi xét xử xong, anh em có báo lên nói gia đình có khiếu nại về việc tòa áp dụng giám định pháp y không đúng. Việc bản giám định pháp y không đúng thì phải khiếu nại trung tâm pháp y, còn tòa chỉ xét xử trên hồ sơ vụ án. Hơn nữa, thời điểm vụ án này diễn ra ông Thọ bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn nên không đi giám định được” - ông Hữu nói.

Về việc tại sao bản án sơ thẩm Nam được hưởng án treo nhưng phúc thẩm lại tăng nặng, ông Hữu cho rằng ở cấp sơ thẩm có quy định để được hưởng án nhẹ. Tuy nhiên bản án lại được cả bị cáo lẫn bị hại kháng cáo nên tòa phúc thẩm xét xử lại. Dựa vào hồ sơ vụ án và việc xét xử, hội đồng xét xử đã đưa ra mức án như vậy. “Đúng là bản án có phần hơi nặng với cậu học sinh này nhưng tòa chỉ dựa vào các căn cứ pháp luật, sao làm khác được?” - ông Hữu nói.

Tây nguyên - cho biết về pháp lý cũng như tình cảm thì việc áp giải học sinh tại trường học cho thấy công an làm việc hơi vội vã.

 

Theo ông Chính, chưa xét đến việc xét xử bản án đúng - sai nhưng hành vi gây tai nạn giao thông không phải là tội phạm nguy hiểm. Vì vậy việc áp giải (bắt) Nam trước mặt thầy cô giáo, bạn bè cùng trang lứa sẽ để lại hậu quả tâm lý vô cùng lớn đối với học sinh này.

“Liệu sau khi chấp hành án phạt tù xong, chúng ta còn thấy một học sinh ngoan hiền khi trở về xã hội. Đó là chưa kể xét sâu vụ án này, Nam không phải là người có lỗi hoàn toàn” - luật sư Chính phân tích.

Từ một vụ va quẹt xe

Sự việc Nam bị bắt đi thi hành án bắt đầu vào một buổi trưa hơn hai năm trước. Khoảng 11h15, trên đường đi học về đến ngã tư Trần Hưng Đạo - Trường Chinh (TP Buôn Ma Thuột), Nam chạy xe 50 cm3 vượt lên xe ông Lê Phước Thọ (70 tuổi, ở phường Thành Công, TP Buôn Ma Thuột).

Bất ngờ ông Thọ rẽ trái mà không xin đường, va quẹt vào xe của Nam. Cả hai cùng té ngã ra đường, ông Thọ bất tỉnh, Nam bị sây sát nên đưa nạn nhân đi bệnh viện.

Bản kết luận pháp y của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk ngày 8/10/2012 xác định ông Thọ bị chấn thương sọ não, liệt 1/2 người trái, thương tích 50% (tạm thời ba tháng).

Khoảng sáu tháng sau, ngày 25/3/2013, Nam bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Buôn Ma Thuột khởi tố về hành vi Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (cho tại ngoại).

Bản kết luận điều tra của Công an TP Buôn Ma Thuột nhận định nguyên nhân gây ra tai nạn là do Nam điều khiển xe máy khi vào đường giao nhau (Trần Hưng Đạo - Trường Chinh, có vòng xuyến) đã vượt xe ông Thọ lưu thông phía trước không đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, ông Thọ cũng có lỗi khi điều khiển môtô chuyển hướng bất ngờ đã thiếu quan sát nên gây tai nạn giao thông.

Ngày 20/5/2014, TAND TP Buôn Ma Thuột đã tuyên phạt Nam 6 tháng tù cho hưởng án treo, bồi thường cho gia đình ông Thọ hơn 56 triệu đồng.

Ngày 8/8/2014, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm tuyên phạt Nam 9 tháng tù giam và bồi thường cho gia đình ông Thọ hơn 56 triệu đồng.

Ngay sau đó gia đình Nam có đơn gửi VKSND, TAND tối cao để kêu oan. Gia đình Nam cũng có đơn gửi chánh án TAND TP Buôn Ma Thuột xin cho nam sinh được hoãn thi hành án để tiếp tục học tập, thi cử và chờ phúc đáp của tòa án, VKSND tối cao.

Tuy nhiên, chánh án TAND TP Buôn Ma Thuột đã từ chối cho Nam được hoãn thi hành án và yêu cầu Công an TP Buôn Ma Thuột phải thực hiện quyết định.

Có thể xin hoãn án để thi tốt nghiệp THPT

Phân tích các tình tiết, một cán bộ Công an TP Buôn Ma Thuột cho biết vào thời điểm xảy ra tai nạn phía trước không có vật cản, ông Thọ không có dấu hiệu xin đường nên Nam mới tăng tốc để vượt, chuyện đó là bình thường.

Khi Nam vừa vượt lên, ông Thọ lại bất ngờ rẽ trái mà không quan sát rồi tông vào xe của Nam. Vào thời điểm này, ông Thọ còn điều khiển xe sau khi đã uống rượu bia (nồng độ cồn trong máu là 20,3 ml).

“Như vậy, nếu xét về lỗi thì ông Thọ là người có lỗi trước và trực tiếp gây tai nạn. Nam chỉ là người vượt xe lên và bất ngờ bị tai nạn. Đây có thể xem là một lỗi hỗn hợp, việc quy hết trách nhiệm cho Nam trong vụ tai nạn này là hoàn toàn không xác đáng” - cán bộ này nói.

Ngoài ra, sau khi tai nạn xảy ra ông Thọ được Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk xác định thương tật tạm thời là 50% (ba tháng).

Gia đình ông Thanh khiếu nại kết quả giám định. Công an TP Buôn Ma Thuột và Phân viện Khoa học hình sự tại TP HCM cũng yêu cầu ông Thọ phải trực tiếp đi giám định lại mới có đủ căn cứ để khởi tố và định mức bồi thường đối với Nam. Tuy nhiên ông Thọ từ chối giám định lại thương tật.

Ngày 25/3/2013, Công an TP Buôn Ma Thuột dựa vào bản giám định pháp y tạm thời (ba tháng) của Trung tâm Pháp y Đắk Lắk để khởi tố Nam về hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tòa án hai cấp vẫn xét xử Nam chỉ với căn cứ là bản giám định thương tật nêu trên.

“Việc giám định thương tật là đánh giá di chứng để lại sau chấn thương được khám và đánh giá trực tiếp trên đối tượng cần giám định. Bản giám định tạm thời nhằm làm căn cứ để khởi tố người gây tai nạn. Còn bản giám định thương tật (vĩnh viễn) là để xác định khung hình phạt cũng như mức bồi thường mà bị cáo phải thực hiện. Thế nhưng các cơ quan tố tụng lại dùng bản giám định gián tiếp (không khám trực tiếp ông Thọ) và đã quá hạn nhiều tháng để khởi tố, xét xử Nam là có sai sót trong điều tra, xét xử” - luật sư Đàm Văn Chính phân tích.

Luật sư Chính nói thêm trong trường hợp của Nam đã đi chấp hành án, em có thể gửi đơn lên TAND, VKSND tối cao để được xem xét lại toàn bộ vụ án. Trước mắt, gia đình cũng có thể gửi đơn đến những nơi này xin được tạm hoãn thi hành án để hoàn thành việc thi tốt nghiệp THPT.

“Ảnh hưởng đến môi trường sư phạm”

Một lãnh đạo Trường THPT Buôn Ma Thuột kể lại: “Sáng 2/4 tự nhiên công an mặc sắc phục cùng xe đặc chủng đến trường. Lúc đó trường vô học rồi. Sau khi công an trao đổi, thấy môi trường sư phạm không hay lắm nên trường mời xe đặc chủng ra ngoài. Tôi thấy cách ứng xử của công an trong việc áp giải em Nam cũng không hay lắm, chúng tôi không đồng tình. Cơ quan công quyền thiếu gì biện pháp mà chọn cách không phù hợp với môi trường giáo dục. Tôi thấy việc này ảnh hưởng đến môi trường sư phạm, tạo tâm lý nặng nề cho học sinh, giáo viên...”.

Trong khi đó, một học sinh cho biết, hôm đó vào giữa buổi học, thấy nhiều công an mặc sắc phục vào trường mời bạn Nam đến phòng ban giám hiệu nhà trường. Sau đó công an dẫn giải Nam ra xe và chở đi. “Sau này mới biết Nam bị bắt vì liên quan đến một vụ tai nạn giao thông cách đây hai năm. Sau đó cả lớp đã có đơn xin cho Nam được tiếp tục đi học, thi tốt nghiệp vì chỉ còn một tháng nữa là hết năm học. Bạn ấy hiền, học giỏi mà bị bắt ngang như vậy rất uổng công học tập” - một học sinh nói.

Công an vào trường áp giải học sinh lớp 12

Trước đó, tòa phúc thẩm tuyên nam sinh này 9 tháng tù giam do có liên quan đến vụ tai nạn giao thông.

 * Tên nam sinh đã được thay đổi.

http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20150421/bat-dac-di-moi-vao-truong-ap-giai-hoc-sinh/736598.html

Theo Hà Bình- Trung Tân/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm