Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắt giam Phó ban quản lý dự án cầu Chu Va 6

Phó giám đốc Ban quản lý dự án huyện Tam Đường được giao điều hành, lựa chọn đơn vị thi công, giám sát xây dựng cầu Chu Va 6. Ông này đã không làm tròn phận sự gây ra vụ sập cầu.

Ngày 31/7, Công an tỉnh Lai Châu đã khởi tố bị can, tạm giam ông Hoàng Đình Vấn (35 tuổi, Phó giám đốc Ban quản lý dự án huyện Tam Đường, Lai Châu) để điều tra hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Kết quả điều tra cho thấy, ông Vấn được giám đốc Ban quản lý dự án huyện Tam Đường giao trực tiếp điều hành, lựa chọn đơn vị thi công, giám sát xây dựng cầu Chu Va 6. Tuy nhiên, ông này được cho là không làm tròn phận sự dẫn tới việc sập cầu.

Cầu Chu Va sau khi xảy ra sự cố sập.
Cầu Chu Va sau khi xảy ra sự cố sập.

Ông Vấn là người thứ ba bị khởi tố điều tra. Trước đó, Nguyễn Văn Ký (giám đốc phụ trách thi công cầu) và Bùi Hải Sơn (cán bộ kỹ thuật Ban quản lý dự án huyện Tam Đường) đã bị bắt.

Gần 6 tháng trước, cầu Chu Va bị đứt dây cáp khiến hàng chục người trong đoàn đưa tang bị rơi xuống suối cạn. Vụ việc khiến 8 người chết và 38 bị thương. Trên cơ sở kết luận của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) về sự cố sập cầu là do thanh neo tăng đơ bị gãy, do chế tạo không đúng thiết kế, Công an tỉnh Lai Châu đã quyết định khởi tố vụ án để điều tra.

Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự cho thấy, trục thanh neo gửi đến giám định không đúng với tiêu chuẩn kỹ thuật so với bản vẽ thiết kế. Ren vít là dạng ren vuông khác với bản thiết kế là ren hình thang. Bề rộng trục thanh neo ở vị trí bị gãy nhỏ hơn so với thiết kế là 41 mm, bề dày dày hơn so với thiết kế là 3 mm, làm giảm tiết diện chịu lực khoảng 38%; bề mặt lỗ chốt gia công với độ chính xác thấp (bề mặt lỗ nham nhở) tạo ra sự tập trung ứng suất, làm giảm khả năng chịu lực của trục thanh neo.

Cơ chế dấu vết gãy được xác định tại vị trí tập trung ứng suất của trục thanh neo xuất hiện vết nứt từ cạnh lỗ phía bên bề mặt lỗ tiếp xúc nhiều với chốt. Quá trình cầu treo hoạt động, vết nứt tiếp tục phát triển sâu vào trong. Khi cầu làm việc ở trạng thái chịu tải trọng lớn, tiết diện chịu lực còn lại tại vị trí lỗ chốt không chịu được tải trọng, dẫn đến gãy rời do quá tải.

Vụ lật cầu treo: Thi công sai thiết kế là dấu hiệu hình sự

"Nếu việc thi công không đúng thiết kế dẫn tới hậu quả đứt ắc neo (ốc neo) rồi lật cầu là có dấu hiệu hình sự", Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết.



V.Đức

Bạn có thể quan tâm