Trong cuộc họp báo chiều 25/5, những điều PV báo Tiền Phong chất vấn, đại diện Tổng cục Hải quan đã xin khất trả lời sau. Thế nhưng, người chủ trì họp báo vẫn vội vàng khẳng định “không phát hiện gian lận thuế”. Vị này nói đã làm đúng quy định hiện hành và thu đủ các loại thuế.
Hải quan, thuế vô can?
Cần phải nói rõ 1 chiếc ôtô “lọt” qua cửa khẩu đương nhiên khó trốn các hạng mục thuế phải đóng. Vấn đề là, chiếc ôtô ấy được kê khai mức giá nào và ai tiếp tay cho người mua xe, nhập xe được đóng thuế theo giá ấy? Lấy ví dụ về chiếc xe Mercedes “sốt” nhất hiện nay (G63), khi đối chiếu giữa xe diện quà biếu với xe nhập chính hãng sẽ rõ việc lách thuế, Nhà nước thiệt hại thế nào (đây chỉ là một khía cạnh trong loạt bài viết mà chúng tôi muốn truyền tải).
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, chiếc Mercedes G63, sản xuất năm 2021, mới 100% được Công ty Cổ phần HC Auto nhập khẩu làm thủ tục thông quan tại cảng Gia Thụy (Long Biên, Hà Nội) đầu tháng 8/2021 với giá khai báo 108.000USD (khoảng 2,5 tỷ đồng). Cộng các khoản thuế xuất nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, VAT, tổng giá xe sau thuế khoảng 7,52 tỷ đồng và được thông quan. Thế nhưng, giá thực tế tại showroom HC Auto được bán (cuối năm 2021) từ 13 đến 14 tỷ đồng.
Cùng mẫu xe này, trang bị phụ kiện như nhau, nhưng công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam (công ty con của Tập đoàn Daimler AG- Đức) nhập khẩu chính ngạch thương hiệu Mercedes-Benz (tại Việt Nam) báo giá từ 126.000 đến 135.000 USD (tương đương 2,9-3,1 tỷ đồng). Sau khi nộp thuế hải quan (xuất nhập khẩu + tiêu thụ đặc biệt + giá trị gia tăng), tổng giá xe sau thuế khoảng 8,7-9 tỷ đồng. Như vậy, tính riêng giá xe sau thuế hải quan, chiếc G63 của HC Auto đã “né” được khoảng 1 tỷ đồng. Điều lạ là hầu hết xe G63 nhập diện biếu tặng đều được hải quan các tỉnh chấp nhận thông quan với giá khai báo 105.000-108.000 USD, rẻ hơn 18.000-27.000 USD (tương đương từ 400-600 triệu đồng) so với giá xe nhập thương mại.
Các xe biếu tặng do Cục trưởng Hải quan Hà Nam Ninh ký, được HC Auto rao bán. |
Còn 1 đại diện thương hiệu xe sang nhập chính hãng từ Anh cho biết họ bị cạnh tranh rất nhiều. Theo người này, có những mẫu nhà sản xuất không mở cho thị trường Việt Nam, nhưng thị trường nhập ngoài lại có. Bởi vì, doanh nghiệp bên ngoài có thể linh hoạt nhập từ Mỹ hay Đức, Trung Đông, nơi được ưu tiên sản xuất sớm của bất cứ thương hiệu nào. Những thị trường nhỏ như châu Á Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, lịch sản xuất thường chậm hơn.
Thực tế, theo điều tra, con số chênh lệch giá khai báo giữa các dòng xe siêu sang như Rolls Royce Cullinan, Bentley Bentayga V8, Porsche, Ferrari Roma, Audi… có thể còn lớn hơn nhiều.
Như đã nói, thu thuế ở hải quan chỉ là một khía cạnh. Bên cạnh đó, còn có thu thuế nội địa. Một khi doanh nghiệp “ma” biến mất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập bất thường thu ở đâu? Chưa kể ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài nhập siêu xe qua kênh nào, hóa đơn chứng từ hợp thức rao sao?…
Chiều 26/5, đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết từ năm 2019 đến 2021, qua rà soát trên địa bàn, có 61 xe nhập khẩu theo diện quà biếu tặng. Trong đó, 48 xe được kê khai, 5 xe bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh, 2 xe phía doanh nghiệp thông báo trả lại, 1 xe bị tịch thu và 4 xe chưa xác định được hành tung của doanh nghiệp.
Theo vị này, với xe nhập khẩu diện quà biếu, sau khi làm thủ tục thông quan và đóng các loại thuế hải quan (xuất nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, VAT), doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp với mức bằng 20% giá trị khai báo nhập khẩu. Chẳng hạn, như chiếc G63, doanh nghiệp nhập khẩu khai báo giá khoảng 108.000 USD, mức thuế đóng sẽ khoảng 250 triệu đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói, việc đóng thuế còn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh trong năm đó của doanh nghiệp.
“Trường hợp, năm đó doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thuế này không phải đóng. Đối với những xe doanh nghiệp bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh, đây chắc chắn là hành vi trốn thuế. Hiện, chúng tôi đã có văn bản gửi cơ quan công an để truy tìm, xử lý”, đại diện Cục Thuế Hà Nội khẳng định.
Đối với những doanh nghiệp kê khai có nhận được xe biếu tặng, đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết thông thường, sau khoảng 90 ngày từ khi phía cơ quan thuế thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc phải đóng thuế, doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải đóng loại thuế này, nếu không sẽ được xem là nợ thuế. Tuy nhiên, khi được hỏi về số thuế mà các doanh nghiệp nhận xe biếu tặng đã đóng trong 3 năm qua, đại diện Cục Thuế Hà Nội từ chối trả lời, và nói sẽ rà soát lại.
“Bỏ đề tài này đi”
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, dù không có cảng biển để nhập nhập khẩu ôtô nhưng Cục Hải quan Hà Nam Ninh lại là 1 trong 2 đơn vị cấp phép nhập khẩu mặt hàng này nhiều nhất. Các lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nam Ninh thường xuyên ký cấp phép là Cục phó Hà Trung Thành và Cục trưởng Phạm Hồng Thanh; tại Cục Hải quan Đà Nẵng có Cục trưởng Quách Đăng Hòa và Cục phó Nguyễn Hương.
Tại Ninh Bình, có tới 15 doanh nghiệp đã xuất bán ôtô biếu tặng sau khi nhập về và bỏ địa chỉ kinh doanh. Cục Thuế Ninh Bình cho biết, đã gửi hồ sơ sang công an để phối hợp truy tìm, xử lý. Điều tra thêm cho thấy, giấy phép nhập khẩu của các doanh nghiệp này được ông Hà Trung Thành, Cục phó Cục Hải quan Hà Nam Ninh cấp.
Khi được hỏi “phía Cục Hải quan Hà Nam Ninh đã bao giờ xác minh xem các doanh nghiệp thực sự có hoạt động xuất nhập khẩu, kim ngạch ra sao, làm ăn thân thiết với các đối tác thế nào mà được biếu tặng xe nhiều vậy?”, Cục trưởng Phạm Hồng Thanh nói rằng theo quy định doanh nghiệp chỉ cần có đầy đủ giấy tờ như giấy đăng ký kinh doanh, công văn đề nghị, thư ngỏ biếu tặng của đối tác nước ngoài,… theo Thông tư 143 của Bộ Tài chính sẽ được xem xét cấp phép. “Theo tôi nên bỏ đề tài này đi”, ông Thanh bất ngờ gợi ý.
Trả lời về hiện tượng rất nhiều doanh nghiệp cùng 1 địa chỉ được tặng 1 dòng xe sang, cục có nhận thấy nghi vấn, bất thường không, vì sao vẫn cấp phép, ông Thanh nói: “Tôi sẽ cho các bộ phận kiểm tra lại. Báo cáo cho đoàn Thanh tra Tổng cục Hải quan trước đó không có hiện tượng này”.
Còn việc các xe biếu tặng về showroom lớn ở Hà Nội như Tiền Phong phản ánh, có hay không dấu hiệu trục lợi chính sách, ông Thanh trả lời: “Đương nhiên có. Bởi các thành phố lớn mới có đại gia chơi xe, còn Ninh Bình chỉ hơn 100 đầu xe sang. Bất cập của chính sách nữa. Bản chất là các doanh nghiệp lách luật”.
Trả lời về những dấu hiệu bất thường khi nhiều doanh nghiệp có cùng địa chỉ được cấp phép nhập khẩu ôtô biếu tặng, ông Quách Đăng Hòa, Cục trưởng Cục Hải quan TP Đà Nẵng nói: “Việc này là bình thường. Pháp luật không cấm việc nhiều công ty thành lập tại cùng một địa chỉ”.
“Bên tôi bị khách la hoài bảo sao đặt G63 1-2 năm chưa về, trong khi ở ngoài các showroom họ đặt 21 ngày đến 1 tháng là có xe. Hãng bán “con” S580 chỉ 12 tỷ, còn họ bán tới 16 tỷ đồng. Hay như dòng GLS 450 bản tiêu chuẩn bên Mỹ giá đã 77.000 USD, trong khi xe biếu tặng khai giá 30.000-40.000 USD. Như vậy, GLS 450 biếu tặng lách giá tính thuế khoảng 30.000-40.000 USD/chiếc”, đại diện một hãng xe nhập khẩu chính hãng nói.