Sáng 10/12, ngày thứ 9 phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên (nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ngân hàng ACB) và các đồng phạm, tòa đã cho bị cáo Kiên trình bày phần tự bào chữa.
ACB lách luật: người nhận có, kẻ nói không
Về hành vi cố làm trái, bị cáo cho rằng cáo trạng quy kết bị cáo chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành của ACB là không chính xác. Lý do, bị cáo chỉ sở hữu 3,3% cổ phần của ACB. Theo quy định ai sở hữu 5% trở lên mới là cổ đông lớn.
Bị cáo cho rằng vị trí của bị cáo tại ACB được thể hiện tại biên bản họp HĐQT của ACB tháng 8/2011. Bị cáo chỉ là Phó chủ tịch hội đồng sáng lập, có vai trò tư vấn. Việc có thực hiện theo hay không thuộc vào bản lĩnh của HĐQT ACB. Các ý kiến của bị cáo trong 5 năm giữ vị trí Phó chủ tịch HĐ sáng lập, bị cáo luôn có những ý kiến chính xác, đúng pháp luật.
Hoạt động của ACB minh bạch, công khai, không có hoạt động nào dưới “gầm bàn”.
Không ai có quyền điều hành ACB tự ý, theo ý kiến chủ quan của mình, một ý kiến có thể phủ quyết được tất cả các ý kiến khác.
“Tôi có vị trí rất cao ở ACB. Nếu nói tôi không có vị trí, không có ảnh hưởng là đớn hèn. Nhưng ở mỗi thời điểm khác nhau có vị trí khác nhau. 5 năm làm Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập, tôi chỉ là chỗ dựa cho anh em, chứ không tham gia vào quá trình ra các quyết định của ACB.
Các anh em có nhiều lời khai, hành xử bất lợi cho tôi, nhưng tôi không trách móc các anh ấy. Nhưng tôi cần HĐXX làm rõ tại phiên tòa này, trách nhiệm của tôi ở đâu trong từng vấn đề.
Nói về nội dung cuộc họp thường trực HĐQT ACB ngày 22/3/2010 bàn về chủ trương ủy thác gửi tiền tại VietinBank, bầu Kiên cho rằng bản cáo trạng nêu rằng anh Hùng có ý kiến về hạ lãi suất, tôi có ý kiến giữ lãi suất. Ý kiến của tôi trở thành ý kiến chỉ đạo để anh Lý Xuân Hải triển khai. Đây là xâu chuỗi khác nhau, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Theo bị cáo, ACB không lách luật vì tại thời điểm đó ai cũng cho rằng việc ủy thác này không sai pháp luật, không lách luật chứ không phải biết là sai nhưng lách luật. “Các bị cáo ở đây không phải nhận tội vì biết có tội, mà họ nhận tội để xin giảm án” (Trước đó, trong phần tự bào chữa, hai bị cáo Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB) đã thừa nhận hành vi ủy thác các nhân viên đi gửi tiền vào ngân hàng khác là lách luật-PV)
HĐXX nhắc bị cáo không được suy diễn ý kiến của người khác. Việc họ trình bày tại tòa là ý kiến chủ quan của họ. Bảo họ sai hay đúng dành cho HĐXX quyết định. Nếu bị cáo còn nói như thế thì không cho nói nữa.
Bầu Kiên cũng xác nhận việc tiếp tục thực hiện việc ủy thác khi đã có Nghị quyết dừng là sai. Thường trực HĐQT với trách nhiệm giám sát thực hiện Nghị quyết đã sai vì không phát hiện kịp thời để xử lý. Các thành viên Thường trực HĐQT biết sai, biết rõ sai, nhưng cái sai ở đây không phải là cố ý làm trái mà là không nắm bắt kịp thời các thay đổi của pháp luật dể đưa ra các ứng xử phù hợp. Khi xảy ra sự việc rồi thì không tận dụng tối đa những cái có thể có thẩm quyền để xử lý từ 2011, không cần phải đưa ra tòa. Nếu các anh nghe theo lời khuyên của tôi thì đã không có sự việc xảy ra ngày hôm nay.
Quang cảnh phiên tòa hôm nay 10/12. |
Bầu Kiên nói: "tôi chưa bao giờ nói ở đâu, khai với ai. Tôi đã đề nghị anh Hải các anh sai, hãy cho tôi dùng tiền cá nhân của tôi (718 tỷ đồng) nộp cho ACB, sửa cái sai này, chứ đừng để các anh vi phạm pháp luật.
Anh Hải nói không đồng ý việc lấy tiền của tôi đi sửa sai việc của các anh ấy làm. Như vậy là vi phạm đạo đức nghề nghiệp của các anh ấy. Tôi có nói nếu các anh tự giải quyết không được thì hãy làm báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, gửi các bộ ngành trình bày sự việc là thế nào".
“ACB không có tổn thất”
Theo bị cáo Kiên, thời điểm đó có nhiều rủi ro vì ACB đã cho một số ngân hàng nhỏ vay liên ngân hàng nhưng các ngân hàng này không trả nợ khi đến hạn, và không có áp lực để có thể yêu cầu ngân hàng này trả nợ đúng hạn. Ngân hàng nhà nước đưa ra thứ tự ưu tiên thanh toán là trả tiền gửi cho người dân trước, trả liên ngân hàng sau. Ý thức lúc đó của ACB không phải là lách luật mà đưa ra giải pháp phù hợp, an toàn cho ACB. ACB có thiệt hại không? ACB không có tổn thất trong giai đoạn này.
Bị cáo lý giải số tiền 718 tỷ đồng là một phần lãi của ACB, nếu mất thì cũng chỉ là giảm lãi của ACB nên không phải là thiệt hại. Do đó, khoản này là khoản tiền ACB phải đòi với nhân viên ACB và các nhân viên ACB mới là người có quyền đòi nợ.
Theo bị cáo số tiền này chưa mất vì bản án sơ thẩm của TP. HCM chưa có hiệu lực. Ngoài ra, số tiền này đang được xem xét ở 5 tòa dân sự khác. "Không thể mất vì VietinBank là 1 trong 4 ngân hàng lớn nhất của Việt Nam, ngân hàng này không thể bị phá sản. Ngân hàng này có trách nhiệm phải trả tiền cho 19 nhân viên ACB gửi tiền vào VietinBank" bị cáo Kiên nói.
Bầu Kiên cũng cho rằng các thành viên Thường trực HĐQT nếu có tội thì là tội thiếu trách nhiệm, nhưng ACB không truy cứu trách nhiệm họ về vấn đề này. Họ do cổ đông ACB bầu ra, chỉ có cổ đông ACB mới có quyền phán xét họ, họ có phải chịu trách nhiệm về thiệt hại không? Các cơ quan pháp luật nên để quyền đó cho cổ đông ACB, vì quyền đó đã được pháp luật quy định.
Về tội kinh doanh trái phép, bị cáo Kiên đưa quan điểm về kinh doanh trái phép, bị cáo trích dẫn các công văn 6388 ngày 9/9/2014 của Bộ Kế hoạch đầu tư khái niệm về kinh doanh, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, bị cáo trích dẫn các quy định để khẳng định góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp không phải là hoạt động kinh doanh, pháp luật không cấm nên bị cáo không phạm tội.