Moon Dong Eun, nạn nhân của bạo lực học đường trong phim "The Glory". Ảnh: The Glory. |
The Glory, bộ phim có Song Hye Kyo đảm nhận vai chính, gây sốt toàn cầu khi chỉ mới ra mắt mùa 1. Nội dung phim xoay quanh một nạn nhân của bạo lực học đường lớn lên và tìm cách trả thù nhóm thủ phạm.
So với những bộ Kdrama thông thường, The Glory mô tả sự tàn bạo của nạn bắt nạt học đường ở Hàn Quốc một cách sinh động hơn, đến mức một số khán giả bối rối không biết đó là thật hay phóng đại, theo Koreaboo.
Chương trình News High Kick của MBC Radio gần đây đã mời Choi Woo Sung làm khách mời. Choi là ủy viên trường học tại Văn phòng Giáo dục Suwon, Gyeonggi, có nhiều năm giám sát các trường hợp liên quan đến bạo lực học đường.
Trong chương trình, Choi được hỏi liệu cảnh phim cho thấy những kẻ bắt nạt Moon Dong Eun, nhân vật chính của The Glory, tấn công cô bằng một chiếc máy uốn tóc có thật hay không. Choi đã trả lời: "Thực tế còn tồi tệ hơn như vậy".
Ám ảnh hơn cả trên phim
Những cảnh bắt nạt học đường được mô tả trong The Glory khiến khán giả nhớ đến vụ bạo lực học đường kinh hoàng xảy ra cách đây 17 năm tại xứ kim chi.
Vụ việc được mệnh danh là "bắt nạt bằng máy kẹp tóc" xảy ra tại một trường trung học nữ ở Cheongju vào tháng 5/2006.
Choi cho biết nhóm học sinh tại trường cấp hai đã hành hung một học sinh trong khoảng 20 ngày liên tục. Nhóm do Kim, lúc đó 15 tuổi, cầm đầu, đã tấn công nạn nhân "A" bằng gậy bóng chày, máy làm tóc, kẹp quần áo.
"The Glory" mô tả sự tàn bạo của bắt nạt học đường ở Hàn Quốc. Ảnh: The Glory. |
"Khi đó, nạn nhân bị bỏng nặng và phải nằm viện từ 5 đến 6 tuần… Thủ phạm thậm chí thú nhận rằng họ đã trừng phạt nạn nhân bằng cách dùng móng tay làm tổn thường vết sẹo của cô", Choi nói.
Choi còn dẫn chứng một số trường hợp bạo lực khét tiếng khác liên quan đến trẻ vị thành niên trong những năm gần đây.
Vụ hành hung xảy ra vào năm 2021 ở trường trung học nữ sinh Yangsan, liên quan đến một học sinh nước ngoài bị nhóm học sinh cấp hai bạo hành. Thủ phạm đã quay lại vụ tấn công và phát tán clip lên các diễn đàn Internet.
Trong vụ bạo hành ký túc xá Cheonghak-dong vào năm 2020, nạn nhân đã bị một nhóm nữ sinh ép uống nước tiểu.
Năm ngoái, vụ việc ở Gyeonggi gây rúng động Hàn Quốc khi một nam sinh 12 tuổi đã tấn công tình dục bé gái 9 tuổi.
Thủ phạm nhởn nhơ, nạn nhân bị đổ lỗi
Bắt nạt là hình thức bạo lực học đường phổ biến nhất. Việc trở thành nạn nhân hoặc thủ phạm bắt nạt học đường thường liên quan đến một loạt các vấn đề về hành vi, cảm xúc.
Tháng 9/2022, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát về bạo lực học đường được thực hiện bởi các văn phòng giáo dục địa phương trên khắp Hàn Quốc.
Trong cuộc khảo sát, 53.880 học sinh, chiếm 1,7% số người được hỏi, cho biết từng bị bạo lực học đường trong khoảng thời gian từ học kỳ thứ hai năm 2021 đến học kỳ đầu tiên năm 2022.
Trong số này, 41,8% cho biết từng bị bạo lực bằng lời nói, 14,6% bị bạo lực thể chất và 13,3% bị bắt nạt.
Bắt nạt học đường có xu hướng gia tăng khi học sinh Hàn Quốc trở lại trường sau đại dịch. Ảnh: Reuters. |
Ủy viên Choi nói rằng trong hầu hết các vụ bắt nạt, thủ phạm được pháp luật bảo vệ vì là “trẻ vị thành niên phạm pháp”. Thuật ngữ này đề cập đến trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã phạm tội nhưng là đối tượng được bảo vệ. Họ bị kết án nhẹ bằng lao động công ích hoặc giam giữ vị thành niên thay vì bị trừng phạt hình sự.
"Trong những trường hợp kể trên, một số thủ phạm hoặc tất cả thủ phạm đều là trẻ vị thành niên dưới 14 tuổi, vì vậy sẽ có giới hạn khi trừng phạt họ… Tôi đồng ý rằng giới hạn độ tuổi tiêu chuẩn nên được hạ thấp dần khi thủ phạm ngày càng trẻ hóa và tội ác của chúng ngày càng tinh vi và bạo lực hơn… Đồng thời, chúng ta cũng cần phải nỗ lực ngăn chặn những vụ việc như vậy ngay từ đầu".
Tháng 12/2022, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua dự luật hạ thấp giới hạn độ tuổi vị thành niên từ 14 xuống 13 trong đạo luật phòng chống tội phạm và tư pháp vị thành niên.
Còn Jo Jung Sil, đại diện hiệp hội gia đình nạn nhân bạo lực học đường ở Seoul, cho biết xã hội Hàn Quốc phần lớn không có thiện cảm với các nạn nhân bị bắt nạt học đường cho đến tận bây giờ.
"Nhiều người từng nói rằng vấn đề bắt nạt ở trường học chỉ là những vụ ẩu đả giữa các thanh thiếu niên chưa trưởng thành. Một số thậm chí còn đổ lỗi cho các nạn nhân, nói rằng đó là vấn đề của họ khi khiến mình không thể hòa nhập".
Năm 2020, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã hứa sẽ tăng cường các dịch vụ tư vấn tâm lý, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực học đường cũng như gia đình về chi phí pháp lý, y tế.
Lý do khiến chúng ta thích tích trữ sách
Bất chấp sự ra đời của sách nói và sách điện tử, sách bìa cứng và bìa mềm vẫn tiếp tục tràn ngập thị trường dành cho những độc giả thích giao diện sách giấy. Trọng lượng khi cầm trên tay và cảm giác được lật giờ từng trang khiến họ thích thú. Với những người yêu sách, việc phải vứt bỏ một cuốn là chuyện đau lòng, dù họ đã đọc xong và biết rằng không bao giờ lật ra một lần nào nữa, theo Washington Post.