Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắt trẻ tát bạn 231 cái và chuyện không tôn trọng nhân phẩm học trò

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, cho rằng nếu được tôn trọng, học sinh sẽ thay đổi hành vi tiêu cực.

Vụ cô Nguyễn Thị Phương Thủy, 41 tuổi, giáo viên trường THCS Duy Ninh, Quảng Bình, bắt học sinh tát bạn đến mức phải nhập viện một lần nữa khiến dư luận lo ngại về phương pháp sư phạm của một số giáo viên.

Khẳng định hành vi của cô Thủy là sai hoàn toàn, một số giáo viên cho rằng bạo lực không bao giờ là phương pháp giáo dục hiệu quả, đặc biệt với học trò được cho là chưa ngoan. Việc thầy cô đặt mình là "bề trên", không tôn trọng học trò và chạy theo "bệnh thành tích" cũng là vấn đề đáng chú ý.

Học sinh chưa ngoan, giáo viên phải kiên trì

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, cho rằng bắt học sinh tát bạn là câu chuyện cũ, từng diễn ra nhiều lần và được xem là vấn nạn của ngành giáo dục. Cô Phương Thủy đã hành động phản cảm, sai hoàn toàn, không có gì để biện minh.

Nữ giáo viên khẳng định học sinh nói tục là thiếu chuẩn mực nhưng giáo viên cần tìm hiểu nguyên nhân. Do trẻ thích thể hiện cá tính, ảnh hưởng từ môi trường và mạng xã hội hay lý do nào khác? Qua đó, giáo viên cố gắng thuyết phục học sinh hiểu nói tục là không phù hợp, phản cảm. Quá trình này cũng cần sự kiên trì chứ không thể có tác dụng ngay lập tức.

co giao bat hoc sinh tat ban  231 cai anh 1
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo cho rằng bạo lực không bao giờ cảm hóa được học trò, nhất là học sinh cá biệt. Ảnh: NVCC.

“Tôi đã gặp những học sinh có hành vi tương tự. Tôi cố gắng nhắc nhở và bao dung để trẻ hiểu, lần sau sẽ kìm chế để không thốt ra lời nói tục như một thói quen”, cô Huyền Thảo chia sẻ.

Nếu học sinh cố tình phản kháng, không nghe lời, nữ giáo viên sẽ nhắc nhở chung, yêu cầu viết bản kiểm điểm và trao đổi với phụ huynh. Lần tái phạm kế tiếp, em đó sẽ bị trừ điểm hạnh kiểm. Đây là phương pháp phổ biến, được nhiều giáo viên áp dụng.

“Thông thường, các em sợ bị trừ hạnh kiểm nhưng cũng có những học sinh phản kháng. Lúc này, giáo viên không nên đôi co hay ép buộc, có thể gặp riêng để trao đổi. Khi chỉ có cô và trò, trẻ sẽ thấy mình được tôn trọng và giữ thể diện, từ đó có thể thay đổi”, cô giáo trường chuyên Trần Đại Nghĩa nêu quan điểm.

Một số học sinh bị rối loạn và mất khả năng kiểm soát hành vi. Các em đang vui, bỗng nhiên giận dữ, ngoan chuyển sang hư nhanh chóng. Khi đó, thầy cô không la mắng học sinh, mà ngược lại, nên quan tâm, trò chuyện với trẻ nhiều hơn. Cô giáo cũng nên chia sẻ cùng bạn bè để các em hiểu vì sao bạn lại “nổi khùng” như vậy.

Mặt khác, cô Huyền Thảo cho hay vì không phải là giáo viên chủ nhiệm, không bị áp lực danh dự, điểm số, thành tích của lớp, cô dễ chia sẻ cùng học trò hơn.

Bài học về tôn trọng nhân phẩm học trò

TS Trần Thành Nam - giảng viên ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - nêu quan điểm trước khi xử lý học sinh nói tục, thầy cô cần phân định rõ giữa vô tình hay cố ý. Đó là thời điểm trước khi xảy ra hành vi để dẫn đến hậu quả. Mỗi trường hợp cụ thể, giáo viên sẽ có biện pháp phù hợp. 

Nếu trẻ nói tục bột phát, giáo viên cần gọi riêng học sinh để trao đổi, hỏi han như hành động đó có phù hợp không, em suy nghĩ thế nào? Trường hợp trẻ nói tục gây ảnh hưởng bạn bè, trừ điểm thi đua của lớp, thầy cô cần khẳng định hành vi này sai, yêu cầu học sinh xin lỗi, lập cam kết, tự nhận hình phạt. 

“Những phương án này đạt được mục tiêu trong giáo dục. Giáo viên không nên phạt nghiêm trọng, gây hậu quả nặng nề và thể hiện sự không tôn trọng học trò", TS Nam nói.

co giao bat hoc sinh tat ban  231 cai anh 2
TS Trần Thành Nam đặt câu hỏi trẻ sẽ học được gì khi chúng bị thầy cô xúc phạm nhân phẩm trước mặt bạn bè? Ảnh: NVCC.

Trong câu chuyện này, điều khiến TS Trần Thành Nam lo ngại là cách người lớn dạy "con ngoan phải biết vâng lời, không được làm trái ý bố mẹ, thầy cô".

Nó hình thành cho lớp trẻ suy nghĩ không nên làm trái số đông, làm mòn tư duy phản biện. Hậu quả là một thế hệ học trò tự ti, không có chính kiến, không biết sáng tạo. 

Ngoài ra, cũng theo ông Nam, nhiều người lớn không tôn trọng nhân phẩm, lòng tự trọng của trẻ nhỏ. Chúng sẽ học được gì khi thầy cô giáo "thích là đánh" và bị sỉ nhục trước mặt bạn bè? Hành động đó của "bề trên" khiến học sinh sợ hay nể và ai dám chắc lần sau các em không tái phạm? 

Nhiều thầy cô khác cũng khẳng định không ít giáo viên quá áp đặt học sinh, không giúp các em hình thành tư duy phản biện mà chỉ "ngoan ngoãn biết nghe lời".

Mỗi đứa trẻ là sản phẩm được tạo ra từ quan điểm của mỗi gia đình, nhà trường, tập trung vào việc đào tạo kiến thức, thành tích hay chú trọng cá nhân mỗi học sinh.

Cô giáo bắt học sinh tát bạn 231 cái Cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) bắt học sinh tát bạn 231 cái.

Diễn biến vụ việc

- Ngày 19/11, nam sinh lớp 6.2 trường THCS xã Duy Ninh, bị cho là nói tục ngoài sân trường, đội cờ đỏ ghi sổ. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy đã bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp khiến nạn nhân phải nhập viện.

- Ngày 24/11, Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục, Bộ GD&ĐT, vừa có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT Quảng Bình xác minh và phối hợp xử lý nghiêm việc cô giáo bắt cả lớp tát bạn 231 cái.

- Ngày 25/11, cô Nguyễn Thị Phương Thủy giải trình: "Tôi chỉ muốn có hình thức răn đe các em, việc làm này là sai, cũng do tôi nóng giận và một phần vì áp lực thi đua".

- Trưa 26/11, đại tá Đoàn Thanh Tuyên, Trưởng công an huyện Quảng Ninh, cho biết đơn vị vừa có quyết định khởi tố vụ án hình sự, làm rõ về hành vi Hành hạ người khác của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy.

Cô giáo bắt học sinh tát bạn 231 cái từng có hành vi bạo hành trẻ

Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho hay đoàn công tác đang làm rõ việc cô Nguyễn Thị Phương Thủy từng cho học sinh tát bạn ở trường cũ.

Quyên Quyên

Video: VTV

Bạn có thể quan tâm