Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắt nạt tại trường tư ở Hàn Quốc, giáo viên làm ngơ vì ngại phụ huynh

Giáo viên một trường tư thục ở Hàn Quốc kể hầu hết nhân viên trong trường làm ngơ khi bạo lực học đường xảy ra vì họ e ngại phụ huynh lớn tiếng.

Trong video được đăng tải vào cuối tháng ba, nhà sáng tạo nội dung Queentiwa chia sẻ trải nghiệm khi làm giáo viên tại một trường tư thục ở Hàn Quốc - nơi được mô tả là trường học của những đứa trẻ giàu có, cha mẹ đều là người nổi tiếng, bác sĩ hàng đầu.

Cô khẳng định cảnh bắt nạt, bạo lực học đường trong phim truyền hình Hàn Quốc không hề phóng đại. Nó diễn ra khá phổ biến.

Queentiwa bày tỏ sự thất vọng khi không thể giúp đỡ học sinh bị bắt nạt. Hầu hết giáo viên trong trường đều làm ngơ trước vụ việc tương tự vì e ngại phụ huynh - người nắm trong tay quyền lực và sẵn sàng lớn tiếng với giáo viên vì vấn đề nhỏ nhặt. Nữ giáo viên từng bị học sinh đe dọa khi cố giải quyết vụ bạo lực học đường xảy ra tại trường.

"Mỗi lần cố gắng can thiệp, tôi sẽ gặp rắc rối. Một học sinh từng kề kéo vào cổ tôi", Queentiwa nhớ lại.

Bat nat tai truong tu o Han Quoc anh 1

Phim truyền hình Hàn Quốc không phóng đại vấn đề bắt nạt học đường. Ảnh: OneHallyu.

Bắt nạt bằng nhiều hình thức

Bắt nạt học đường xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Chỉ cần xích mích cá nhân nhỏ, trẻ dễ dàng vướng vào vòng xoáy của những trò bắt nạt.

Trong khảo sát khác do Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố năm 2019, khoảng 60.000 học sinh các cấp (tiểu học, THCS, THPT) cho biết các em từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Bên cạnh bạo lực thể xác, nhiều em bị bạn bè lạm dụng bằng những lời lăng mạ, chửi bới.

Theo Korea Herald, trong khảo sát được thực hiện vào tháng 9/2020 với khoảng 130.000 học sinh tại Hàn Quốc, khoảng 0,6% em thừa nhận từng bắt nạt bạn bè ít nhất một lần trong đời. Hình thức bắt nạt phổ biến nhất là lạm dụng bằng lời nói (39%), bắt nạt hội đồng (19,5%), bắt nạt trên mạng (8,2%), đánh đập (7,7%) và tấn công tình dục (5,7%).

Từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, học sinh bắt đầu "gắn bó" với các thiết bị điện tử, tình trạng bắt nạt qua mạng trở nên phổ biến hơn.

Lee Chang-ho, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Thanh niên Quốc gia Hàn Quốc, cho biết bắt nạt qua mạng thường được thực hiện ẩn danh.

Nhiều kẻ bắt nạt lợi dụng KakaoTalk, nền tảng nhắn tin với 4 triệu người dùng. Họ tạo nhóm trò chuyện, sau đó thêm nạn nhân vào nhóm và thực hiện hành vi bắt nạt như gửi tin nhắn lăng mạ, xúc phạm hay chỉ đơn giản là cô lập nạn nhân trong chính nhóm chat đó.

Trên Facebook, kẻ bắt nạt tạo tin đồn hoặc đăng tải những bức ảnh có nội dung khiếm nhã để làm nhục, khiến nạn nhân xấu hổ. Nếu những nội dung này được lan truyền rộng rãi, nạn nhân sẽ chịu đựng chấn thương tâm lý trong thời gian dài.

"Thanh thiếu niên thường nhạy cảm với vấn đề này, và đôi khi, các em không thể kiểm soát cảm xúc bản thân. Điều này dễ dàng biến nạn nhân thành kẻ tấn công để trả thù", ông Lee nói với The Korea Times.

Nếu bắt nạt qua mạng được thực hiện dưới hình thức ẩn danh, bắt nạt trực tiếp lại phơi bày một thực tế khác. Kẻ bắt nạt sẵn sàng công khai đánh đập, cô lập, nhục mạ nạn nhân ngay tại trường học, thậm chí ngay trước sự chứng kiến của giáo viên.

Tại Thái Lan, tình trạng bạo lực học đường cũng ở mức báo động. Năm 2020, một tổ chức phi chính phủ thực hiện khảo sát với 1.000 học sinh 10-15 tuổi. 92% cho biết các em từng bị bắt nạt ít nhất một lần.

Trong đó, 62% cho biết các em bị bạn bè cùng trường đánh vào đầu, 43% bị những kẻ bắt nạt chế nhạo tên cha mẹ, 42% bị làm nhục bằng những biệt danh khiếm nhã và 30% thừa nhận bản thân bị quấy rối, bắt nạt qua mạng, theo Bangkok Post.

Bạo lực học đường chỉ tăng, không giảm

Khi bị bắt nạt, trẻ thường chọn cách im lặng vì xấu hổ hoặc sợ bị trả thù. Không ít nạn nhân từng báo cáo vấn đề với giáo viên, phụ huynh nhưng bị phớt lờ và cho rằng đó chỉ là xích mích nhỏ giữa những thiếu niên mới lớn.

Khảo sát năm 2020 với 130.000 học sinh Hàn Quốc chỉ ra 33% nạn nhân từng tìm đến sự giúp đỡ của gia đình để chống lại hành vi bắt nạt. 30,9% báo cáo với giáo viên, 17% nhờ bạn bè giúp đỡ, 4,8% hỏi ý kiến của chuyên viên tư vấn. Khoảng 6% trẻ cho biết không ai có thể giúp các em thoát khỏi cảnh bắt nạt.

Bat nat tai truong tu o Han Quoc anh 2

Nạn nhân bạo lực học đường thường im lặng vì sợ bị trả thù. Ảnh: Gwangju News.

Tháng 6/2021, cảnh sát Hàn Quốc điều tra vụ việc một học sinh 15 tuổi bị bạn bè bắt nạt trong nhiều tháng. Theo cơ quan chức năng, nạn nhân (có mẹ là người Việt Nam), bị bạn bè tấn công bằng máy hút bụi và trấn lột 50.000 won (hơn 930.000 đồng). Nhóm bắt nạt đe dọa nếu không nộp tiền, chúng sẽ tung tin về gia đình của nạn nhân.

Nạn nhân không báo cáo sự việc vì không muốn cha mẹ lo lắng. Nam sinh cho biết em sợ vấn đề cá nhân sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cha vì ông đang điều trị ung thư giai đoạn cuối.

Tháng 10/2021, người ta phát hiện một học sinh 13 tuổi ở Quảng Đông (Trung Quốc) tử vong tại khu đất bỏ hoang. Qua điều tra, cơ quan chức năng phát hiện nam sinh này từng bị bạn bè bắt nạt, trong khi những học sinh khác chỉ đứng nhìn và cổ vũ.

Cha mẹ nam sinh không hề biết con trai bị bắt nạt. Chỉ sau khi em mất tích, gia đình mới biết cậu bé chịu cảnh bạo lực thể xác nhiều lần khi ở trường.

Một nữ sinh ở Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết cô từng chứng kiến nhiều trường hợp bị bắt nạt nhưng không báo cáo cho giáo viên hay nhà trường. Nơi nữ sinh học cũng không phổ biến hay giáo dục trẻ về vấn đề bắt nạt học đường.

Sự im lặng của nạn nhân và sự vô trách nhiệm của người lớn chính là những nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng. Ông Lee Chang-ho cho biết trường học ở Mỹ thường có nhân viên tư vấn để trẻ chia sẻ vấn đề cá nhân và kêu gọi sự giúp đỡ khi cần thiết. Trong khi đó, các trường học tại Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung chưa thực hiện được điều này.

Khó xử lý triệt để

Hầu hết người bắt nạt, bạo lực học đường đều là trẻ vị thành niên, chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự. Tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng sẽ căn cứ mức độ vi phạm để đưa ra hình thức xử phạt cho những đối tượng này, nhẹ là phạt cảnh cáo, nặng là đuổi học. Một số trường hợp phải tham gia các lớp giáo dục đặc biệt hoặc tư vấn tâm lý, phụ huynh có trách nhiệm tham gia cùng con.

Khi vụ việc bắt nạt nam sinh có mẹ người Việt nổ ra, nhà trường tiếp nhận đơn khiếu nại và thừa nhận trách nhiệm vì vụ bắt nạt xảy ra sau giờ học. Tuy nhiên, những kẻ bắt nạt nam sinh không phải nhận án phạt, chỉ bị chuyển lớp để "cách ly" với nạn nhân.

Kim Garam, ca sĩ thuộc nhóm nhạc Hàn Quốc Le Sserafim, cũng trở thành tâm điểm tranh cãi vì vấn đề này. Trước khi ra mắt vào tháng năm, nữ ca sĩ sinh năm 2005 bị bạn học cũ tố cáo bắt nạt bạn bè cùng nhiều hành vi vi phạm khác như nói tục, hút thuốc, uống rượu, ăn cắp.

Trong thời gian đó, một số tài liệu được cho là biên bản xử phạt hành vi bạo lực học đường của Kim Garam được đăng tải lên nhiều diễn đàn. Theo đó, vào năm 2018, cô chỉ bị phạt tham gia chương trình giáo dục đặc biệt cùng người giám hộ để chấn chỉnh hành vi.

Dù Kim Garam bị tẩy chay vì quá khứ tai tiếng, cộng đồng mạng vẫn cho rằng người này chưa phải trả giả đắt cho những hành động của mình. Đến nay, các nạn nhân bị nữ ca sĩ bắt nạt vẫn phải sống trong cảnh lo lắng, hoảng sợ. Một em phải chuyển trường sau khi bị bắt nạt nhưng vẫn không thể thích nghi với môi trường mới vì ám ảnh trong quá khứ.

Đừng coi bạo lực học đường là chuyện xích mích của trẻ con

"Tôi không ủng hộ việc coi nhẹ bắt nạt học đường theo cách nghĩ chỉ là trẻ con đánh nhau, người lớn không nên can dự”, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên nêu quan điểm.

Thái An

Bạn có thể quan tâm