Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bầu Kiên phủ nhận cáo buộc, các bị cáo khác xin giảm

“Nếu như vì một lý do nào đó, 718 tỷ này không thu hồi được thì đây là tổn thất kinh doanh, trừ đi thì ACB vẫn còn lãi hơn 2.000 tỉ”, bỷ cáo Kiên tính toán.

Ngày 4/12, phiên phúc thẩm xét xử bầu Kiên và các đồng phạm được tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo về hành vi cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong ngày xét xử hôm nay, sức khỏe bầu Kiên không được tốt.

Trong phần thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói: "VKS nói tôi là cổ đông lớn, Phó Chủ tịch hội đồng sáng lập, chủ tịch Hội đồng đầu tư (HĐĐT) đã chỉ đạo chi phối hoạt động này thì Luật DN, Luật tổ chức tín dụng và các luật liên quan không có khái niệm 'cổ đông lớn'. Với tư cách là chủ tịch HĐĐT Ngân hàng ACB, tôi có trách nhiệm trong HĐĐT ACB chứ không có trách nhiệm với Ngân hàng ACB".

Nói về hành vi đầu tư cổ phiếu ACB, bị cáo Kiên cho hay, với tư cách là chủ tịch HĐĐT, đã báo cáo tình hình chứng khoán và đưa ra đề xuất đầu tư một số cổ phiếu vào thời điểm đó, trong đó có cổ phiếu ACB.

Bị cáo tại tòa.
Bị cáo tại tòa.

Bị cáo cho rằng, bản án sơ thẩm xác định Nghị quyết từ cuộc họp HĐQT Ngân hàng ACB ngày 22/3/2010 gây thiệt hại 718 tỷ là không chính xác. Bởi vì trước khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, tổng thu của Nghị quyết này là hơn 3.000 tỷ.

“Nếu như vì một lý do nào đó, 718 tỷ này không thu hồi được thì đây là tổn thất kinh doanh, trừ đi thì ACB vẫn còn lãi hơn 2.000 tỷ”, bị cáo Kiên tính toán. Cũng trong phiên tòa ngày 4/12, bị cáo Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB) nêu lý do chuyển từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt. 

"Tôi làm bán thời gian ở Ngân hàng ACB, có nhiều thông tin tôi cũng không nắm. Lúc đó ban pháp chế khẳng định không có gì sai; ông Trần Xuân Giá đồng ý, nói luật cho phép, cái gì luật không cấm thì chúng ta làm. Các thành viên khác không ý kiến gì nên tôi đồng ý ký”, bị cáo Cang nêu lý do. 

Bị cáo này cho biết, thời gian tạm giam, đã rất ân hận vì thấy giải pháp này không đúng. "Bằng chứng ngoại phạm, tôi đi Mỹ từ ngày 9/5/2011 trở về 20/9/2011, thời gian gửi tiền vào Vietinbank tôi không có mặt ở Việt Nam. Toà sơ thẩm không oan nhưng hơi nặng vì hậu quả xảy ra thì tôi không có ở ngân hàng. Xin giảm nhẹ hình phạt", bị cáo Phạm Trung Cang nói. 

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Trịnh Kim Quang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB) cũng cho hay: “Ở vị trí cao nhất của Ngân hàng, khi xảy ra sự cố như thế thì tôi phải có trách nhiệm nào đó. Tôi cho rằng có thể tôi có tội, còn tội như thế nào thì cho tôi tiếp tục trình bày". 

"Xin toà phân biệt hai thời kỳ khác nhau. Năm 2010 tôi chỉ ký duy nhất một văn bản. Việc hồi tố hành vi năm 2010 không phù hợp lắm. Biên bản vào năm 2010 theo nhận thức lúc đó việc uỷ thác không trái pháp luật”, bị cáo Trịnh Kim Quang nói. 

Tương tự, bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên HĐQT ACB) trình bày: "Đơn kháng cáo chưa hẳn là đơn kêu oan, đơn xin xem xét cũng chưa hẳn là đơn nhận tội. Chỉ xin đánh giá hộ tôi khách quan, tránh suy luận mang bất lợi cho tôi. Trường hợp bị kết án, tôi xin HĐXX xem xét yếu tố nhân thân". 

"Xin HĐXX đánh giá hành vi của tôi khách quan. Không có hành động nào thể hiện tôi đồng tình chủ trương ấy vì mảng này không phải tôi phụ trách nên rất ít quan tâm tới… Mong HĐXX hiểu cho, tôi không phải là chuyên gia pháp lý, không có khả năng tự đánh giá", bị cáo thành khẩn.

Trước ý kiến của các bị cáo, HĐXX đề nghị cần phải cân nhắc, nếu bị cáo kêu oan và có cơ sở oan thật thì tha ngay; còn xin giảm nhẹ hình phạt thì sẽ khác. “Các bị cáo cần bình tĩnh suy nghĩ, lắng nghe toàn bộ diễn biến của phiên toà, nâng cao nhận thức về pháp luật”. chủ toạ nói. 

Ngày mai, tòa tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo.

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/210292/bau-kien-phu-nhan-cao-buoc--cac-bi-cao-khac-xin-giam.html

Theo Hoàng Sang/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm