Bay dọc tuyến đường sắt trên cao đầu tiên sắp chạy thử
Thứ năm, 16/2/2017 14:00 (GMT+7)
14:00 16/2/2017
Công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đã hoàn thành 90% khối lượng công việc, định hình rõ ràng với 12 ga chính và sẽ chạy thử từ tháng 9/2017.
Tính đến tháng 2/2017, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (tuyến đường sắt 2A) đã hoàn thành khoảng 90% tiến độ, 12 nhà ga chính đã xây dựng xong.
Nhà ga lớn nhất toàn tuyến (ga số 1) ở điểm đầu Cát Linh đang trong quá trình hoàn thiện.
Sau khi xuất phát từ ga Cát Linh, tàu sẽ chạy dọc phố Hào Nam, vào ga La Thành, sau đó vòng qua phía trên hồ Hoàng Cầu.
Tuyến đường rẽ vào phố Hoàng Cầu, đón trả khách tại ga Thái Hà. Trung bình mỗi ga cách nhau khoảng 1 km.
Ngoài ga số 1 Cát Linh, 11 ga còn lại được thiết kế khá giống nhau với mái vòm tạo cung tròn bằng khung thép lớn. Hệ thống mái sử dụng tấm lợp hút ánh sáng trời, hai cổng ra vào ga thông suốt qua ga. Ray tàu trên toàn tuyến đã được lắp đặt xong.
Các nhà ga cùng lúc thi công và hoàn thiện với các công trình phụ trợ bên trong.
Cầu dẫn bộ cho hành khách đã thi công xong phần thô, chờ kết nối với nhà ga.
Ra khỏi ga Thái Hà, tàu chạy thẳng dọc phố Thái Thịnh 2, rẽ trái một cung lớn qua đường Láng để vào ga Láng.
Ga trên cao được thiết kế theo kiểu nghiêng. Khoảng cách giữa đường trung tâm với giáp ranh sân ga là 1,5 m, độ cao mặt ray cách mặt sân ga là 1,02 m. Độ cao của giới hạn kiến trúc và giới hạn của khoảng cách giữa đáy kết cấu hoặc thiết bị với mặt ray là 4,2 m. Ga đặt tại một phía tuyến đường, gồm ga kiểu 2 tầng: tầng 1 là giá, tầng 2 là ga. Ga kiểu cầu 3 tầng: tầng 1 là giá, tầng 2 là phòng chờ, tầng 3 là sân ga.
Ga Láng có vị trí đặc biệt khi nằm trên các cột trụ được xây giữa lòng sông Tô Lịch và nền đường Láng.
Mặt đường tàu được lắp đặt 2 làn ray cho 2 tàu chạy ngược chiều nhau. Ray tàu có khổ 1,435 m.
Tuyến đường sắt nội đô 2A có 2 điểm giao cắt qua khu dân cư là tại ngã tư Thái Thịnh 2 - Láng và Giáp Nhất - Nguyễn Trãi ( Ngã Tư Sở). Khoảng cách tối thiểu từ đường tàu tới nhà dân khoảng hơn 2 m.
Sau khi ra khỏi ga Láng, tàu sẽ tiếp tục đi theo đường cong lớn vòng qua Ngã Tư Sở tạo một khúc cua gắt nhất trên toàn tuyến trước khi vào đường Nguyễn Trãi.
Các nhà ga được xây dựng, thiết kế với các màu sắc riêng biệt. Có ga màu xanh cốm, ga màu đỏ, màu cam hoặc màu vàng...
Hệ thống barie và lưới bảo vệ cao hơn 1 m đang lắp đặt, chạy dọc 2 bên đường tàu.
Điểm giao cắt lớn nhất của tuyến là đoạn qua ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, nút giao 4 tầng duy nhất tại Hà Nội gồm một đường hầm, một trục giao thông mặt đất, 2 tuyến đường trên cao.
Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông sẽ có 13 đoàn tàu (52 toa xe) với 4 toa xe/đoàn tàu. Chiều dài đoàn tàu 79 m, chiều cao toa tàu tính từ mặt ray đến đỉnh tàu 3,8 m, độ rộng lớn nhất toa tàu 2,8 m, tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác trung bình 35 km/h. Năng lực vận chuyển tối đa mỗi chiều khoảng 28.500 hành khách/h.
Ga Văn Quán (quận Hà Đông) dự kiến là một trong những điểm có lượng hành khách lớn bởi nơi đây mật độ nhà cao tầng dày đặc.
Nằm trên đường Nguyễn Trãi, cách đường vào Văn Quán chỉ 50 m, có đến gần 10 toà nhà cao tầng, chung cư. Các trung tâm thương mại, điện máy lớn, nhỏ cũng tập trung tại đây khá nhiều.
Dự án Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2009 với tổng mức đầu tư ban đầu 550 triệu USD với nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, theo hình thức EPC. Tuy nhiên, sau đó vốn được điều chỉnh tăng, nâng tổng mức đầu tư thêm hơn 300 triệu USD.
Khi qua khu vực Ba La, tàu sẽ vào ga Văn Khê, sau đó gặp đường rẽ tránh tàu, chờ tàu trước khi về ga cuối Yên Nghĩa.
Ga Yên Nghĩa nằm cạnh bến xe Yên Nghĩa là điểm ga số 12, nằm cuối tuyến đường sắt nội đô 2A. Dự kiến tới đầu tháng 4, toàn tuyến sẽ hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp, trang trí kiến trúc bao gồm các nhà ga và các công trình trong khu depot và đưa vào chạy thử vào cuối tháng 9/2017.
Khối lượng xây lắp công trình của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 90% , định hình rõ ràng với 12 ga chính và sẽ chạy thử trong 3 tháng kể từ tháng 9/2017.
Dự báo thời tiết 19/1/2025, miền Bắc vẫn duy trì trời rét, có nơi rét đậm; sáng sớm có sương mù; trưa chiều giảm mây trời nắng. Trên biển có gió to, sóng lớn, nguy cơ tác động tới tàu thuyền.