Ngày 29/8, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Đà Nẵng đấu tranh thành công, bắt quả tang nhóm đối tượng hoạt động lừa đảo qua mạng, chiếm đoạt tiền tỷ.
Trước đó, cảnh sát tiếp nhận thông tin của một số nạn nhân về việc tài khoản Facebook bị hack, sau đó bị chiếm quyền sử dụng và mạo danh chủ tài khoản để liên lạc, nhắn tin đến người thân, bạn bè, người quen trong danh bạ nhằm mục đích mượn tiền, chuyển tiền mua hàng rồi chiếm đoạt.
Lê Công Phi và Nguyên Khuynh (từ trái qua). Ảnh: CACC. |
Sau thời gian điều tra, Phòng CSHS xác định nhóm đối tượng nghi vấn gồm: Lê Công Phi (21 tuổi, ngụ xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong), Nguyễn Khuynh (21 tuổi, ngụ xã Tân Long, huyện Hướng Hóa); Lê Thị Ngọc A. (21 tuổi, ngụ phường 2, thị xã Quảng Trị); Nguyễn Thanh H. (21 tuổi, cùng ngụ tỉnh Quảng Trị) và Lê Trần Tấn Đ. (21 tuổi, ngụ xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).
Theo cơ quan công an, các đối tượng này đến Đà Nẵng thuê căn hộ tại phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) để sinh sống và thường xuyên đến các tiệm Internet trên địa bàn để thực hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng liên tục thay đổi địa điểm hoạt động và nơi ở nhằm che giấu hành vi, đối phó với lực lượng chức năng.
Cảnh sát khám xét nơi ở của các đối tượng. Ảnh: CACC. |
Đến ngày 28/8, cảnh sát đồng loạt khám xét 4 địa điểm ở quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Châu, triệu tập 5 đối tượng để đấu tranh và thu thu giữ các tang vật liên quan.
Qua làm việc, bước đầu các đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Từ tháng 8/2023 đến nay, nhóm đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 400 bị hại trên cả nước với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Cảnh sát đã ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm hình sự giữ đối với Nguyễn Khuynh và Lê Công Phi; cho gia đình bảo lãnh đối với Lê Thị Ngọc A., Nguyễn Thanh H. và Lê Trần Tấn Đ. để điều tra, củng cố hồ sơ xử lý sau.
Sách về Pháp luật
Nội dung cuốn sách "Thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam" đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật về an ninh mạng dưới góc độ của ngành lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; đánh giá thực trạng pháp luật về an ninh mạng ở Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới,.