Hai tỷ phú Australia hậu thuẫn dự án của Sun Cable. Ảnh: The New Daily. |
Dự án xuất khẩu điện mặt trời từ Australia đến Singapore qua 4.200 km cáp ngầm dưới biển của nhà phát triển năng lượng tái tạo Sun Cable đã được đưa vào diện quản lý tự nguyện hôm 11/1.
Quá trình "quản lý tự nguyện" là khi một công ty hoặc dự án mất khả năng thanh toán nợ và được đặt dưới sự quản lý của bên thứ ba độc lập để có thể đưa ra giải pháp tốt nhất cho cả hai bên chủ sở hữu công ty/dự án và chủ nợ.
Dự án trị giá 21 tỷ USD nói trên vốn là một trong những “ứng viên” được kỳ vọng giúp các nền kinh tế chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở châu Á chuyển sang nền kinh tế phát thải thấp, hướng tới mục tiêu khử carbon trong những thập kỷ tới.
Tuy nhiên, mối bất đồng giữa hai tỷ phú giàu nhất Australia - ông trùm công nghệ Mike Cannon-Brookes và ông trùm quặng sắt Andrew Forrest - đang đặt ra thách thức mới cho dự án này. Hai nhà đầu tư hàng đầu đã thể hiện quan điểm khác nhau về tiến độ dự án.
Mâu thuẫn
Sun Cable có trụ sở tại Singapore, do công ty Squadron Energy của tỷ phú Forrest và công ty Grok của tỷ phú Cannon-Brookes hậu thuẫn. Tuyến cáp điện ngầm của Sun Cable đã được các nhà phát triển mô tả là dự án đầu tiên và tham vọng nhất, cũng là một phần mạng lưới điện xuyên lục địa trải dài từ Nhật Bản đến Ấn Độ.
“Ngay từ đầu, Sun Cable đã rất tham vọng”, Georgios Konstantinou, giảng viên cao cấp về hệ thống năng lượng tại Đại học New South Wales, cho biết. “Kỹ thuật phân phối (năng lượng) rất khó khăn và trên hết, họ phải đảm bảo các mục tiêu kinh doanh”.
Tuyến cáp điện dự kiến của Sun Cable từ Australia đến Singapore. Ảnh: Bloombeg. |
Theo Bloomberg, vào thời điểm thế giới đang chạy đua tới mục tiêu phát thải ròng bằng không với một loạt công nghệ thử nghiệm, siêu lưới điện của Sun Cable chắc chắn có ý nghĩa lớn.
Nhật Bản hay Singapore đông đúc sẽ không còn phải lo lắng về việc tìm không gian xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo. Thay vào đó, họ có thể nhập khẩu năng lượng xanh từ quốc gia láng giềng.
Song, những rắc rối Sun Cable đang gặp phải cho thấy thách thức mà các chính phủ và doanh nghiệp sẽ đối mặt khi thực hiện tham vọng xanh.
Công ty Squadron Energy của tỷ phú Forrest cho rằng “cần lập tức thay đổi cách thức thực hiện dự án này”, đồng thời đặt dấu hỏi về giá trị kế hoạch truyền tải điện sản xuất ở Australia đến Singapore.
“Để biến dự án này thành hiện thực, chúng ta cần có kinh nghiệm quản trị xuất chúng, khả năng phân phối đẳng cấp thế giới, cũng như các công nghệ khả thi”, Chủ tịch Squadron John Hartman cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, tỷ phú Cannon-Brookes, người từng khen ngợi dự án là “hoàn toàn điên rồ” vào lần rót vốn đầu tiên năm 2019, vẫn ủng hộ tham vọng và đội ngũ dự án.
“Squadron Energy có quan điểm khác biệt về việc ưu tiên dự án ở Singapore, so với tất cả cổ đông khác”, công ty Grok cho biết. “Dự án này có thể sẽ mang lại kết quả đáng kể cho công ty, thu hút nhà đầu tư, vốn và tạo ra ngành công nghiệp mới ở Australia”.
Thách thức
Theo Bloomberg, Squadron đang xem xét các lựa chọn bao gồm cả lời đề nghị kiểm soát dự án. Công ty này từ chối bình luận về tuyên bố của Grok.
Song ngay cả khi quyền sở hữu được xác định rõ ràng, quy mô và tham vọng của Sun Cable vẫn vấp phải thách thức về chi phí.
Dylan McConnell, nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học New South Wales, cho biết thật khó để một dự án dự trữ năng lượng Mặt Trời lớn và vận chuyển bằng cáp ngầm có thể hoàn thành với chi phí ước tính hiện tại.
Tỷ phú Andrew Forrest (trái) và tỷ phú Cannon-Brookes. Ảnh: Forbes, Forrest Research Foundation. |
Dự án này cũng đòi hỏi một loạt công nghệ và cần vượt qua các vấn đề chính trị như chủ nghĩa bảo hộ năng lượng. Cựu chủ tịch Tập đoàn lưới điện Trung Quốc, Liu Zhenya, từng ước tính kế hoạch xây dựng mạng lưới điện toàn cầu sẽ tiêu tốn đến 50.000 tỷ USD.
Theo kế hoạch, tuyến cáp ngầm của Sun Cable sẽ dài hơn 5 lần so với lưới điện dưới biển lớn nhất thế giới hiện nay - tuyến cáp dài 720 km giữa Vương quốc Anh và Na Uy.
Trạm năng lượng Mặt Trời của Sun Cable ở khu vực phía Bắc Australia hứa hẹn là cơ sở lớn nhất trên toàn cầu, theo dữ liệu của BloombergNEF. Cơ sở lưu trữ pin đi kèm cũng có quy mô đáng kinh ngạc với công suất dự kiến 42.000 megawatt/h so với 450 megawatt/h tại nhà máy điện lớn nhất Australia hiện nay.
Dù dự án của Sun Cable gặp nhiều khó khăn, một số nhà phân tích nhận định họ có thể vượt qua và đạt được mục tiêu cung cấp 15% nhu cầu điện của Singapore.
Henning Gloystein - Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên của Eurasia Group ở London - cho biết trong khi Sun Cable trải qua quá trình phê duyệt phức tạp, đặc biệt là ở Đông Nam Á, những đột phá về công nghệ đang giúp họ giảm chi phí và nâng cao năng lực.
“Những dự án kết nối lớn tương tự Sun Cable sẽ không còn (chỉ tồn tại) trong thế giới khoa học viễn tưởng”, vị giám đốc nói.
Bộ trưởng Năng lượng Australia Chris Bowen hôm 12/1 cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng dự án sẽ được tiến hành theo cơ cấu tài trợ mới, sau khi trao đổi với “những thành viên cấp cao” ở Sun Cable.
“Tôi vẫn rất lạc quan và vui mừng về tương lai của Sun Cable”, Reuters dẫn lời ông Bowen.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.