Chất lượng không khí của Trung Quốc đã cải thiện đáng kể trong hai tháng vừa qua nhờ yêu cầu hạn chế đi lại và lệnh phong tỏa ở nhiều thành phố. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ nhanh chóng quay lại khi nhà máy, hệ thống giao thông trở về hoạt động như cũ.
Theo Bộ Sinh thái và Môi trường, từ ngày 20/1 đến 4/4, mức độ bụi mịn PM 2.5 ở Trung Quốc giảm 18.4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hình ảnh được chụp bởi vệ tinh của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho thấy mức độ ô nhiễm không khí giảm mạnh ở các thành phố lớn của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2020, so với một năm trước đó.
Theo NASA, những thay đổi về môi trường đặc biệt tích cực ở Vũ Hán, tâm dịch Covid-19 tại Trung Quốc, cũng là nơi “cư trú” của hàng trăm nhà máy, xí nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, từ sắt, thép cho đến vi mạch, phụ tùng xe hơi.
Ô nhiễm không khí có khả năng quay trở lại khi các thành phố Trung Quốc gỡ bỏ lệnh phong tỏa. Ảnh: Reuters. |
Theo một dữ liệu chính thức, vào tháng 2, nồng độ bụi mịn PM 2.5, NO2 và SO2, một loại khí độc chủ yếu do việc đốt than công nghiệp và nhiên liệu hóa thạch, đều giảm 27%, 28% và 23% tương ứng.
Cơ quan vũ trụ nhận định rằng sự suy giảm mức độ ô nhiễm không khí chính là “tác dụng phụ” không ngờ của trận đại dich.
Liu Qian, nhà vận động khí hậu tại Greenpeace, tổ chức môi trường phi lợi nhuận có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cho biết những hạn chế trong công nghiệp và du lịch là lý do chính cho sự cải thiện chất lượng không khí nơi đây.
“Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí, nhưng việc tạm ngưng các hoạt động công nghiệp và yêu cầu hạn chế di chuyển đã phần nào đó giúp giảm thiểu tình trạng này”, ông Liu nói.
Các trường hợp tương tự cũng diễn ra ở Thái Lan, Ấn Độ và Brazil. Đặc biệt, người dân ở bang Punjab, phía bắc Ấn Độ, có cơ hội nhìn thấy dãy núi Himalaya ở cách họ 160 km lần đầu tiên sau hơn 30 năm giữa lúc đất nước này bị phong tỏa do dịch bệnh.
Thế nhưng, việc tâm dịch Covid-19 chuyển sang Mỹ và châu Âu cũng đồng nghĩa với các hoạt động công nghiệp, sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân Trung Quốc trở về quỹ đạo cũ, dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí cũng dần tăng lên.
Ma Jun, Giám đốc Viện Môi trường và Công cộng, cho biết các kế hoạch kích thích tái khởi động nền kinh tế có tác dụng đáng kể đối với vấn đề môi trường trong quốc gia.
“Một khi sản xuất công nghiệp ổn định trở lại, sản lượng khí thải cũng từ đó mà tăng lên”, ông nói.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Bắc Kinh đã tung ra gói kích thích tái khởi động nền kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (567,6 tỷ USD) bao gồm các phí đầu tư cơ sở hạ tầng lớn. Đồng thời, việc này cũng dẫn đến một ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong những năm sau đó, ô nhiễm không khí tăng lên đến mức cao kỷ lục và gây ra những tác động nặng nề cho quốc gia này, đặc biệt là vấn đề khí hậu.
Tuy nhiên, ông Ma cũng cho biết Bắc Kinh đang bước đầu tái tạo lại môi trường sống ở đây bằng cách đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng “xanh” nhiều hơn thay vì các dự án tiêu tốn nhiên liệu.
“Sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường mới chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững”, ông nói.
Từ bang Punjab, miền bắc Ấn Độ, người dân có thể nhìn thấy dãy núi Himalaya sau hơn 30 năm, khi ô nhiễm ở đây giảm xuống mức thấp nhất. Ảnh: Twitter. |