Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Bất lực 'cai nghiện' TikTok cho con

Không ít phụ huynh thừa nhận bản thân cũng bị "cuốn" khi lướt TikTok, gặp nhiều khó khăn trong việc hạn chế con xem video có nội dung nhảm nhí, độc hại.

con xem tiktok anh 1

Cách đây hơn nửa năm, Thanh Nga (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) đã có khoảng thời gian vật lộn để "cai nghiện" điện thoại cho con trai gần 3 tuổi, khi cậu bé liên tục quấy khóc đòi xem clip TikTok, YouTube.

“Vấn đề xuất phát từ sai lầm của tôi”, chị nói với Zing. Khi bé hơn một tuổi, Thanh Nga bắt đầu cho con xem các clip trên YouTube, sau đó là TikTok, để rảnh tay khi một mình nấu ăn hay làm việc nhà.

“Lúc đó, chỉ cần có điện thoại trước mặt, bé ngồi im để xem cả tiếng. Khi đón con từ nhà trẻ về vào buổi chiều, tôi sẽ để bé ngồi xem khoảng 1 tiếng trong lúc nấu nướng, và khi cho con ăn. Bản thân tôi cũng rất thích lướt video vui nhộn trên TikTok nên không nghĩ có vấn đề gì”, chị kể.

Thế nhưng, dần dần người mẹ nhận thấy vấn đề lớn khi con chỉ chịu ăn khi được xem clip, khóc lớn ăn vạ mỗi khi bị lấy lại điện thoại.

Không riêng chị Nga, nhiều phụ huynh cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát con nhỏ xem video trên mạng xã hội. Không ít bậc cha mẹ thừa nhận bản thân cũng bị “cuốn” vào các nền tảng này, hay xem video để giải trí, nên rất khó để làm gương cho con.

Trong buổi họp báo chiều 6/4, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông đã chia sẻ chi tiết những vi phạm của TikTok tại Việt Nam, trong đó bao gồm chứa nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí gây nguy hiểm với trẻ em.

Bởi vậy, sự kiểm soát và hướng dẫn của cha mẹ đóng vai trò quan trọng giúp các em nhỏ không bị ảnh hưởng bởi nội dung xấu.

Trốn con xem điện thoại

Chị Nga nói rằng rất khó để “cai nghiện” cho con, bởi mỗi khi thấy bố mẹ cầm điện thoại, bé lại khóc lóc để đòi xem cho bằng được. Đỉnh điểm, có lúc bé khóc hơn 30 phút tới mức mệt lả.

Cuối cùng, chị chọn cách hạn chế thời gian xem từ từ, và chỉ cho con xem những clip đã tải xuống điện thoại với nội dung phù hợp.

“Tôi phải thống nhất với chồng là trước mặt con không được cầm điện thoại, nhất là vào giờ ăn. Nếu cần nhắn tin hay gọi điện thì tránh đi chỗ khác. Hai vợ chồng thường tranh thủ xem video để giải trí sau khi con đã ngủ”, chị cho biết.

con xem tiktok anh 2

Chị Thanh Nga hạn chế thời gian, cho con xem những video tải sẵn trong điện thoại.

Hồng Ngọc (sinh năm 1996, Quảng Ninh) thừa nhận có thời gian bản thân dành 1-2 tiếng xem TikTok mỗi ngày “khi rảnh rỗi, cầm điện thoại không biết làm gì”.

Bà mẹ hai con, một bé 5 tuổi và một bé 2 tuổi, nhận xét một số clip trên nền tảng này khá hữu ích, hấp dẫn song cũng có nhiều clip nhảm, không giá trị. Vì vậy, cô thường chỉ xem các nội dung giải trí, giáo dục con nhỏ hay chăm sóc da và chọn lọc áp dụng vào cuộc sống thường ngày.

Dù bản thân thường xuyên xem TikTok, Ngọc cho biết cô không muốn hai con tiếp xúc với ứng dụng này hay dùng để dỗ dành các bé như nhiều phụ huynh khác. Cô từng thấy nền tảng này lan truyền nhiều đoạn video phản cảm, nói tục hay thậm chí bạo lực và lo ngại con có thể học theo nếu bắt gặp.

Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận không loại trừ khả năng bị các con bắt gặp lúc đang xem clip TikTok. Con có thể tò mò, đòi xem chung. Khi đó, khó để cô giải thích cho con hiểu tác hại của những clip “nhìn có vẻ vui nhộn, hút mắt” ấy.

“Các bé giờ rất lanh, bé nhà tôi từng có lần thắc mắc về món ăn vợ chồng tôi được dùng, còn bé lại không”.

Để tránh khả năng đó, Ngọc chỉ xem vào tầm giờ trưa, khi rảnh rang và các con đã ngủ. Ngoài ra, cô thống nhất với các thành viên trong gia đình không nịnh, dỗ con bằng ứng dụng này hay để các bé phát hiện, xem chung.

Nếu muốn giải trí, buổi sáng, hai con của Ngọc chỉ được xem một số video trên YouTube Kids trong thời gian nửa tiếng. Các clip cũng được chiếu trên màn hình tivi để người lớn tiện theo dõi, kiểm soát.

Chị Ngọc tránh xem điện thoại trước mặt con.

Tương tự, Ngọc Dung (25 tuổi, TP.HCM), đang sống cùng nhà với vợ chồng anh trai, cũng phải “lén” dùng điện thoại vì không muốn ảnh hưởng đến cháu nhỏ 5 tuổi. Dung cho hay bản thân rất hay xem TikTok vì nhiều trend, tính giải trí cao.

“Ngày trước, tôi không xem nhưng vì bạn bè ai cũng ‘đu trend’ nên tôi tải TikTok để không bị lạc lõng. Bây giờ, nhiều khi tôi vô thức bật ứng dụng lên rồi lướt cả tiếng đồng hồ không chán, khi thoát ra lại chẳng nhớ mình vừa xem những gì. Thú thực, tôi thấy mình cũng nghiện xem”, Dung nói.

Tuy nhiên, anh chị của Dung không cho phép con trai tiếp cận TikTok vì cho rằng có quá nhiều nội dung độc hại, không phù hợp với trẻ em, nên cô cũng không mở xem trước mặt cháu.

“Chị dâu chỉ cho cháu tôi xem các clip học tập hoặc giải trí của trẻ em trên ipad. Tôi và anh trai thỉnh thoảng bị chị nhắc nhở khi ngồi lướt video trong bữa ăn hay khi có cháu tôi bên cạnh”.

Trong cuộc trò chuyện với Zing, bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW), nhận định không nên để trẻ tương tác với các nội dung trên mạng xã hội như TikTok, YouTube khi còn quá nhỏ.

“Khi con dưới 2 tuổi, cha mẹ cần tăng giao tiếp trực tiếp giữa con với những người xung quanh. Cha mẹ cần có trách nhiệm và sự nhất quán trong quản lý, xác định độ tuổi con sử dụng thiết bị điện tử, tham gia mạng xã hội. Càng trong thời đại công nghệ số, họ càng phải làm tốt vấn đề đó”, bà Hà nói.

Cha mẹ làm gương

Theo thống kê, tỷ lệ người dùng TikTok ở Việt Nam đã tăng từ 34% (năm 2020) lên 62% (năm 2022) và có khoảng 4 triệu người dưới 18 tuổi đang sử dụng nền tảng này.

Dù đưa ra chính sách cộng đồng, không có cơ chế cụ thể nào để ngăn trẻ em tiếp xúc với các nội dung xấu.

Báo cáo tháng 12/2022 của Trung tâm Chống lại sự căm ghét kỹ thuật số (CCDH) thực hiện tại Mỹ, Anh, Canada và Australia cho thấy trong vòng 2,6 phút sau khi người dùng là trẻ em 13 tuổi lập tài khoản, TikTok đề xuất nội dung tự sát.

Ở Việt Nam, việc kiểm soát nội dung độc hại với trẻ em chưa được nền tảng này thực hiện hiệu quả.

"Chúng tôi ghi nhận nội dung gây nguy hiểm với trẻ em, yêu cầu ngăn chặn nhưng TikTok không làm hiệu quả", ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), nói với Zing.

Thời gian rảnh buổi tối, vợ chồng Quang Huy (sinh năm 1995, Đà Nẵng) cũng thường xuyên chọn các clip trên TikTok để giải trí với thời lượng 30 phút đến một tiếng. Song, giống nhiều bậc phụ huynh khác nhận thức được các nội dung tạp nham trên nền tảng này, khó kiểm soát, Huy và vợ không cho cô con gái gần 3 tuổi biết và xem chúng.

Kể cả với tivi, máy tính bảng hay các nền tảng video, mạng xã hội khác, vợ chồng anh cũng hạn chế hết mức để con tiếp xúc, càng không dùng chúng để dỗ dành con. Nếu bé muốn giải trí, múa hát, hai người chỉ đồng ý cho xem khoảng 10 phút sau khi bé đã hoàn thành bữa ăn.

con xem tiktok anh 3

Nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc kiểm soát con xem điện thoại.

Để con gái không phát hiện, vợ chồng Huy chủ yếu xem TikTok khi con đã ngủ. Vào ngày nghỉ bé ở nhà, cặp đôi sắp xếp thời gian đưa con đi chơi, tham gia các hoạt động thể chất, hạn chế sự quan tâm dành cho các thiết bị điện tử.

“Giờ con còn nhỏ, chúng tôi có thể biết và quản lý gần như mọi hoạt động ăn uống ngủ nghỉ của con, song một thời gian nữa, tôi nghĩ sẽ cần có thêm biện pháp mới nếu muốn bảo vệ con khỏi các nội dung độc hại trên mạng xã hội”, anh chia sẻ.

Con có thể tiếp xúc các nội dung không phù hợp trên TikTok cũng là nỗi lo của Vũ Hòa (sinh năm 1987, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thời gian qua.

Thi thoảng, Vũ Hòa dành 20-30 phút/ngày để xem clip học tiếng Anh, nấu ăn hay chủ đề công nghệ trên TikTok. Song anh nhận định đứa con hơn 3 tuổi của mình chưa thể có khả năng phân biệt các nội dung tốt/xấu ở đây như người lớn và dễ bị ảnh hưởng nếu tiếp xúc thời gian dài.

“Nhưng cũng phải công nhận rằng thuật toán của ứng dụng này biết cách thu hút, giữ chân người dùng, ngay đến cả người lớn cũng dễ bị cuốn theo”, anh chia sẻ.

Có lần, con Vũ Hòa bắt gặp bố mẹ xem clip ca nhạc trên TikTok, chạy tới muốn xem chung. Hai người phải nhanh chóng tắt ứng dụng và hướng sự chú ý của con sang chủ đề khác. Sau lần đó, hai vợ chồng thống nhất hạn chế dùng các thiết bị điện tử trước mặt con, đặc biệt là khi đang giải trí.

Hiện, Vũ Hòa chỉ thi thoảng cho con xem các video trẻ em 10-15 phút mỗi lần, tăng cường thời gian chơi cùng con, đưa con đến các khu vui chơi công cộng để con hạn chế tiếp xúc và nảy sinh ý muốn sử dụng thiết bị điện tử, nhất là các nền tảng video, mạng xã hội.

“Sau này con lớn hơn, đến một độ tuổi nào đó thì cũng không tránh được con tiếp xúc với các nền tảng này. Khi đó, chúng tôi sẽ coi đó như một phần thưởng để vừa khích lệ, vừa quản lý việc con sử dụng. Ví dụ, nếu con hoàn thành việc gì đó, con có thể được dùng thiết bị điện tử hoặc xem thứ yêu thích trong một khoảng thời gian nhất định”.

Ông bố Hà Nội cũng hy vọng TikTok sớm cập nhật các tính năng cho phép người lớn quản lý nội dung cung cấp cho trẻ nhỏ.

“Không phải 100% nội dung trên TikTok xấu, nhưng nếu muốn để con mình sử dụng, ít nhất những người làm cha mẹ như chúng tôi cần quản lý được các hình ảnh, âm thanh con sẽ tiếp xúc thay vì phó mặc cho thuật toán”.

TikTok tràn ngập các chuyên gia dạy làm giàu

Các TikToker đưa ra vô số lời khuyên tài chính, tuy nhiên, đa số chỉ đánh vào tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng và không có tác dụng thực tế.

Bài hát lớn lên cùng con

Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.

TikToker pha huy cac concert hinh anh

TikToker phá hủy các concert

0

Hát theo nhạc chế trên TikTok, yêu cầu được lên sân khấu, đề nghị ca sĩ hát những bài nhảm nhí, nhiều người đến concert không phải để thưởng thức âm nhạc, mà chỉ muốn clip viral.

Mai An - Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm