Hồi tháng 3 năm nay, Uli Hesse - một CĐV trung thành của Borussia Dortmund, khiến hai cổ động viên Anh sững sờ khi đưa họ đến xem một trận đấu trên sân Signal Iduna Park. Uli Hesse miêu tả: “Mắt họ không thể trố ra hơn được nữa khi nghe tôi nói về giá vé 12 bảng”.
12 bảng để thưởng thức một trong những bữa tiệc bóng đá cuồng nhiệt nhất châu Âu là cái giá quá rẻ. Chắc chắn người hâm mộ sẽ còn sốc hơn khi biết chỉ cần bỏ ra gần 10 lần số tiền đấy (tức 120 bảng) là có thể sở hữu một tấm vé xem… trọn mùa của Bayern Munich. Còn nếu muốn xem cả mùa của Arsenal? Bạn phải chi gấp 100 lần số tiền 12 bảng. Arsenal vô đối ở mặt trận giá vé tại Ngoại hạng Anh.
Theo thống kê của GoEuro, tính bình quân, giá vé xem Bundesliga là 17,7 bảng/trận. Các giải khác cao ngất ngưởng, Ngoại hạng Anh là 41,3 bảng, La Liga 39 bảng. Thậm chí đến cả Serie A cũng lên tới 38,49 bảng.
Người hâm mộ Arsenal phải bỏ rất nhiều tiền để xem cuộc đại chiến với Bayern. Ảnh: Metro. |
Bundesliga nói chung và Bayern Munich nói riêng thể hiện tính vì cộng đồng ngay từ chiếc vé. Cựu chủ tịch Uli Hoeness – người đang phải chịu án tù 3,5 năm vì trốn thuế, tuyên bố: “Chúng tôi không coi CĐV là con bò sữa để vắt kiệt. Bóng đá phải dành cho tất cả mọi người. Đó là điểm khác biệt lớn nhất giữa bóng đá Đức và Anh”.
“Chúng tôi có thể đưa ra mức giá cao hơn. Chúng tôi có thể tăng giá lên 300 bảng để kiếm được nhiều hơn 2 triệu bảng từ tiền vé. Nhưng 2 triệu bảng chẳng có ý nghĩa gì. Trong khi với người hâm mộ, khoản chênh giữa 104 bảng với 300 bảng là cả một vấn đề”.
Giá vé rẻ là lợi thế và niềm tự hào của Bundesliga, là một trong những yếu tố kéo CĐV đến sân, bên cạnh bầu không khí rực lửa và những cốc bia loại nửa lít chảy tràn được bán bằng xe đẩy trên khán đài. Theo thống kê mùa vừa qua, số khán giả trung bình đến sân ở Bundesliga là 42.561 người mỗi trận, cao hơn 7 nghìn người so với Premier League.
Nhờ nguồn khán giả trung thành, đông đảo và luôn đến chật kín các sân kể cả trận đấu không có nhiều ý nghĩa, các đội Bundesliga vẫn sống khỏe do làm dịch vụ tốt, như việc bán bia kèm xúc xích nướng. Họ chú trọng gây dựng cộng đồng bóng đá và thu tiền dịch vụ từ cộng đồng ấy, chứ không cần cắt cổ thượng đế bằng giá vé.
Bên cạnh đó, các đội Bundesliga cũng có nguồn tài chính ổn định từ các nhà tài trợ lâu năm. Ví dụ Bayern có số nhãn hàng tài trợ lâu dài và trung thành, từ Adidas, Paulaner, Audi, Coca-Cola, Samsung, Siemens, Burger King, Continental, Sheraton, Lufthansa… Họ sử dụng nguồn tài trợ để hỗ trợ giá vé cho CĐV.
Fan Bayern luôn nhận được sự ưu đãi đặc biệt từ ban lãnh đạo đội bóng con cưng. Ảnh: Daily Mail. |
Cũng chính vì giá vé ở Bundesliga quá rẻ nên mới có chuyện NHM Bayern bị sốc khi Arsenal công bố mức giá vé thấp nhất 64 bảng cho trận đấu đêm nay. Họ bảo giá vé như vậy là quá cao, nằm ngoài khả năng chi trả của CĐV trẻ và CĐV khuyết tật. Nó phá hủy tính toán kinh tế của CĐV. Họ cho rằng hành động của Arsenal là kiếm lợi từ CĐV và coi CĐV là “con bò sữa”.
Từ những căn cứ ấy, Hội CĐV Bayern tuyên bố sẽ vào sân muộn hơn 5 phút để bày tỏ sự phản đối với BLĐ Arsenal. Ở trận lượt đi vòng 16 đội mùa giải trước với Arsenal, CĐV Bayern phải móc túi chi ra từ 62 đến 132 bảng để được vào sân xem đội bóng yêu mến. Lúc ấy, BLĐ Bayern đã phải thông báo trợ giá cho NHM.
Vì thế, cuộc đối đầu giữa Arsenal và Bayern Munich hôm nay còn là cuộc đối đầu của hai cách làm bóng đá giữa Đức và Anh. Bóng đá Đức đang tiến nhanh và vững chắc bằng phương châm vì cộng đồng, còn bóng đá Anh thì ngày càng phình ra về bản quyền truyền hình nhưng cứ xẹp dần về thành tích.