Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắt nhóm cho vay qua ứng dụng điện thoại với lãi suất 90%/tháng

Những ông chủ điều hành từ Trung Quốc cho vay qua app điện thoại với mức lãi suất 3%/ngày. Sau 6 tháng hoạt động, nhóm cho 60.000 người vay, thu lợi bất chính hàng chục tỷ.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Tu Long (28 tuổi) Yuan Deng Hui (29 tuổi; quốc tịch Trung Quốc) cùng 3 người khác để điều tra đường dây cho vay nặng lãi qua app với lãi suất lên đến 90%/tháng.

Gia đình người vay lãi 90%/tháng qua app bị nhân viên gọi điện nhục mạ Người vay tiền qua các app Vaytocdo, Moreloan và VDonline trên điện thoại bị nhân viên của ứng dụng này gọi điện chửi rủa, thóa mạ khi chưa trả tiền.

Kết quả điều tra xác định, nhóm cho vay nặng lãi này được điều hành bởi hai người ở Trung Quốc tên L. và M. làm chủ. Chúng lập các "công ty ma" ở Việt Nam và thuê Tu Long và Yuan Dang Hui làm quản lý để chạy hoạt động cho vay nặng lãi.

Tu Long và Yuan Dang có trách nhiệm quản lý nhân viên thẩm định hồ sơ và nhắc nợ, đòi nợ với mức lương 35 triệu/tháng. Ngoài ra, L. và M. còn thuê và nuôi ăn ở cho hơn 30 người Việt Nam khác để hoàn thiện bộ máy cho vay và đòi nợ.

Vay nang lai qua app dien thoai anh 1

Yuan Dang Hui tại trụ sở công an. Ảnh: Công an cung cấp.

Chuẩn bị nhân sự xong, L. và M. tạo ra các ứng dụng trên điện thoại di động để cho vay tiền mang tên “vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online”. Các app này được quảng cáo trên Internet, mạng xã hội để người vay tự liên lạc.

Khi khách hàng có nhu cầu thì ứng dụng sẽ yêu cầu người vay tạo 1 tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân (hình ảnh, CMND, số tài khoản ngân hàng) và phải đồng ý theo 7 điều khoản, trong đó có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động.

Các điều khoản này giúp kẻ cho vay nắm được hết các số điện thoại của người thân, bạn bè, đồng nghiệp của con nợ để sau này nhân viên gọi đòi nợ.

Đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Vaytocdo” thì được vay tối thiểu là 1,7 triệu đồng và tối đa là 2,75 triệu đồng tùy theo khách hàng có uy tín trả nợ hay không. Tuy nhiên, với mức vay 1,7 triệu đồng nhưng thực chất người vay chỉ nhận được 1,42 triệu đồng vì trừ phí dịch vụ hết 272.000 đồng. Nhận tiền xong, 8 ngày sau, người vay phải trả vốn lẫn lãi là 2,04 triệu đồng. Nếu trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt 102.000 đồng.

Nếu vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online” chỉ vay tối đa được 1,5 triệu đồng nhưng khách chỉ nhận 900.000, 600.000 còn lại là phí dịch vụ và tiền lãi trả trước của một tuần.

Theo công an, sau 7 ngày người vay phải trả tiền gốc là 1,5 triệu đồng, trả chậm phạt mỗi ngày từ 2-5%. Tính ra, mức cho vay qua app là 3%/ngày, 90%/tháng.

Khi gần đến hạn trả nợ, nhân viên của L. và M. sẽ điện thoại nhắc nhở. Nếu khách không trả đúng hạn thì lập tức nhân viên sẽ gọi điện thoại cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp…người vay chửi bới, đe dọa để yêu cầu họ nói người vay trả nợ. Vì xấu hổ, nhiều người phải gấp rút vay mượn để trả nợ.

Thống kê nhóm này cho biết “nợ xấu” cho vay qua app chiếm khoảng từ 20-30% trên tổng số nợ cho vay.

Theo cảnh sát, chỉ sau gần 6 tháng hoạt động, nhóm đã có đến 60.000 người vay qua 3 ứng dụng nói trên với tổng số tiền lên đến 100 tỷ đồng. Nếu trừ đi ‘nợ xấu”, số tiền thu lợi bất chính của kẻ chủ mưu lên đến hàng chục tỷ đồng.

“Mùa dịch COVID-19, nhiều người không có việc làm nên rất dễ vướng vào việc vay nặng lãi qua app để kiếm tiền chi tiêu tạm thời. Nghĩ rằng số nợ ít, chậm trả cũng không sao nhưng khi đổ bể ra thì sẽ thành số tiền lãi lớn. Vì vậy mà mọi người cần hết sức cảnh giác, khi kẹt tiền cần tranh thủ hỏi mượn người thân, bạn bè hoặc vay ở các ngân hàng chính sách, tuyệt đối tránh vay nặng lãi qua app vì rất dễ thiệt thân”, một cán bộ điều tra khuyến cáo.

Quang Anh - Lê Trai

Bạn có thể quan tâm